Bảo hiểm nhân thọ chờ cơ hội

(ĐTCK-online) Nhận định của các chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho thấy, năm 2010, ngoài việc tăng trưởng về số lượng đại lý bảo hiểm, các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều kênh phân phối khác để tiếp cận thị trường rộng rãi hơn và khách hàng tiếp xúc với sản phẩm bảo hiểm nhiều hơn.

Năm 2010, các doanh nghiệp trong ngành cũng sẽ đầu tư mạnh vào việc đào tạo và phát triển đội ngũ đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp hơn, bởi tầm quan trọng của lực lượng này trong việc tư vấn và giải thích cho khách hàng về các sản phẩm bảo hiểm. Năm 2010 được nhận định là một năm tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ. AIA Việt Nam vừa chính thức được Bộ Tài chính chấp thuận cho tăng vốn từ 970 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn này sẽ giúp AIA Việt Nam tiếp tục kế hoạch phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mới, hướng tới từng nhóm khách hàng, với từng nhu cầu cụ thể. Theo kế hoạch, trong năm 2010, AIA Việt Nam sẽ đầu tư nâng cấp và chỉnh trang một số trung tâm dịch vụ khách hàng với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, phục vụ khách hàng ngày càng chu đáo và chuyên nghiệp hơn. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, có thể trong tháng 3/2010, một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài sẽ trình Bộ Tài chính tăng thêm 15 triệu USD vốn điều lệ, nâng vốn lên gần 55 triệu USD. Những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác tuy chưa có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2010, nhưng trước đó cũng đã xin bổ sung một lượng vốn nhất định. Trong khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có vốn đầu tư nước ngoài, Prudential vẫn đang là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài có số vốn điều lệ lớn nhất. Sau 3 lần tăng vốn, hiện số vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 75 triệu USD. Chỉ 1 năm sau ngày thành lập, vào tháng 1/2008, Dai-ichi Life Việt Nam được Bộ Tài chính cho phép tăng vốn đầu tư từ 25 triệu USD lên 72 triệu USD và trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài có vốn đầu tư lớn đứng thứ hai tại Việt Nam. Công ty bảo hiểm lớn nhất Singapore và Malaysia mới gia nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam là Great Eastern Việt Nam đang có số vốn điều lệ 830 tỷ đồng, khoảng 44 triệu USD, số vốn này đã được bổ sung sau 9 tháng chính thức hoạt động tại thị trường Việt Nam. Nguồn vốn bổ sung này sẽ được sử dụng đầu tư vào các hoạt động tư vấn bảo hiểm và các sản phẩm bảo hiểm với nhiều giá trị gia tăng. Theo quy định trong Thông tư 156/2007/TT-BTC, vốn pháp định tối thiểu đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 600 tỷ đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm có mức vốn điều lệ đã góp bằng mức vốn pháp định được mở tối đa 20 chi nhánh và văn phòng đại diện. Đối với mỗi chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tăng thêm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bổ sung vốn điều lệ đã góp là 10 tỷ đồng. Thực tế, vấn đề tăng vốn không phải là việc cấp thiết và quan trọng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, vì hiện tại, các doanh nghiệp đều đáp ứng đầy đủ số vốn pháp định này. Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài, khi rót vốn vào thị trường bảo hiểm Việt Nam, thì vấn đề quan trọng nhất chính là tính hiệu quả của đồng vốn và phù hợp với quy mô phát triển của doanh nghiệp. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp vẫn giữ mức vốn điều lệ đúng theo quy định vốn tối thiểu do Bộ Tài chính quy định, mà không quá "sốt ruột" với những quyết định tăng vốn của các doanh nghiệp khác. Lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài cho rằng, một trong những thử thách lớn nhất của bảo hiểm nhân thọ Việt Nam hiện tại là làm cho đại bộ phận dân chúng hiểu và ý thức được tầm quan trọng của bảo hiểm nhân thọ đối với cuộc sống của họ. Chỉ khi hiểu được tầm quan trọng này thì bảo hiểm nhân thọ mới có bước phát triển mạnh. Ngoài ra, chính sách ưu đãi thuế đối với người mua bảo hiểm cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CFAFHH/bao-hiem-nhan-tho-cho-co-hoi.html