Bão số 10 gây thiệt hại nặng tại miền trung

* Ðề phòng ngập úng vùng trũng thấp ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, sau khi đổ bộ vào khu vực các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình vào trưa 15-9, bão số 10 tiếp tục di chuyển sang khu vực Trung Lào và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới (ATNÐ). Ðến 22 giờ ngày 15-9, vị trí tâm ATNÐ ở vào khoảng 18,2 độ vĩ bắc; 103,5 độ kinh đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNÐ mạnh cấp 7 (50 đến 60 km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 6 đến 12 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20 đến 25 km, suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.

Trong sáng 16-9, lũ trên thượng nguồn sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh (Quảng Bình) và sông Thạch Hãn (Quảng Trị) có khả năng đạt đỉnh, tại Chu Lễ đạt mức 13,0 m, dưới BÐ3: 0,5 m; tại Sơn Diệm đạt mức 10,0 m, ở mức BÐ1; tại Mai Hóa đạt mức 6,0 m, dưới BÐ3 0,5 m.

Trong sáng nay, mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La tiếp tục lên, thượng lưu các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị tiếp tục xuống. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng thấp các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

* Ðến tối ngày 15-9, tại Hải Phòng, ảnh hưởng của bão số 10 đã khiến một tàu vỏ gỗ tại huyện Cát Hải bị chìm; tại thị trấn Cát Hải (huyện Cát Hải), quận Ðồ Sơn... nước biển tràn qua đê, kè gây ngập lụt; ba vị trí đê bao phía sông dài 25 m trên địa bàn xã Giang Biên và 15 m bờ bao ngoài đê tại xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Bảo) bị vỡ khiến 26,8 ha nuôi trồng thủy sản, 90 ha lúa và 70 ha rau màu bị ngập lụt. Lực lượng vũ trang đã phối hợp chính quyền địa phương di dời 381 hộ dân tại khu vực ngập lụt thuộc huyện Cát Hải và quận Hồng Bàng đồng thời giúp người dân chằng chống bảo vệ tài sản.

* Tại tỉnh Thanh Hóa, bão số 10 làm ngập 108 nhà ở, đổ gãy 5.000 cây lâm nghiệp; thiệt hại 642 ha lúa, 106 ha hoa màu, rau màu, hơn 2.023 ha nuôi trồng thủy sản, cuốn trôi hơn 35.000 m3 đê bao; sạt lở 470 m đê cấp III, 220 m kè; hỏng ba cống. Hơn
5 km bờ biển xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương bị sóng biển đánh sạt sâu thêm vào đất liền khoảng 6 đến 7 m; đường và kè khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa bị sạt 3 km. Ngoài ra có một tàu khai thác thủy sản bị chìm, bến cá bị sạt 30.000 m3, tám nhà trông coi đồng nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng. Trong mưa bão, ông Phạm Văn Cường, ở thôn 1, xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia đi đánh cá bị lũ cuốn trôi, và lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã vớt được thi thể nạn nhân.

* Sáng 15-9 triều cường lớn, kéo dài đến cuối giờ chiều cùng ngày tại khu vực bãi biển cồn Vành, xã Nam Phú (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) khiến toàn bộ bãi tắm trải dài hơn 1 km ngập chìm trong nước, tất cả các ki-ốt bán hàng và nhà nghỉ nằm sát bãi biển bị sóng đánh tan hoang.

* Tại tỉnh Nghệ An, tính đến đêm 15-9, bão số 10 đã làm một người chết, một người bị thương, hơn 200 ngôi nhà và ki-ốt ở thị xã Cửa Lò và huyện Nghi Lộc bị tốc mái, 20 ki-ốt ở biển Cửa Lò bị đổ sập, hư hỏng hoàn toàn. Nhiều tuyến đường giao thông và nhà dân bị ngập; hơn 2.500 ha lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập; hơn 550 cây xanh bị đổ gãy; nhiều tuyến đê biển ở thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu bị sạt lở, nước biển tràn vào… Có 307 trong số 625 hồ đập trong tỉnh đã đầy nước, một số hồ đập lớn đã phải xả lũ sớm.

* Ðến chiều cùng ngày, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có bốn người bị thương, hơn 1.500 nhà dân ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Ða Krông... bị hư hỏng và tốc mái, hơn 2.000 ha cây cao-su bị gãy đổ; nhiều hoa màu và cây trồng lâu năm bị hư hại.

* Thừa Thiên - Huế có gần 800 ngôi nhà dân, trường học... bị lốc xoáy hủy hoại. Trong đó, nặng nhất là thị xã Hương Thủy với hơn 500 ngôi nhà; huyện A Lưới có hơn 200 nhà, huyện Phong Ðiền gần 40 nhà bị hư hỏng.

* Hồi 10 giờ 40 phút ngày 15-9, thuyền viên Chế Văn Giang (trú tại khu phố 4, phường Vĩnh Thông, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) trên tàu KG-9262TS bị rơi xuống biển do bất cẩn, trong khi tàu đang neo đậu tránh bão tại khu vực thượng lưu cặp phao 14-15, luồng Hải Thịnh, Nam Ðịnh. Lực lượng bộ đội biên phòng và cảng vụ Hải Thịnh đã phối hợp tìm kiếm, nhưng đến 17 giờ cùng ngày vẫn chưa có kết quả.

* Sáng 15-9, do trời có mưa nhỏ, tại tổ 8, phường Hợp Minh, TP Yên Bái (Yên Bái), một vết nứt trên đỉnh núi có chiều dài gần 100 m, độ sâu 5 m, rộng 2 m đã xuất hiện. Ðịa điểm trên bắt đầu lở đất xuống chân ta-luy khoảng hơn 2.000 khối đất, đe dọa vùi lấp 10 nhà dân xây dựng dưới chân núi. TP Yên Bái đã quyết định di dời khẩn cấp các hộ dân này khỏi khu vực nguy hiểm.

* Ngày 15-9, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) có các Công điện số 64, số 65/CÐ-TW, yêu cầu Thủy điện Sơn La đóng một cửa xả còn lại vào 11 giờ ngày 15-9, Thủy điện Hòa Bình đóng một cửa xả đáy vào hồi 15 giờ cùng ngày và liên tục phát tối đa các tổ máy; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT và các cơ quan có liên quan để có quyết định điều hành trong thời gian tới phù hợp tình hình thực tế.

* Ngày 15-9, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã có Công điện khẩn gửi Chủ tịch Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa về việc triển khai một số nội dung khẩn cấp ứng phó bão số 10.

Theo đó, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố tập trung phối hợp với UBND và các ngành chức năng của địa phương. Rà soát, vận động, tổ chức di dời dân tại các khu vực nguy hiểm về nơi tránh bão an toàn, hạn chế thiệt hại về người, tài sản; thường xuyên nắm tình hình thiệt hại và công tác ứng phó, hỗ trợ của địa phương (nếu có); hằng ngày cập nhật thông tin báo cáo về Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Căn cứ mức độ thiệt hại, các địa phương chủ động triển khai công tác cứu trợ khắc phục thiệt hại do bão lũ (nếu có) theo đúng quy định tại Nghị định số 64/2008/NÐ-CP ngày 14-5-2008 của Chính phủ; báo cáo về Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

* Ngày 15-9, Bộ Y tế có công điện khẩn yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các tỉnh bắc bộ; các đơn vị trực thuộc triển khai công tác ứng phó bão số 10, yêu cầu sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa, bão. Các đội cấp cứu cơ động trực 24 giờ hằng ngày; phối hợp các địa phương hỗ trợ nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

* Chiều 15-9, tin từ Tổng công ty Ðiện lực miền trung (EVNCPC) đóng tại Ðà Nẵng cho biết, cơn bão số 10 đã làm 126 đường dây trung thế, 4.293 trạm biến áp bị mất điện với công suất mất điện ước khoảng 245MW, sản lượng điện không cung cấp được ước khoảng 3 triệu kW giờ. Bão cũng làm gãy đổ, nghiêng hơn 750 cột điện cao, hạ áp và làm hỏng hơn 50.000 m dây dẫn cao, hạ áp. Ngoài ra, mưa lớn, gió mạnh đã làm hơn 2.300 công-tơ điện bị hư hỏng, khiến 295 xã và 439.243 khách hàng bị mất điện sinh hoạt.

* Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh ngày 15-9 cho biết, đã có hai chiếc tàu bị chìm trên vùng biển Quảng Ninh, bao gồm một tàu xi-măng lưới thép đang sửa chữa máy cho các phương tiện đã bị sóng đánh chìm trong khi neo đậu và tàu du lịch QN 3016 khi dịch chuyển tránh trú bão đã bị chìm tại thủy điện cầu cảng Xi-măng Thăng Long.

* Ngày 15-9, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam có công điện chỉ đạo lực lượng thanh tra đường bộ phối hợp chính quyền địa phương và nhà đầu tư dự án BOT đường bộ xả trạm thu phí khi mưa to, gió lớn để phục vụ di dân, các phương tiện đi tránh bão và vận tải hành khách, hàng hóa. Trường hợp phương tiện, hành khách buộc phải dừng ở các trạm BOT do không thể tiếp tục lưu thông, nhà đầu tư và lực lượng chức năng cần bảo đảm an toàn cho phương tiện và hành khách.

* Ngày 15-9, hai hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) và VietJet Air (VJA) đã hủy tổng cộng 40 chuyến bay đi/đến các tỉnh miền trung. Theo thống kê, có hơn 11.500 hành khách bay VNA bị ảnh hưởng do các chuyến bay hủy và thay đổi giờ khai thác. Các sân bay Ðà Nẵng, Huế được VNA khai thác trở lại sau 14 giờ ngày 15-9; các sân bay Ðồng Hới, Vinh và Thọ Xuân ngừng khai thác đến hết ngày 15-9.

* Từ sáng đến 14 giờ chiều 15-9, Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam đã dừng bảy đoàn tàu khách và tất cả các đoàn tàu hàng để tránh đi vào vùng tâm bão. Ðến 17 giờ cùng ngày, sau khi bão suy yếu, các đoàn tàu đã tiếp tục hành trình. Một số đoạn đường sắt bị tắc do ảnh hưởng bão, đến 19 giờ cùng ngày Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam đã khẩn trương khắc phục và đã thông đường toàn tuyến.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của bão số 10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to đến rất to. Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét ở các huyện: Mai Châu, Ðà Bắc, Kỳ Sơn, Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy (Hòa Bình); Sốp Cộp, Sông Mã, Yên Châu, Mộc Châu, Phù Yên (Sơn La); Mù Cang Chải, Văn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình (Yên Bái); Hàm Yên, Chiêm Hóa, Sơn Dương (Tuyên Quang); Ðịnh Hóa, Phú Lương, Ðại Từ, Võ Nhai (Thái Nguyên); Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hoành Bồ (Quảng Ninh); Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Thọ Xuân, Thường Xuân, Như Xuân và Như Thanh (Thanh Hóa).

Tuyến đường phố ven biển ở TP Sầm Sơn, Thanh Hoá ngổn ngang sau bão. Ảnh: Nguyễn Dương

Ngày 15-9, đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn Bộ Xây dựng đã có mặt tại Hà Tĩnh và Quảng Bình. Ðoàn đã tập trung kiểm tra biện pháp an toàn tại các công trình tháp truyền hình và cột thu phát sóng, công trình xây dựng dang dở, công tác chống ngập úng...

Tại tỉnh Hà Tĩnh, bão lớn đã làm đổ cột ăng-ten cao hơn 100 m của Ðài Phát thanh và Truyền hình thị xã Kỳ Anh. Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân dẫn đến tháp ăng-ten bị đổ là do cấp gió quá sức chịu đựng của thiết kế công trình hoặc do công tác kiểm định, bảo dưỡng chưa kịp thời. Thứ trưởng Lê Quang Hùng đã chỉ đạo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xem xét đánh giá toàn diện về sự cố này, đồng thời, có văn bản hỏa tốc gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan liên quan bảo đảm an toàn, hạn chế, ngăn ngừa các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra, bảo vệ hiện trường sự cố để tổ chức giám định nguyên nhân, thu dọn hiện trường theo quy định.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/34102302-bao-so-10-gay-thiet-hai-nang-tai-mien-trung.html