Bảo tàng quê trong lòng phố

Nhiều người gọi đây là 'bảo tàng nhà quê' bởi ở đó có những bộ sưu tập hiện vật rất giản dị, đời thường.

Đường Quang Trung, phường Trần Phú (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) mỗi ngày vẫn tấp nập xe cộ ngược xuôi. Hiệu ảnh Vinh Hoa tại số nhà 68 tuyến đường này cũng nhộn nhịp chẳng kém. Thế nhưng, phía sau sự ồn ào, náo nhiệt đó là những khoảnh khắc thật yên bình, phẳng lặng của một "bảo tàng nhà quê" đơn sơ mộc mạc. Ở đó, ông chủ hiệu ảnh- Nguyễn Quang Mạnh đang trưng bày hàng ngàn hiện vật, cổ vật liên quan đến đời sống người nông dân, tạo sự độc đáo, ấn tượng đối với du khách.

Bộ sưu tập những chum sành độc đáo của ông Mạnh. Ảnh: KS

Bảo tàng rổ, rá, dần, sàng…

Sinh ra và lớn lên giữa phố thị bên dòng sông Thương, nghiệp nông gia ông Mạnh vốn dĩ chẳng quen, nhưng thật khó tưởng tượng ông lại có sở thích sưu tầm những thứ đồ dùng quê mùa, từ chiếc cối giã gạo, liềm cắt lúa, nơm úp cá, dậm, giỏ đựng cua cá tới các loại rổ, rá, dần, sàng... - những nông cụ gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngàn năm nay của người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Điều đó đã tạo nên sự khác biệt mà hiếm nơi nào có được.

Dạo qua khu đất rộng phía sau nhà ông Mạnh, chúng tôi như lạc về thế giới toàn những đồ xưa cũ. Ở đó phảng phất hình bóng của những vùng thôn quê bình dị với những con người chất phác thật thà. Mỗi hiện vật đều mang hơi thở và chứa dựng những thông tin về cuộc sống, tâm hồn nhà nông. Tiếp chúng tôi tại tư gia, ông Nguyễn Quang Mạnh chậm rãi kể về quãng thời gian hơn 30 năm lăn lộn ngược xuôi, nay đây mai đó để có được những bộ sưu tập hiện vật quý giá theo ý thích của mình. Ông Mạnh nói: "Lúc tôi mới chơi thứ này, nhiều người bảo là tôi dở hơi, vô công rồi nghề nên mới nghĩ ra cái trò chẳng giống ai. Nhưng bỏ mặc ngoài tai những lời đám tiếu đó, tôi vẫn quyết tâm, kiên định với đam mê của mình đến cùng và đã gặt hái được chút thành công".

Hiện nay ông Mạnh đang sở hữu hơn 4.000 hiện vật như vậy, trong đó có nhiều đồ thuộc loại quý hiếm, giá trị kinh tế khá cao. Trong ngôi nhà 4 tầng rộng rãi, ông Mạnh đưa chúng tôi đi thăm 3 món đồ mà ông cho là "cực hiếm" và "cực quý" gồm một cái mác, một thanh kiếm cổ và một khẩu súng kíp đã ngả màu đen... Đó là 3 bảo vật tương truyền gắn với cụ Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế. Ông kể rằng, một lần đang rong ruổi các làng ở trên Yên Thế "săn ảnh", bỗng nhìn thấy cô con gái đang cầm cái mác để thái rau. Hỏi ra được biết đó là thứ vũ khí mà nghĩa quân Yên Thế dùng để đánh Tây. Ông Mạnh mua lại với giá vài chục nghìn đồng, nhưng khi mang về nhà mới thấy giá trị của nó. Còn thanh kiếm cũng nghe nói của chính cụ Đề Thám dùng đánh giặc...

Nhiều người gọi đây là "bảo tàng nhà quê" bởi ở đó có những bộ sưu tập hiện vật rất giản dị, đời thường, từ những chiếc bình vôi nhỏ, những gốc tre mộc mạc, cối đá, các loại thúng, mủng, dần sàng, cuốc, thuổng, mai đào đất cho đến điếu bát hút thuốc lào hay bộ sập gụ tủ chè... Tất cả đều chứa đựng hình bóng, tâm hồn của vùng thôn quê Đồng bằng Bắc Bộ.

Ông Mạnh cho hay: "Phải mất mấy chục năm lặn lội vất vả tôi mới có được những bộ sưu tập hiện vật độc đáo này. Nhưng nếu chỉ sưu tầm để đấy cho thú đam mê của riêng mình thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Vấn đề là cần biết trân trọng, nâng niu chúng, tiếp đến trưng bày, giới thiệu cho đông đảo người dân, qua đó nhằm giáo dục thế hệ trẻ hiểu về quá khứ, cuộc sống sinh hoạt đời thường của cha ông ta xưa kia". Khách đến tham quan bộ sưu tập cổ vật được ông Mạnh nhiệt tình đón tiếp, hướng dẫn, ngoài ra ông còn sắp xếp hiện vật thành từng nhóm, theo thời gian, chất liệu, từng vùng miền và công năng của chúng để người tham quan dễ phân tích, đối chiếu.

Khách đến xem cổ vật được ông Mạnh giới thiệu tỉ mỉ.

Ông Mạnh bên cối đá.

Ký ức về nông thôn

Ánh chiều dần buông bên dòng Thương giang thơ mộng, mặc cho ngoài kia, những dòng người và xe cộ vẫn nối đuôi nhau hối hả ầm ĩ. Mặc cho ai đó nói ra, nói vào về cái "thói" chơi ngông chẳng giống ai, ông Mạnh cứ bền bỉ, rong ruổi ngược xuôi "khắp đó cùng đây" để sưu tầm những kỷ vật nhà quê, đơn giản đó là đam mê và niềm vui mà ông tìm được ở nơi đó. Và như thế, cho dù giữa dòng đời đang trôi chảy không ngừng, giữa phố xá ồn ào lắm thị phi… kho cổ vật của ông ngày càng trở nên quý giá và thật đáng trân trọng biết bao.

Là chủ một hiệu ảnh to nhất nhì tại TP Bắc Giang, với cả chục nhân viên và máy móc hiện đại nhưng nhìn vẻ bề ngoài ông Nguyễn Quang Mạnh lại có dáng dấp của một “lão nông tri điền”, sống giản dị, thật thà và chân chất. Cái chân chất, nông dân ấy thể hiện ngay ở việc mỗi khi đón khách đến nhà ông rất nhiệt tình, xởi lởi và lúc nào cũng... láu táu. Đặc biệt hơn, chẳng bao giờ ông Mạnh dùng điện thoại di động, chúng tôi muốn liên hệ chỉ còn nước đánh quả liều mà "đột nhập" vào nhà ông bất thình lình, may mắn thì "tóm" được ông, không may đúng lúc ông lại đi sưu tầm hiện vật hoặc lang thang chụp ảnh thì có mà... "giời tìm".

Giải thích về sự đam mê "khác người" này, ông Mạnh cho hay: "Những năm 1960, khi giặc Mỹ ném bom phủ Lạng Thương dữ dội, cả nhà tôi đã về vùng Lãng Sơn (Yên Dũng) để sơ tán. Ở đó được ăn cùng, sống cùng với những người nông dân chân chất, quê mùa, được trông thấy các đồ dùng, vật dụng xa lạ với người thành phố quá, tôi thích lắm. Sau này, tâm hồn người nghệ sĩ nhiếp ảnh dễ rung cảm trước những vẻ đẹp bình dị đã đưa bước chân tôi đến nhiều làng quê để lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời ấy. Từ năm 1978, tôi đến nhiều làng quê để chụp ảnh thuê nhưng có khi không lấy tiền công mà chỉ xin cái cối đá thủng hay cối xay cũ. Người ta thấy tôi có sở thích kỳ lạ, có gia đình còn bổ cái cối xay lúa ra vì nghĩ trong đó có vàng...".

Trong ký ức của ông Mạnh, làng quê Việt thật đẹp với đồng lúa xanh non rập rờn cánh cò trắng, với hình ảnh cây đa - bến nước - sân đình. Những buổi trưa hè oi ả, lũ trẻ con nơi ông về sơ tán nô đùa trên bến sông quê, những kỷ niệm mò cua, bắt cá, kéo vó tôm... Tất cả vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức một... "tỷ phú" và bây giờ mỗi khi nhớ lại, nó làm ông khao khát được trở về với quá khứ tuổi thơ thật hồn nhiên, yêu đời.

Với ông Mạnh, sưu tầm đồ cổ vì đam mê, sở thích chứ không phải để mua đi bán lại kiếm lợi nhuận nên mọi thứ đồ ông sưu tầm được đều rất đáng trân trọng, chẳng bao giờ ông có ý định bán chúng cho người khác. Năm nọ một đôi vợ chồng Việt kiều về đề nghị mua tất cả số cổ vật của ông với mức giá hời nhưng ông đã từ chối. Tuy nhiên theo ông Mạnh, trong số gần 4.000 hiện vật, ông mới chỉ trưng bày được một số ít để giới thiệu. Ý tưởng thành lập một bảo tàng tư nhân để có điều kiện phục vụ du khách tốt hơn cũng đã được ông Mạnh ấp ủ bấy lâu. Khi đó, ông sẽ mở rộng mặt bằng, đầu tư trang thiết bị, xây dựng các phòng, gian trưng bày để tạo sự hấp dẫn cho đông đảo du khách...

Kim Sa

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20120614091725319p0c1000/bao-tang-que-trong-long-pho.htm