Bão số 10 tiến thẳng vào Hà Tĩnh – Quảng Bình, hàng chục ngàn người dân đã sơ tán

Theo bản tin Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, phát hồi 7h sáng ngày 15/9, tâm bão số 10 ở vị trí cách Đèo Ngang (ranh giới Hà Tĩnh, Quảng Bình) khoảng 120km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.

Sóng lớn tại biển Cửa Lò, Nghệ An sáng sớm ngày 15/9_ Ảnh: Phong Vân

Bão số 10, tên quốc tế Doksuri được đánh giá là mạnh nhất trong vài năm trở lại đây, với cấp độ thiên tai là cấp 4

Trưa ngày 15/9: bão đổ bộ vào đất liền từ Nghệ An đến Quảng Trị

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/h.

Khoảng trưa nay, bão sẽ vào tới đất liền, đổ bộ vào các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị.

Trong ngày 15 và 16/9, bão số 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đất liền từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, với sức gió mạnh dần lên cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14-15.

Kèm theo bão có cảnh báo lũ, mưa lớn trên diện rộng.

Do ảnh hưởng của bão số 10, toàn bộ các tỉnh Đông Bắc Bộ (bao gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa) có mưa vừa, mưa to.

Dự báo ngày 15/9 các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to. Gió bắc đến đông bắc cấp 3-4; vùng ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; ven biển các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định và Thanh Hóa có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Đêm gió yếu nhanh.

Bão số 10 đang hướng vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị - Cập nhật lúc 9 giờ sáng ngày 15/9

Để đối phó với cơn bão số 10, tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đã ra lệnh cho các địa phương và đơn vị huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức di dời dân cư các xã vùng ven biển, ven cửa sông, cửa lạch đến nơi an toàn.

Hà Tĩnh, Quảng Bình sẽ tập trung sơ tán khoảng 30.000 hộ dân ở các vùng cửa sông, vùng ven biển. Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương khác cũng cần quyết liệt sơ tán dân ở những vùng xung yếu.

Đến sáng 15/9, các địa phương đã di dời gần hết số dân ở vùng nguy hiểm, sáng nay tiếp tục sơ tán nốt.

Thủ tướng Chính phủ: yêu cầu hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung ứng phó bão

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ do bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương có liên quan hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với bão.

Công điện yêu cầu các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, đặc biệt là các tỉnh từ Thanh Hóa đến đến Quảng Trị cần thực hiện ngay các công việc sau:

- Huy động các lực lượng (quân đội, thanh niên...) hỗ trợ nhân dân tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; chủ động tiêu nước, phòng chống ngập úng các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

- Chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở (trường học, bệnh viện, công sở), công trình, đặc biệt lưu ý đối với những công trình tháp cao; chặt tỉa, có biện pháp bảo vệ cây xanh để hạn chế thiệt hại, nhất là tại các đô thị.

- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình thi công dở dang, các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn.

- Căn cứ diễn biến cụ thể của bão, chủ động chỉ đạo cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.

- Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết.

Phương Phương

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/bao-so-10-tien-thang-vao-ha-tinh-quang-binh-hang-chuc-ngan-nguoi-dan-da-so-tan-d1234.html