Bảo hộ ngược

Ý kiến của một số DN công nghệ nội dung số tại buổi tọa đàm “Luật Công nghệ thông tin và định hướng phát triển trong thời gian tới" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây rất đáng quan tâm.

Đó là trong khi các công ty xuyên biên giới như Google, Facebook, Youtube… không phải đóng thuế, không chịu ràng buộc bởi các quy định, chính sách của Việt Nam, thì các DN công nghệ nội dung số trong nước lại phải chịu đủ thứ quy định. Thậm chí, không ít DN cho rằng, DN đang phải chịu tình cảnh “bảo hộ ngược”.

Một loạt bất cập được các DN kể ra như: Các DN công nghệ nội dung số phải làm theo quy định chặt chẽ, sai thì phạt, bị thanh kiểm tra… Tuy nhiên, hầu hết DN nước ngoài như Facebook, Youtube… không phải kiểm duyệt, giải trình khi có nội dung được xem là không tích cực. Ngoài ra, đa phần DN Việt Nam chỉ được hoạt động gói gọn trong lĩnh vực được cấp phép. Ví dụ, DN được cấp phép làm trang tin điện tử sẽ không được làm mạng xã hội, đã làm nhạc trực tuyến thì không được làm thông tin tổng hợp… Trong khi đó, ứng dụng trên Facebook không biết phải gọi là gì khi vừa là mạng xã hội, vừa đọc báo lại có thể livestream…

Một trong những bất cập điển hình khiến DN “sống dở chết dở” là ngành nội dung số đang chuyển dịch mạnh từ PC sang mobile, nhưng chính sách quản lý chưa phù hợp, quy định chỉ xoay quanh áp dụng cho thị trường Việt Nam. Điều này dẫn tới tình trạng nội dung số trên mobile phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” khi vừa phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam, vừa phải tuân theo các quy định của các nhà cung cấp nền tảng…

Trên thực tế, tại thị trường Việt Nam hiện nay, tổng doanh thu của các công ty nội dung số vào khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Một số chuyên gia nhìn nhận, 5 năm tới, quy mô thị trường nội dung số sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD và trong 20 năm tới là 5 tỷ USD. Dự báo, trong 5-10 năm tới, ngành nội dung số phát triển sẽ vượt qua dệt may, xăng dầu… về giá trị kinh tế mang lại.

Dễ thấy, trong thời đại hội nhập kinh tế sâu rộng, lĩnh vực nội dung số còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, nếu vẫn duy trì các cách thức quản lý hiện tại, DN Việt muốn thỏa sức vẫy vùng là không giản đơn. Điều này vô hình trung đi ngược lại tinh thần Chính phủ kiến tạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Đã tới lúc, các chính sách quản lý ngành nội dung số cần phải đổi thay hợp lý hơn. Trước mắt, cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt cấp phép trong các lĩnh vực do bộ quản lý, tránh chồng chéo, cứng nhắc. Bên cạnh đó, kinh tế số là nền kinh tế không biên giới, cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu để đưa ra chính sách, chế tài yêu cầu các DN nước ngoài khi vào Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, đảm bảo tính cạnh tranh công bằng. Xa hơn, có lẽ đã tới lúc ngành nội dung số cần được coi như một ngành kinh tế trọng điểm, từ đó xác định các ưu đãi tập trung phát triển, nhất là về vấn đề nhân lực, con người…

Đức Quang

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bao-ho-nguoc.aspx