Bảo tàng khoa học ở Paris

SGTT - Nếu bạn có dịp ghé thăm châu Âu hay một nước phương Tây khác, và thích thú với lịch sử khoa học, công nghệ – không chỉ là lịch sử đã qua – thì hầu như ở khắp các nước, bạn có thể dừng chân trong một viện bảo tàng khoa học để nhìn ngắm và suy nghĩ về những sản phẩm của tri thức con người. Khi thì trước những dấu tích hình thành và biến đổi của con người trên trái đất, khi thì trước một trong những chiếc máy bay đầu tiên, khi khác được nhìn và nghe giải thích về thế giới của những con vi khuẩn được rọi to dưới chiếc kính hiển vi, những vì sao được tái hiện trên một bầu trời ảo...

Câu chuyện khoa học Bảo tàng Bách nghệ ở Paris là bảo tàng cổ nhất thế giới được lập ra nhằm gìn giữ những thành quả, tri thức nghề nghiệp, truyền đam mê và hiểu biết đến các thế hệ sau. Ảnh: T.L Từ những tri thức nghề nghiệp… Hầu như nghề nghiệp nào, từ thủ công đến kỹ nghệ, đều có một hay nhiều nhà bảo tàng ở gần một trung tâm phát triển của nghề nghiệp ấy, nhằm gìn giữ những thành quả, tri thức của mình, truyền đam mê và hiểu biết đến các thế hệ sau. Người viết bài này đã từng ngỡ ngàng trước tấm bảng chỉ “bảo tàng nghề dệt” tại một làng nhỏ vùng núi Vosges, miền Đông nước Pháp. Và khi tìm tới nơi, thích thú theo dõi lịch sử hơn 300 năm phát triển nghề dệt trong vùng, với những máy móc được bảo tồn và khôi phục lại từ chiếc máy dệt đạp bằng chân với những con thoi đưa tay cho tới chiếc máy hơi nước, rồi máy điện, và những kỹ thuật làm sợi, nhuộm vải... Bảo tàng Bách nghệ (Museé des Arts et Métiers), do tu viện trưởng Henri Grégoire, một nhân vật nổi tiếng của Cách mạng Pháp 1789, thành lập cách đây hơn hai thế kỷ (khai trương năm 1802), là bảo tàng cổ nhất thế giới được lập ra trong ý tưởng này. Với cơ sở nguyên là một tu viện giữa trung tâm Paris, bảo tàng thu hút khách với một bộ sưu tập cực kỳ phong phú (khoảng 80.000 hiện vật và 20.000 bản vẽ kỹ thuật từ thế kỷ 17 đến nay). Tại đây, công chúng có thể xem nguyên trạng phòng thí nghiệm hóa học của Lavoisier, chiếc máy bay vượt biển Manche đầu tiên của Louis Blériot, quả lắc của Foucault chứng minh trái đất quay chung quanh trục của nó (đây là quả lắc được sử dụng ở triển lãm quốc tế 1855, có quả cầu nặng 25kg gắn ở một đầu dây thép dài 18m)... Hiện nay (cho tới ngày 2.5.2010), bảo tàng có một triển lãm đặc biệt về xe lửa, tái hiện lịch sử vô cùng lý thú của phương tiện chuyên chở này, từ những ngày sơ khai (đầu máy hơi nước, năm 1850) đến chiếc xe lửa cao tốc (TGV) hiện tại, có vận tốc gần 600km/h. Hiện vật ở bảo tàng khoa học 1. Quả lắc Foucault ở bảo tàng Bách nghệ. Ảnh: T.L 2. Chiếc máy nổ Vulcain là động cơ dùng trong các tên lửa Ariane ở Khu khoa học và công nghệ. Ảnh: T.L … đến khoa học cơ bản Nhưng bảo tàng Bách nghệ không đi vào những khía cạnh của khoa học cơ bản. Paris, một thành phố đại học, công nghiệp lớn, không thể không có những cơ sở phổ biến kiến thức và thành quả của khoa học đến mọi tầng lớp dân chúng, thu hút lớp trẻ đến với khoa học. Các viện đại học không thể làm nhiệm vụ này. Luân Đôn đã có Science Museum từ giữa thế kỷ 19 (thành lập từ năm 1857), München đã có Deutsches Museum (tên đầy đủ dịch ra tiếng Việt là “Bảo tàng Đức về những kiệt tác của khoa học và kỹ thuật”) từ đầu thế kỷ 20... thì Paris không thể lặng thinh. Ý tưởng thành lập tại Paris một Lâu đài khám phá (Palais de la Découverte) được đề xuất vào đầu những năm 1930, nhằm phục vụ triển lãm quốc tế “Nghệ thuật và kỹ thuật trong đời sống hiện đại” năm 1937. Chủ trì dự án là Jean Perrin, người được giải Nobel năm 1926 về những công trình nguyên tử học. Ông chủ trương: “Làm hiện rõ phần quan trọng của khoa học trong văn minh hiện đại và làm cho công chúng hiểu rằng chỉ có nghiên cứu và khám phá mới cho phép ta kỳ vọng vào một điều gì thực sự mới, đủ sức thay đổi định mệnh con người”. Lâu đài khám phá, được Chính phủ đồng ý cho mượn một chái nhỏ (25.000m2) của tòa Lâu đài lớn (Grand Palais, tọa lạc ngay cạnh đại lộ nổi tiếng Champs Élyseés), khai mạc năm 1937. Chỉ trong nửa năm triển lãm, nó đã thu hút hơn 2.225.000 khách tới thăm, chứng tỏ một nhu cầu tìm hiểu khoa học rất lớn trong công chúng, và trở thành bảo tàng ngay từ năm sau. Ngày nay, dù phần nào bị cạnh tranh bởi Khu khoa học và công nghiệp (Cité des Sciences et Industries), Lâu đài khám phá vẫn thu hút hằng năm gần 600.000 người xem, trong đó có khoảng 120.000 học sinh sinh viên. Nhiều nhà bác học nổi tiếng của Pháp cho biết thời trẻ từng say sưa theo dõi những thí nghiệm được trình bày tại đây, từ đó tự khám phá và đeo đuổi thiên hướng nghiên cứu khoa học của mình. Khoảng 40 thí nghiệm khoa học đủ mọi ngành được tái hiện mỗi ngày, trong những phòng trưng bày thường xuyên hoặc triển lãm ngắn hạn. Một Cung thiên văn (planétarium) với vòm trời đường kính 15m, máy chiếu cực kỳ tinh xảo tái hiện trên đó đường đi của mặt trời, mặt trăng và hàng ngàn ngôi sao (dĩ nhiên chuyển động ảo, nhanh hơn trên bầu trời thực), là nơi lý tưởng để nhập tâm những bài học thiên văn. Và công nghiệp “Chỉ có nghiên cứu và khám phá mới cho phép ta kỳ vọng vào một điều gì thực sự mới, đủ sức thay đổi định mệnh của con người” Jean Perrin, người được giải Nobel năm 1926 Khu khoa học và công nghiệp (Cité des Sciences et Industries), thành lập năm 1986 tại cửa ô La Villette (Bắc Paris), lớn hơn nhiều so với Lâu đài khám phá (diện tích 150.000m2), là bảo tàng khoa học có nhiều khách nhất châu Âu hiện nay (hơn ba triệu khách mỗi năm tính từ ngày thành lập). Đón khách từ hai tuổi tại khu dành riêng cho nhi đồng, với đủ loại trò chơi phù hợp lứa tuổi của các em (hiện đang có triển lãm mang tên “bon appétit”, nhằm hướng dẫn trẻ em ăn uống tốt hơn), bảo tàng cũng thu hút hàng năm khoảng nửa triệu học sinh các lớp lớn hơn trong các phòng triển lãm những bộ môn khoa học hoặc phòng triển lãm chuyên đề. Hôm tôi tới thăm cuối năm vừa qua, tại phòng triển lãm về vật liệu đất (còn diễn ra tới tháng 8.2010), có hai lớp trung học được thầy cô hướng dẫn tham quan. Các em vừa tham gia các trò chơi tìm hiểu tính chất của các vật liệu, vừa thảo luận từng nhóm nhỏ để trả lời bảng câu hỏi do thầy cô phát sẵn. Không gian ngập tiếng cười đùa mà vẫn không làm phiền những người khách khác. Chơi và học chính là ý tưởng xuyên suốt ở các phòng trưng bày, với rất nhiều vật liệu, máy móc, phim ảnh được tạo ra trong mục tiêu sư phạm của bảo tàng. Ngoài ra, ở đây cũng có một thư viện khoa học rất phong phú, nhiều phòng hội nghị, một cung thiên văn, và một nhà vòm lớn (gọi là Géode) dành riêng để chiếu các loại phim khoa học khổ lớn (IMAX) hay ba chiều… Sau chừng ba, bốn tiếng thăm (chưa) hết nhưng thấy đã tạm đủ cho một ngày, bạn ra ngoài, dạo bước chừng 500m trên một con đường dành riêng cho người đi bộ, và… lạc vào một bảo tàng khác: khu âm nhạc (Cité de la musique)*, xem những nhạc cụ của thế giới, nghe một vài khúc nhạc… Chẳng thú lắm sao? Hà Dương Tường (*) Bài ngắn này không thể giới thiệu hết các bảo tàng ở Paris, nhất là các bảo tàng mỹ thuật. Ngay trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, còn nhiều bảo tàng cũng chưa được nói tới, đành hẹn dịp khác.

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail55.aspx?columnid=55&fld=htmg/2010/0228/63490&newsid=63490