Bạo lực tinh thần: Nỗi đau từ hai phía

Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng người hứng chịu hành vi bạo lực gia đình là người phải chịu đựng mọi đau khổ. Tuy nhiên, có nhiều người là “chủ nhân” của hành vi bạo lực, ngoài sự day dứt (nếu có), họ cũng có đôi chút cảm thấy bất lực về chính con người mình.

Chị Hoa (Cổ Nhuế) chẳng bao giờ dám kể câu chuyện của mình với ai. Chỉ khi sự chịu đựng lên quá mức cho phép, chị mới tìm đến người bạn thân nhất để tâm sự. Những ngày đầu lấy nhau chồng chị còn hay nghe vợ tâm sự. Niềm tin tuyệt đối vào chồng đã khiến chị dám kể hết những mối tình trước đây của chị. Chồng chị bảo: như vậy là em tin tưởng anh và thực sự coi anh không chỉ là chồng mà còn là người bạn tốt. Một lần, vì có tiệc sinh nhật khuya, bị bạn chuốc rượu quá say, chị phải nhờ một người đưa về, người đó là người yêu cũ của chị. Chồng chị lúc đầu không phản ứng gì trước mặt khách, nhưng những ngày sau đó là những phút giây đau khổ khi ở bên cạnh nhau. Dù là chị đã mang bầu, nhưng anh vẫn không ngại ngần kể những câu chuyện làm chị phải suy nghĩ. Khi đến với anh, trái tim chị thanh thản, không còn vương vấn tình cũ nghĩa xưa. Nhưng những câu chuyện anh kể thì hoàn toàn ngược lại. Khi lấy chị, biết được những mối tình trước đây của chị, anh trở nên hờn ghen, anh kể cho chị nghe những mối tình của anh sau khi lấy vợ. Anh còn nhận xét tường tận về sự kém cỏi của vợ trong quan hệ so với những người phụ nữ khác. Cả một thời gian dài, anh mượn tên của người khác gọi đến chuyên mục tư vấn tình cảm của đài tiếng nói để hỏi về nỗi đau một người chồng bị vợ phản bội, về đứa con chưa chào đời không biết có phải của mình không, về sự kém cỏi của vợ trong quan hệ và bắt chị phải ngồi nghe. Thời gian đầu chị quá đau khổ với những lời giải thích để rồi sau đó chị cứ chai dần, chai dần, nước mắt khô lại trên bờ má. Chị căm giận anh hơn ai hết vì sự hai mặt của anh. Nếu không vì đứa con trong bụng, chị đã bỏ đi từ lâu rồi. Nhưng một lần, chị đọc trộm được cuốn nhật kí của chồng. Chị bàng hoàng trước những dòng chữ đầy nước mắt về sự bất lực của chính bản thân. Không phải anh không yêu vợ mà anh cảm thấy mình bé nhỏ quá trước những người tình cũ của vợ. Họ giàu có, lịch lãm, sang trọng còn anh thì bé nhỏ, chỉ mang đến cho chị một cuộc sống không phải ăn bữa nay lo bữa mai. Anh sợ chị coi thường, đơn giản chỉ bởi sợ vợ chán chường và thất vọng khi anh không đáp ứng được nhu cầu của vợ. Sợ trở thành là người kém cỏi anh đành phải tự nghĩ ra những chiêu thức hành hạ tinh thần vợ để vợ luôn cảm thấy kém cỏi so với người đời, để có thể mãi chung tình với anh. Vợ anh Thuận (Thanh Xuân) không đau khổ vì tình xưa nghĩa cũ nhưng chị mệt mỏi vì phải chiều chồng. Chị phải công nhận tinh thần mình ngày càng sa sút vì những lời mắng nhiếc, càu nhàu của chồng. Dường như chị chẳng làm được việc gì khiến anh vừa ý. Nấu một bữa cơm, món chị nghĩ là nhạt thì chồng kêu mặn, món mặn thì chồng quát tháo kêu nhạt. Việc đánh răng của con cũng bị chồng xen vào, việc con mặc gì cũng bị chồng dè bỉu không có gu thẩm mĩ, trông như một lũ nhà quê. Cả ngày anh chẳng làm gì, đi làm về là xem ti vi nhưng việc gì chị làm đều bị anh dè bỉu. Chị cũng đi làm cả ngày về cũng chẳng được nghỉ ngơi, làm việc gì cũng khiến chồng không vừa lòng. Không khí gia đình lúc nào cũng căng như sợi dây đàn, thần kinh của chị lúc nào cũng như muốn nổ tung... Khi cả gia đình anh Thuận đến nhà một gia đình người bạn chơi, nhìn gia đình họ quây quần hạnh phúc, anh Thuận cứ ngỡ ngàng. Khi nghe lỏm được câu chuyện của anh với gia chủ, chị mới hiểu khát khao hạnh phúc của chồng cũng lớn biết chừng nào. Hóa ra, anh cũng muốn gia đình yên bình, hạnh phúc nhưng từ trước đến nay anh luôn quan niệm phải làm như vậy để có dáng là người đàn ông trụ cột của gia đình, làm vậy vợ mới không lên mặt, khi luôn thấy mình kém cỏi thì mới chuyên tâm để hoàn thiện mình. Anh cũng mệt mỏi vì không khí gia đình nặng nề nhưng không tìm thấy cách giải thoát. Theo chuyên gia tâm lí Hà Thị Nhị: Bạo lực về tinh thần chỉ làm cho cuộc sống gia đình đi vào bế tắc. Chính bản thân những người tạo ra bạo lực cũng sống trong một không khí chẳng vui vẻ gì. Đó là chưa kể bạo lực tinh thần khiến mỗi người không đặt niềm tin vào nhau, vô hình chung những dự định kế hoạch của mỗi người không được sẻ chia, không được góp ý kiến để có thể thực hiện một cách tốt nhất. Nhìn rộng ra, bạo lực tinh thần làm tổn hại thần kinh, giết chết hạnh phúc trong mỗi người và là nguyên nhân để làm tụt hậu sự tiến bộ của gia đình, xã hội. Bởi vậy, chỉ cần mỗi người hãy tỉnh táo hơn một chút, “vợ chồng trọng nhau như khách” thì mọi vấn đề của cuộc sống sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng, đầy tích cực để một cuộc sống gia đình hạnh phúc luôn ngự trị trong mỗi căn nhà nho Theo

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/yeuvasong/412941/index.html