Bão Mặt trời là gì, sự nguy hiểm của nó ra sao?

Không chỉ có động đất hay siêu bão nhiệt đới, trong thời gian gần đây các nhà khoa học còn cảnh báo về một hiện tượng thiên nhiên khác có thể gây ảnh hưởng lớn đến con người do Mặt trời gây ra.

Trong vòng hơn 1 tuần trở lại đây, trên Mặt trời của chúng ta đã diễn ra hàng loạt các vụ phun trào, bao gồm cả vụ có sức mạnh lớn nhất trong vòng 1 thập kỉ.

Một vụ phun trào Mặt trời, hay bão Mặt trời xảy ra khi năng lượng từ tính xung quanh một vết đen trên Mặt trời được giải phóng, khiến bề mặt Mặt trời lóe sáng trong một khoảng thời gian.

Mặt trời lúc này phóng ra một loạt các năng lượng điện từ, bao gồm từ các tia nhìn thấy được như tia X đến những tia gamma mạnh mẽ. Năng lượng này nhắm đến Trái Đất có thể gây ra hiện tượng cực quang ở các vĩ độ thấp, làm hành khách trên các chuyến bay phải trải qua mức phóng xạ nhiều hơn bình thường, đặc biệt là khi chuyến bay gần cực của Trái Đất.

Dù vậy, mức phóng xạ này không gây chết người, dù trong những trường hợp bão Mặt trời đặc biệt mạnh, các hãng hàng không sẽ tránh bay gần hơn khoảng 1444 km quanh vùng cực.

 Bão Mặt trời xảy ra ngày 6/9 với cường độ cao nhất trong vòng 1 thập kỉ. (Ảnh: NASA)

Bão Mặt trời xảy ra ngày 6/9 với cường độ cao nhất trong vòng 1 thập kỉ. (Ảnh: NASA)

Sức mạnh của bão Mặt trời được đánh giá tăng dần theo quy mô các mức A, B, C, M, X – trong đó mức sau mạnh hơn mức trước 10 lần. Cụ thể hơn ta lại có mức X3 mạnh gấp 3 lần mức X1 và các chỉ số biểu thị tương tự.

Theo CNN, bão Mặt trời ở mức X và M xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây, với ngày 6/9 là X9.3 và ngày 10/9 là X8.2. Cơn bão Mặt trời mạnh nhất ở mức X28 từng xảy ra năm 2003.

Thông thường, năng lượng từ các cơn bão này sẽ được khí quyển của Trái Đất hấp thụ, bảo vệ con người khỏi những tác động nguy hiểm nghiêm trọng. Tuy nhiên bão Mặt trời có thể làm hệ thống vệ tinh liên lạc bị gián đoạn. Trong thực tế, các cơn bão Mặt trời này từng làm ngừng tạm thời hệ thống liên lạc radio tần số cao và làm ảnh hưởng đến mạng lưới GPS.

Video: Hiện tượng Bắc cực quang kì ảo trên bầu trời Anh

Ngoài ra, bão Mặt trời còn gây ra hiện tượng nguy hiểm hơn là gió Mặt trời CME, xảy ra khi vật liệu ion hóa cao của Mặt trời bị giải phóng vào không gian. Do CME bao gồm các vật chất chứ không phải sóng điện từ, nên có thể phải mất hơn 1 ngày để nó từ Mặt trời tiếp cận Trái Đất.

Nếu CME nhắm trực tiếp đến Trái Đất, từ trường có thể thay đổi hình dạng tạo thành một quá trình gọi là bão địa từ, làm ảnh hưởng đến các thiết bị điện tử.

Năm 1859, một cơn gió Mặt trời khổng lồ đã tiếp cận Trái Đất, khiến một số cột viễn thông và đường ray phát sinh tia lửa điện, tạo ra hiện tượng cực quang ở các khu vực như Havana, Cuba.

Được Richard Carrington quan sát và ghi lại, sau này đây được gọi là sự kiện Carrington. Năm 1989, gió Mặt trời đổ bộ Trái Đất cũng đã khiến Quebec và phía đông bắc nước Mỹ mất điện trong 9 giờ đồng hồ.

Mạng lưới điện nếu bị Bão mặt trời làm ảnh hưởng có thể mất nhiều thời gian để phục hồi. (Ảnh: National Geographic)

Các nhà khoa học dự đoán những hiện tượng Carrington có thể gây ra mức thiệt hại phải mất từ 4-10 năm để phục hồi. Hơn nữa tần suất xảy ra chúng không hề hiếm. Một sự kiện Carrington đã xảy ra vào năm 2012, nhưng may mắn là nó không tấn công trực tiếp đến Trái Đất và Mặt trời cũng có mùa bão giống như Trái Đất.

Khác với những năm công nghệ chưa phát triển, trong thời kì thông tin internet như hiện nay, bão Mặt trời có thể gây ra thảm họa. Không chỉ với hệ thống định vị và thông tin liên lạc, mỗi lần bạn mua sắm bằng thẻ tín dụng cũng là một giao dịch vệ tinh và nó cũng có thể bị ảnh hưởng.

Mạng lưới điện là mối lo ngại lớn nhất trước các cơn bão Mặt trời vì sẽ mất nhiều thời gian để thay thế cũng như sửa chữa, trong khi hệ thống ứng phó với bão Mặt trời hiện nay còn khá lỏng lẻo. Ảnh hưởng theo cấp số nhân cũng có thể xảy ra vì những mạng lưới này liên kết chặt chẽ với nhau.

>>> Đọc thêm: Bão Mặt trời khủng khiếp nhất thập kỷ sắp xảy ra

Phương Anh

Nguồn VTC: http://vtc.vn/bao-mat-troi-la-gi-nguy-hiem-ra-sao-d350737.html