Bão Mặt Trời mạnh bất thường dội xuống trái đất

Ngày 11/5, Cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) phát cảnh báo về ảnh hưởng của Bão Mặt Trời, kêu gọi các nhà điều hành, nhà máy phát điện và cơ quan vận hành vệ tinh ngoài không gian cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Bão Mặt Trời tấn công Trái đất.

Dưới tác động của Bão Mặt Trời, vệ tinh cũng có thể bị ảnh hưởng, gây ra sự gián đoạn hệ thống định vị vệ tinh và hệ thống liên lạc vô tuyến trên Trái đất. Thậm chí, ngay cả khi cơn bão đã kết thúc, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) vẫn có khả năng bị xáo trộn.

Trước đó, ngày 9/5, Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian Mỹ cũng đã đưa ra cảnh báo bão địa từ cấp G4. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1/2005, Trung tâm này mới đưa ra cảnh báo bão địa từ G4, cao thứ hai trong thang đo năm bước.

Sự phóng khối lượng vành nhật hoa là tên được đặt cho các vụ nổ plasma khổng lồ thỉnh thoảng phun ra từ Mặt Trời, có thể gửi các hạt tích điện, được gọi là gió Mặt Trời, về phía Trái đất.

Năm vụ phun trào vật chất từ bầu khí quyển của cơn Bão Mặt Trời được dự báo sẽ xảy ra từ cuối ngày 10/5 và kéo dài đến ngày 12/5. Bão Mặt Trời có thể tác động đến cơ sở hạ tầng trên quỹ đạo gần Trái đất và trên bề mặt Trái đất, có khả năng làm gián đoạn thông tin liên lạc, lưới điện, điều hướng, hoạt động vô tuyến và vệ tinh.

Sức mạnh thực sự của Bão Mặt Trời sẽ được biết khoảng 60-90 phút trước khi nó đến Trái đất nhờ các vệ tinh đo lường các đợt bùng phát năng lượng có định hướng.

Bão Mặt Trời xảy ra khi Mặt Trời phát ra một vụ bùng nổ bức xạ điện từ mạnh. Hiện tượng này khiến các sóng năng lượng tỏa ra ngoài, tác động đến những thiên thể khác trong hệ Mặt Trời, bao gồm cả Trái đất. Các sóng điện từ tương tác với từ trường Trái đất, gây ra một số vấn đề như: Những dòng điện chạy trong tầng thượng quyển của Trái đất, làm nóng không khí. Bão địa từ có thể khiến cực quang đẹp mắt xuất hiện trên các vùng cực, nhưng cũng có thể làm gián đoạn tín hiệu vô tuyến và GPS. Khi nóng lên, khí quyển cũng phồng lên và tạo thêm lực kéo cho các vệ tinh ở quỹ đạo Trái đất thấp, khiến những mảnh rác không gian nhỏ bay chệch đường.

Ngoài ra, khi những dòng điện mạnh chạy qua tầng thượng quyển, chúng cũng tạo ra các dòng điện mạnh chạy qua vỏ Trái đất. Điều này có khả năng gây trở ngại cho vật dẫn điện bên trên lớp vỏ, ví dụ như lưới điện - mạng lưới đường dây truyền tải điện từ trạm phát đến các công trình khác. Kết quả là hiện tượng mất điện cục bộ xảy ra và có thể rất khó khắc phục.

T.N

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bao-mat-troi-manh-bat-thuong-doi-xuong-trai-dat-170501.html