Bảo hiểm y tế chi trả tiền tỷ cho nhiều bệnh nhân bệnh hiểm nghèo

Những lợi ích của BHYT mang lại cho người sử dụng là điều dễ thấy. Nhưng đến nay, việc hướng đến mục tiêu toàn dân có BHYT vẫn còn không ít khó khăn.

"Nếu không có bảo hiểm y tế, có lẽ tôi đã không thể sống đến ngày hôm nay". Đó là chia sẻ của anh Cao Thanh Lịch (sinh năm 1993), bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông bẩm sinh trong chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân – Chung tay vì sức khỏe cộng đồng” được tổ chức mới đây.

Hàng triệu người đang hưởng những lợi ích thiết thực từ việc tham gia bảo hiểm y tế. (Ảnh minh họa)

Kể về bệnh tình, anh Lịch cho biết, căn bệnh quái ác này đã hành hạ anh bao năm nay, bệnh ngày một nặng, những cơn đau cũng dữ hơn trước. Ban đầu anh đăng ký bảo hiểm y tế (BHYT) và điều trị tại bệnh viện Xanh pôn, nhưng bệnh tình ngày càng phức tạp, nên anh được chuyển đến bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, điều trị theo đúng chuyên khoa 13 năm nay.

Anh Lịch cho biết, nếu không có BHYT, có lẽ anh đã không thể sống đến ngày hôm nay do chi phí chữa trị quá lớn. “Với một người làm công việc tự do như tôi, thu nhập thấp và không ổn định, lo ăn, ở hàng ngày còn khó chứ đừng nói đến việc khám, làm các xét nghiệm máu, chẩn đoán bệnh lại vô cùng tốn tiền, chi phí điều trị bệnh máu kéo dài nhiều năm. Mỗi năm số tiền điều trị cũng lên đến hàng tỷ đồng, nếu như không có BHYT thì tôi và gia đình có cố gắng đến đâu cũng không thể có đủ tiền để điều trị được”, anh Lịch xúc động chia sẻ.

Được biết, chỉ riêng năm 2016, Quỹ BHYT đã chi trả cho anh Lịch hơn 1,1 tỷ đồng chi phí khám và điều trị tại bệnh viện. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, số tiền mà BHYT chi trả cho anh cũng trên dưới 700 triệu đồng.

Bệnh nhân này chia sẻ, khi đi khám và điều trị, anh mới nhận thấy rõ những lợi ích thiết thực của BHYT mang lại.

Không chỉ riêng anh Lịch, hàng triệu bệnh nhân khác tham gia BHYT cũng đang được nhận những lợi ích thiết thực, giảm bớt gánh nặng trong việc điều trị cho chính bản thân và gia đình bệnh nhân.

Còn tại khoa Chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, để duy trì sự sống, mỗi bệnh nhân phải chạy thận lọc máu hàng tuần, hàng tháng, chi phí cho mỗi bệnh nhân lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bà Dương Thị Nhàn, quê Hải Phòng, không may mắc bệnh từ năm 1995. Đến nay, hơn 20 năm điều trị, bà Nhàn cho biết, mỗi tháng bà chỉ phải trả 500.000 đồng thay vì hơn 10 triệu đồng nếu như không có BHYT.

Theo nghiên cứu, tại nước ta có đến 13% bệnh nhân ung thư không có đủ điều kiện điều trị sau 1 năm phát hiện ra bệnh do chi phí quá lớn. Cùng chia sẻ về những lợi ích khi tham gia BHYT, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, đại đa số các bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng bệnh đã nặng, do các tuyến dưới chuyển lên. Việc chi trả chi phí điều trị sẽ rất tốn kém, nếu không có bảo hiểm, người bệnh khó lòng chống chịu được, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Lợi ích là thế, tuy nhiên đến nay vẫn có không ít người băn khoăn về việc sử dụng dịch vụ y tế tại các bệnh viện khi có thẻ BHYT. Trả lời vấn đề này, bác sỹ Dương Đức Hùng khẳng định: "Quan niệm phân biệt đối xử giữa bệnh nhân có bảo hiểm và bệnh nhân không có bảo hiểm là điều hoàn toàn sai lầm. Khi chữa trị, chúng tôi thường hỏi bệnh nhân có BHYT hay không, vì nếu có, gần như chúng tôi có thể yên tâm hoàn toàn trong quá trình điều trị. Thực tế, có những người không có bảo hiểm, khi mắc bệnh, đặc biệt là những bệnh nặng, khó khăn sẽ càng khó khăn hơn. BHYT đang tạo ra một điều kiện tốt hơn cho các bác sỹ chăm sóc sức khỏe người bệnh".

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiên, Nguyên Phó chủ nghiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng BHYT đang giúp mọi người được đối xử công bằng hơn. Biểu hiện rõ nhất là người tham gia BHYT đóng theo một mức chung, nhưng lại được hưởng theo nhu cầu.

Ông Tiên cho biết, ở các nước phát triển, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế gần như 100%. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển xã hội, chống lại nghèo đói và phát triển ngành y tế của mỗi quốc gia.

Khó khăn trong việc "phủ sóng" bảo hiểm y tế toàn dân

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, sau 8 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, cả nước đã có trên 76 triệu người tham gia BHYT, đạt trên 82%. Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó giám đốc phụ trách BHXH TP Hà Nội cho biết, 18% dân số chưa tham gia BHYT thuộc vào nhóm người lao động chưa được chủ sử dụng lao động hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế, người dân hoạt động trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp có mức thu nhập trung bình...

Ngoài hạn chế về mặt kinh tế, ông Hòa cho rằng việc truyền thông chưa thực sự hiệu quả, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh chưa cao, nhiều tuyến cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân... là những rào cản của việc tiến tới toàn dân sử dụng BHYT.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lên Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho rằng để nâng cao hơn nữa tỷ lệ người tham gia BHYT, cần đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu rõ về lợi ích của việc tham gia BHYT, toàn ngành Y tế cần coi việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế khám chữa bệnh cho người có BHYT là phương châm cũng như mục tiêu của ngành; tạo điều kiện để người bệnh được tiếp cận đúng tuyến y tế kịp thời, đơn giản các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi; đồng thời đổi mới toàn diện phong cách thái độ ứng xử của đội ngũ y bác sỹ với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/bao-hiem-y-te-chi-tra-tien-ty-cho-nhieu-benh-nhan-benh-hiem-ngheo-641851.vov