Bảo tàng tại Hà Nội cần làm gì để hút khách?

Mặc dù sở hữu cả hệ thống bảo tàng phong phú về hiện vật, có kiến trúc đẹp, có giá trị cao về văn hóa, lịch sử nhưng dường như du lịch bảo tàng tại Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng vốn có.

Vấn đề này đặt ra từ lâu, cả ngành du lịch lẫn các bảo tàng vẫn loay hoay tìm hướng giải quyết, nhưng thực tế tính liên kết giữa hai bên còn lỏng lẻo và cần phải thực sự thay đổi để hút khách.

Hiệu quả - nếu có cách đi đúng

Ngay ở trung tâm Thủ đô là một loạt các bảo tàng có vị trí đắc địa, thuận lợi thu hút khách tham quan. Nhưng trong số này, không nhiều bảo tàng có sức hấp dẫn khách du lịch, trong đó Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh là những điển hình.

Đặc biệt, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam liên tục được trang web du lịch uy tín thế giới TripAdvisor xếp hạng “xuất sắc” và vinh danh là các bảo tàng nằm trong “Top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á”.

Tham gia trò chơi kéo co tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn/ TTXVN

Vào những dịp Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 hay Rằm Trung thu, Bảo tàng Dân tộc học luôn là điểm đến quen thuộc của các bạn nhỏ và các bậc phụ huynh. Bởi tại đây diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian gợi lại ký ức tuổi thơ, vốn đang vắng bóng trong cuộc sống hiện tại.

Không chỉ có vậy, Bảo tàng luôn đổi mới trong cách trưng bày, liên tục tổ chức giao lưu hoạt động văn hóa của các vùng miền trên cả nước và quốc tế, liên kết với nhiều hãng lữ hành đưa điểm đến này vào chương trình tour… Đây cũng chính là lý do Bảo tàng Dân tộc học luôn nhộn nhịp trong cả năm.

Trong khi một số bảo tàng năng động trong thu hút khách, nhiều bảo tàng khác lại rơi vào cảnh đìu hiu, như trường hợp Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nơi này được coi là kho báu kiến trúc, sở hữu hơn 3.000 tác phẩm nghệ thuật có giá trị rất lớn mà bất cứ bảo tàng, nhà sưu tầm nào cũng khao khát muốn có.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc bảo tàng chia sẻ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dường như công chúa ngủ quên chưa được các hãng lữ hành quan tâm đến. Trong khi Bảo tàng Dân tộc học trung bình mỗi năm thu hút khoảng 300 nghìn lượt khách tham quan, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ đón khoảng 60 nghìn lượt khách.

Đó là sự chênh lệch quá lớn giữa một bảo tàng có tuổi đời 20 năm như Bảo tàng Dân tộc học với một bảo tàng được thành lập hơn nửa thế kỷ như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Không chỉ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhiều bảo tàng khác cũng trong tình trạng này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân tồn tại qua nhiều thập kỷ nay là cách trưng bày chuyên đề, hiện vật tại các bảo tàng quá khô cứng, đơn điệu, nhàm chán khiến du khách không mặn mà. Bên cạnh đó, các bảo tàng cũng chưa năng động tổ chức các hoạt động thu hút khách nên dẫn đến tình trạng nơi đông khách, nơi đìu hiu.

Cần sự thay đổi đúng hướng

Trong khi Hà Nội thiếu điểm vui chơi, tham quan cho khách du lịch thì các bảo tàng được coi là điểm đến cần quan tâm. Tuy nhiên, nhiều năm qua đa phần các bảo tàng và công ty lữ hành chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau, chưa ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp tốt. Hoặc nếu có, việc thay đổi của các bảo tàng cho phù hợp thị hiếu du khách cũng không chuyển biến nhiều.

Đại diện Công ty cổ phần dịch vụ và du lịch Thuận An bày tỏ, ở bất cứ địa phương hay quốc gia nào, bảo tàng cũng là nơi được du khách quan tâm để họ hiểu về văn hóa, lịch sử nơi đó. Nhưng nhiều bảo tàng ở Hà Nội thường có tư duy đợi khách chứ chưa biết mời khách đến, chưa biết “dọn tiệc” chiêu đãi khách và tư duy này cần thay đổi.

Thực tế này đã được chứng minh khi Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học mạnh dạn kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để đưa khách đến. Kết quả là, khi lượng khách tăng, bảo tàng buộc phải thay đổi hình thức hoạt động, trưng bày. Việc đổi mới, thay đổi liên tục càng khiến du khách đến nhiều hơn và chính họ lại là người quảng bá cho bảo tàng thông qua việc bình chọn, xếp hạng chất lượng hoạt động.

Tuy vậy, trưng bày chỉ là một trong những chức năng chính của bảo tàng. Để thu hút khách tham quan, các bảo tàng cần tổ chức các hoạt động tương tác, trải nghiệm, các hoạt động văn hóa hấp dẫn, tạo ấn tượng tốt cho du khách. Bởi khách không chỉ có xem, nhìn, nghe mà còn có nhu cầu hòa mình vào hoạt động trải nghiệm, mang lại sự phấn kích tại điểm đến. Điều này rất cần thiết đối với nhiều khách du lịch nước ngoài.

Hơn nữa, việc kết nối với các doanh nghiệp lữ hành cần được quan tâm đúng mức giúp các bảo tàng nắm được tâm lý, nhu cầu tham quan của du khách từ đó có những thay đổi cho phù hợp. Việc gắn kết này mang lại lợi ích kép – lợi ích cộng sinh giữa bảo tàng và lữ hành. Công ty lữ hành và du khách không chỉ có thêm điểm tham quan mà bảo tàng sẽ “sống” khỏe nhờ vào lữ hành.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/bao-tang-tai-ha-noi-can-lam-gi-de-hut-khach-/52326.html