Bão tan, hoàn lưu bão có nguy hiểm và sức tàn phá như thế nào?

Không riêng gì bão mới có sức tàn phá nặng nề tại các nơi nó đi qua. Mà 'hậu' bão – hoàn lưu bão cũng gây nhiều thiệt hại cho người dân bởi các hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm. Cơn bão số 10 đi qua cũng để lại nhiều nguy cơ: Lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, mưa lớn.

Khi bão số 10 tan, hoàn lưu bão có khả năng gây mưa lũ, lốc xoáy, sạt lở đất rất nguy hiểm. Ảnh: NĐT

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trưa 15.9 bão số 10 đã đi vào khu vực các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình. Sau khi vào miền Trung, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sang khu vực Trung Lào và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 19 giờ ngày 15.9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 104,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo khoảng 2 giờ sáng 16.9, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) chiều nay còn có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12, sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh.

Trong chiều và đêm 15.9, ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An có mưa to đến rất to (70-150mm, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 200mm). Ở Thanh Hóa, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La từ chiều 15.9 đến hết ngày 16.9 có mưa vừa, mưa to đến rất to (50-150mm, có nơi trên 200mm).

Cảnh báo ứng phó với nguy cơ lũ quét tại nhiều tỉnh:
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ 15-17.9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế sẽ xuất hiện 1 đợt lũ cần được ứng phó.

Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình lên mức báo động BĐ2-BĐ3; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế lên mức BĐ1 và trên BĐ1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Đặc biệt là các huyện: Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp (Nghệ An); Hương Sơn, Vụ Quang, Hương Khê, Đức Thọ (Hà Tĩnh); Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch (Quảng Bình); Đăkrông, Hướng Hóa, Hải Lăng (Quảng Trị); A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên-Huế).

Nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở các khu đô thị, các thành phố lớn như: TP.Vinh (Nghệ An), TX.Kỳ Anh, TP.Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Ba Đồn, Đồng Hới (Quảng Bình), Quảng Trị, Đông Hà (Quảng Trị), TP.Huế (Thừa Thiên-Huế).

Kh.V

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/bao-tan-hoan-luu-bao-co-nguy-hiem-va-suc-tan-pha-nhu-the-nao-564802.ldo