Báo Thái Lan, Trung Quốc hối thúc chính phủ tham gia TPP

(Toquoc)-TPP đang có động lực mới, Thái Lan và Trung Quốc cần đề nghị được tham gia.

Báo chí thế giới nhanh chóng phản ứng về tác động của việc 9 nước tham gia thương lượng thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hawaii. Nhật báo kinh tế Les Echos (Pháp) nhận định tại Hội nghị thượng đỉnh APEC lần này, Tổng thống Mỹ đã thành công khi đưa ra thảo luận về dự án “Đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP) với 8 nước. Dự án còn nhận được sự ủng hộ của ba nước là Nhật Bản, Canada và Mehico. Tờ báo cho rằng thỏa thuận này phản ánh mối quan hệ mới giữa Washington với Bắc Kinh và Tokyo .

Nằm ngoài TPP sẽ khó thu hút đầu tư và hoạt động thương mại

Bài xã luận của báo Dân tộc (Thái Lan) ngày 15/11 cho rằng Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra cần khẩn trương xem xét và sớm ra quyết định về việc có tham gia hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không.

Theo báo trên, TPP được Mỹ đề xuất năm 2006 nhưng ban đầu các nước châu Á không mấy hào hứng. Một số thành viên lo ngại TPP sẽ biến APEC từ một diễn đàn không ràng buộc trở thành một thể chế thương mại. Một số khác cho rằng nếu APEC xây dựng khối thương mại riêng, tất yếu các thành viên sẽ ít quan tâm tới vòng đàm phán Doha của WTO. Tuy nhiên TPP đang có động lực mới sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda khẳng định sẽ tham gia đàm phán TPP.

9 nhà lãnh đạo TPP gặp gỡ tại Hawaii đưa ra các định hướng cho cuộc đàm phán tiếp theo, dự kiến kết thúc đầu năm 2012

Các thỏa thuận thương mại luôn là vấn đề nhạy cảm và bế tắc trong tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Mỹ-Thái Lan là một ví dụ. Nhiều nhà chỉ trích cho rằng các nước nhỏ thường bất lợi so với các nước lớn khi đàm phán thương mại vì ít có quyền mặc cả. Tuy nhiên, TPP lại là một thỏa thuận đáng để xem xét tham gia, xuất phát từ ba khía cạnh sau: Thứ nhất, TPP bao gồm các nước mà Thái Lan có nhiều lợi ích kinh tế ở đó, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản. Thái Lan cũng có thể tăng cường hợp tác với các nước khác cùng cấp độ phát triển như Việt Nam và Malaixia - 2 trong số 9 quốc gia đã tham gia đàm phán TPP. Ba quốc gia khác là Nhật Bản , Canađa và Mêhicô cũng đã bày tỏ mong muốn tham gia TPP. Thứ hai, mặc dù còn quá sớm để đánh giá tác động của TPP đối với nền kinh tế Thái Lan, song Chính phủ Thái Lan cần xem xét đến một vấn đề quan trọng hơn cả là việc Thái Lan có nên đứng ngoài khuôn khổ hợp tác này hay không. Nếu thấy không thể đứng ngoài TPP, Chính phủ Thái Lan cần khẩn trương tham gia ngay tiến trình đàm phán. Theo đó, Thái Lan có thể đưa ra các quan điểm của mình ngay từ giai đoạn đầu, nhằm đảm bảo TPP sẽ có lợi cho Thái Lan.

Mặc dù Chính phủ Thái Lan muốn trì hoãn thỏa thuận tự do thương mại song phương với Mỹ vì vấn đề nhạy cảm chính trị song phương, song TPP lại là một khuôn khổ đa phương gồm nhiều nước có sự phát triển kinh tế tương tự như Thái Lan. Tất cả các nước, đặc biệt là Malaixia, Xinhgapo và Việt Nam đã quyết định tham gia TPP vì họ đều muốn thúc đẩy xuất khẩu và thu hút thêm đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. TPP cũng sẽ tạo thuận lợi cho các giao dịch kinh tế giữa các nước thành viên. Vì thế các nước nằm ngoài TPP sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư và hoạt động thương mại với các nền kinh tế lớn tham gia TPP vì lúc đó các nền kinh tế lớn sẽ dành ưu tiên cho các thành viên tham gia TPP.

Thứ ba, giữa lúc các vòng đàm phán Doha bế tắc, TPP có thể đóng vai trò thúc đẩy toàn cầu cắt giảm thuế quan và hạ thấp các rào cản thương mại. Với 9 quốc gia đang bước vào đàm phán và 3 quốc gia đã cam kết tham gia đàm phán hình thành TPP, TPP sẽ chiếm 40% kinh tế toàn cầu với 800 triệu người tiêu dùng. Và mặc dù Trung Quốc chưa tham gia, song không loại trừ khả năng nước này sẽ tham gia TPP và sự tham gia đó sẽ gia tăng đáng kể tiềm lực kinh tế và thương mại của TPP.

Báo trên cho rằng các cuộc đàm phán TPP sẽ kéo dài nhiều năm do sự phức tạp trong các vấn đề liên quan đến tự do nông nghiệp, tiêu chuẩn lao động và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, sau nhiều biến động chính trị kéo dài và khủng hoảng lũ lụt, chính phủ Thái Lan cần phải khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài để thúc đẩy phát triển dựa vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, và tham gia TPP có thể giúp Thái Lan làm được điều này. Do đó, Chính phủ Thái Lan cần sớm biểu lộ ý định có tham gia TPP hay không, đồng thời phải cân nhắc kỹ lưỡng về những cái được và mất khi tham gia TPP, từ đó xác định các mục tiêu và các chiến lược để đạt được mục tiêu khi tham gia TPP.

Trung Quốc cần nhanh chóng tham gia đàm phán và có nhượng bộ TPP

Thời báo Hoàn cầu ngày 15/11 đăng bài viết: “Trung Quốc cần nhanh chóng tham gia đàm phán TPP”, cho rằng tôn chỉ của TPP là xây dựng một tiêu chuẩn chính trị, kinh tế và mậu dịch mới cho châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ đang sốt sắng xây dựng tiêu chuẩn này nhằm “đóng khung” châu Á-Thái Bình Dương hay nói một cách khác là “đóng khung” Trung Quốc.

Có ý kiến cho rằng chỉ cần Trung Quốc giữ tăng trưởng kinh tế ổn định, củng cố quan hệ với láng giềng thì không sợ việc Mỹ xây dựng khuôn khổ, Mỹ sẽ không cột được Trung Quốc và cuối cùng sẽ phải bàn bạc với Trung Quốc. Ý kiến tuy có lý nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Khi tiêu chuẩn do Mỹ thiết lập đã hình thành thì rất phiền cho Trung Quốc bởi một khi một tiêu chuẩn quốc tế được xác lập thì hàng hóa của Trung Quốc buộc phải theo, thậm chí phải từ bỏ tiêu chuẩn vốn có nếu không sẽ không tham gia sản xuất và mậu dịch được. Ngoài ra, đàm phán TPP đang kiềm chế cơ chế hợp tác Đông Á mà Trung Quốc đang thúc đẩy. Cơ chế 10 + 3 đang ở trong thời kỳ điều chỉnh quan trọng, khi đàm phán TPP mở ra sẽ có khả năng khiến Nhật Bản và các nước khác ngả sang TPP hoặc dựa vào TPP để củng cố vai trò tại 10 + 3, mối nguy hiểm ở đây là trong tương lai, khu vực châu Á sẽ tiếp tục phân hóa chứ không hợp nhất.

Trung Quốc cần chủ động tham gia vào TPP, cần nhập cuộc và có nhượng bộ. Kinh nghiệm cho thấy việc tham gia vào các cơ chế mậu dịch đa phương có lợi cho phát triển của Trung Quốc. Trung Quốc là nước lớn ở châu Á-Thái Bình Dương, cần phải có năng lực kiến tạo chiến lược mô hình hợp tác khu vực và thực hiện chiến lược đó. Trung Quốc không muốn đọ sức với Mỹ, không cần phá Mỹ, càng không cần đẩy Mỹ ra khỏi châu Á. Nhưng nếu Mỹ tự ý đặt ra tiêu chuẩn, muốn mang tiêu chuẩn đó để quy phạm Trung Quốc thì Trung Quốc không cần đợi đến sau khi tiêu chuẩn đó thành hình mới tranh đấu với Mỹ. Cuộc tranh đấu này nên bắt đầu từ bây giờ và Trung Quốc buộc phải trải qua trên con đường trở thành thành viên quan trọng của thế giới và lợi ích của Trung Quốc chỉ có thể được bảo vệ tối đa trong đấu tranh.

Việc tờ báo chính thống của Trung Quốc nhanh chóng đăng bài kêu gọi tham gia TPP khác với cách các báo Trung Quốc gièm pha TPP trước đây. Nhưng tờ báo quên không phân tích rằng TPP lập ra để Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc và khả năng Trung Quốc có sẵn sàng thỏa hiệp hay không đối với các vấn đề nhạy cảm mới là quan trọng. Washington từng đề cập là nếu Trung Quốc tham gia vào giai đoạn đàm phán này thì quá trình đàm phán còn lâu mới kết thúc. Cho nên ai tham gia, tham gia vào lúc nào, Mỹ đã có kịch bản sẵn rồi. Mỹ từng bày tỏ sẵn sàng để Trung Quốc tham gia nhưng ở giai đoạn sau khi TPP đã được ký kết. Nếu vừa rồi Trung Quốc đột nhiên chủ động đề nghị tham gia TPP chứ không đợi “lời mời”, thì Washington hẳn chưa biết trả lời ra sao. Nhưng biết chắc bị từ chối khéo thì cũng không hay lắm. Mỹ rõ ràng đã giành lại chút thượng phong./.

QT

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/O-Cua-Chau-A/Bao-Thai-Lan-Trung-Quoc-Hoi-Thuc-Chinh-Phu-Tham-Gia-Tpp.html