Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung: Cần không gian đúng nghĩa

Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung (gọi tắt Bảo tàng) được thành lập từ năm 2009 và chính thức mở cửa không gian trưng bày mẫu vật từ năm 2020. Tuy còn 'sơ khởi', nhưng các khu trưng bày của Bảo tàng đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giới trẻ đam mê đến tìm hiểu, trải nghiệm về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Bà Lê Thị Tố Nga, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung

Trao đổi trên Thừa Thiên Huế Cuối tuần, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung - Lê Thị Tố Nga cho rằng, mặc dù gặt hái được những "quả ngọt", song hoạt động của Bảo tàng vẫn còn những khó khăn, rào cản, chưa phô diễn được những giá trị về đa dạng sinh học thông qua mẫu vật thu thập được.

“Khai sinh” gần 15 năm, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung đã thu được những kết quả gì thưa bà?

Năm 2013, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cho Bảo tàng tại phường An Tây, TP. Huế với diện tích 100ha. Trong đó, 70ha dành để trồng rừng với dự án rừng mưa nhiệt đới; diện tích còn lại dùng để xây dựng khu trung tâm phục vụ trưng bày, khu điều hành và các dịch vụ khác... Đến nay, dự án rừng mưa nhiệt đới đã được trồng hơn 40 loài cây bản địa trên diện tích 67,6ha và đang lên xanh tốt. Riêng không gian trưng bày, nhà điều hành của Bảo tàng vẫn tạm thời “ở nhờ” tại một vị trí khác.

Qua thời gian thu thập, chế tác, Bảo tàng hiện đang trưng bày hơn 4.500 mẫu vật của 6 bộ mẫu vật chính như: địa chất - khoáng sản, cá, côn trùng, thú rừng, gỗ rừng, bướm nhân nuôi. Từ những mẫu vật này, Bảo tàng đã trưng bày, giới thiệu đến với mọi người, du khách về tính đa dạng sinh học và giá trị của đa dạng sinh học mang lại cũng như "sứ mệnh" của một bảo tàng thiên nhiên mang tầm khu vực.

Được ví như hệ sinh thái thiên nhiên thu nhỏ, chắc hẳn Bảo tàng đã thu hút nhiều đối tượng quan tâm?

Mặc dù với không gian còn hạn hẹp, nhưng năm 2020, Bảo tàng đã nỗ lực thiết kế, sắp xếp, bố trí những không gian trưng bày hợp lý, khoa học để đón tiếp khách tham quan. Và không ngờ là từ khi mở cửa đến nay, hoạt động này đã thu hút được rất nhiều nhà nghiên cứu, tổ chức, dự án, học sinh, sinh viên... đến tìm hiểu, học tập cũng như hỗ trợ phát triển.

Không chỉ trở thành nơi hoạt động trải nghiệm của học sinh, trường học mà Bảo tàng còn thu hút nhiều đối tượng đến từ các tổ chức, câu lạc bộ, dự án... Những đối tượng này đến Bảo tàng với tư cách vừa thưởng lãm, vừa là cầu nối truyền thông, giáo dục đến với cộng đồng về tài nguyên thiên nhiên cũng như công tác bảo tồn. Bảo tàng còn phối hợp với các trường đại học trên địa bàn, như: Nông Lâm, Khoa học, Sư phạm, Đại học Huế ký kết các hợp tác vừa nghiên cứu, đồng thời đưa sinh viên đến giảng dạy trực tiếp tại Bảo tàng dựa trên những hiện vật có thật.

Đặc biệt, Bảo tàng có một cơ sở dữ liệu về khoa học trên bộ mẫu vật rất quý, giúp sinh viên đi sâu tìm hiểu và nghiên cứu khoa học. Các trung tâm như trung tâm anh ngữ, trung tâm dạy hội họa... cũng đưa học viên đến Bảo tàng để thực hành các hoạt động trải nghiệm. Các em được học tiếng Anh qua mẫu vật, vẽ tranh về thiên nhiên, thi rung chuông vàng về đa dạng sinh học, tập làm chế tác mẫu vật, làm chế tác các sản phẩm qua đồ nhựa tái chế, cách phân loại rác thải...

Học sinh, sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu về các mẫu vật tại Bảo tàng

Như bà đề cập, có vẻ không gian trưng bày, hoạt động của Bảo tàng vẫn còn “tạm bợ” để đáp ứng lượng khách đang tăng?

Đúng là vị trí hoạt động của Bảo tàng hiện vẫn còn "ăn nhờ ở đậu", nên không gian phục vụ trưng bày, lưu giữ... còn rất chật hẹp, chưa thể hiện hết được chức năng cũng như sự phong phú, đa dạng của các bộ mẫu vật.

Đã gọi là bảo tàng thiên nhiên thì phải kết hợp giữa nhà trưng bày và thiên nhiên với những phân khu chức năng đúng nghĩa. Trong quy hoạch cũng như định hướng phát triển của Bảo tàng, ngoài diện tích trồng cây rừng mưa nhiệt đới, sẽ có một không gian làm khu trưng bày trong nhà, ngoài trời, hình thành khu vườn bướm tự nhiên, khu vườn chim, vườn động vật... Ý tưởng hình thành "bức tranh đẹp" để phô bày hết giá trị thiên nhiên mang lại của Bảo tàng dù đã có từ rất lâu, nhưng rất tiếc đến nay, mong ước có một không gian trưng bày đúng chuẩn vẫn còn gặp những trở ngại, vướng mắc do khách quan, cơ chế.

Chúng tôi đang lo, với số lượng mẫu vật thu thập về ngày càng tăng lên mà không có không gian để trưng bày, bị “cất vào kho” thì đến một chu kỳ sẽ bị hư hỏng, gây lãng phí. Nên làm gì thì làm, nhất quyết cần sớm có một nhà trưng bày đúng như quy hoạch, để mẫu thu thập đến đâu được trưng bày đến đó. Khi đó mới phát huy được giá trị mẫu vật mang lại.

Hoạt động chuyên sâu của Bảo tàng chính là tập trung thu thập thật nhiều mẫu vật, bộ mẫu vật, bà có thể nói rõ thêm công tác này?

Chúng tôi có nhiều cách tiếp cận để thu thập mẫu vật. Hình thức đầu tiên là thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng dựa trên kinh phí được Sở KH&CN cấp hằng năm để thu thập mẫu vật theo kế hoạch cụ thể, rõ ràng, theo đối tượng thu mẫu. Bảo tàng cũng đã xây dựng đề án thu thập mẫu vật đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hình thức thứ hai là thu thập mẫu vật thông qua tuyên truyền, vận động để người dân trao tặng. Sắp tới, Bảo tàng sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ và phối hợp với Chi cục Kiểm lâm để tuyên truyền, vận động thu về lượng mẫu vật từ trong dân, nhất là người dân đồng bào vùng cao Nam Đông, A Lưới. Hình thức thứ ba là thu thập mẫu thông qua trao tặng của các tổ chức, cá nhân như từ các trường đại học, các khoa với nhiều bộ mẫu đã được lưu trữ trong quá trình giảng dạy.

Hình thức tiếp nữa là thông qua thực hiện các đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh, cấp quốc gia để thu thập mẫu vật vừa ổn định, vừa phong phú, đa dạng. Đơn cử, Bảo tàng đang thực hiện dự án khoa học công nghệ cấp Trung ương nghiên cứu, thu thập mẫu chim trên hệ đầm phá của 14 tỉnh miền Trung. Đây sẽ là một bộ mẫu vật khổng lồ sau khi hoàn thành kết quả nghiên cứu.

Ngoài ra, từ những hiện vật, tang vật thu được do săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, Bảo tàng cũng kết nối, tiếp cận, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng như công an, kiểm lâm, quản lý thị trường... trong ngoài tỉnh để xin thu thập. Đồng thời cũng thu thập từ kênh nhận "ký gửi" lưu giữ tang vật đúng quy trình, tránh bị hư hỏng tại Bảo tàng sau khi vụ án xử lý xong...

Chế tác mẫu vật cũng là công đoạn, kỹ thuật không kém phần quan trọng phải không thưa bà?

Thực ra, để chế tác nên một mẫu vật hoàn chỉnh, thật và thời gian bảo quản, lưu giữ được lâu không phải dễ mà cần cả một quá trình học nghề, được truyền nghề bài bản. Mỗi mẫu vật có một cách chế tác khác nhau. Chẳng hạn ngay cả kinh nghiệm xử lý, ngâm hóa chất của mỗi bộ lông cũng khác nhau và cần phải học.

Sau khi thu thập mẫu về, chúng tôi đem mẫu này vào Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên. Tại đây, các anh em của Bảo tàng sẽ được học và thao tác chế tác trực tiếp trên mẫu vật của mình. Đây là cách đào tạo vừa học vừa làm đem lại hiệu quả nhất mà Bảo tàng thường bố trí cắt cử hằng năm từ 2 đến 3 người tham gia. Chúng tôi rất ghi nhận sự hết lòng của Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên khi đã truyền nghề cho mình, giúp Bảo tàng ngày càng có thêm nhiều mẫu chế tác quý, có giá trị cho lưu trữ, bảo tồn và giáo dục truyền thông.

Xin cảm ơn bà!

Hoài Thương (Thực hiện)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/bao-tang-thien-nhien-duyen-hai-mien-trung-can-khong-gian-dung-nghia-140438.html