“Bão tố” tuổi hoàng hôn…

Vừa qua, chương trình Người xây tổ ấm của Đài THVN đã có một cuộc trò chuyện thú vị quanh chủ đề từ xưa đến nay vẫn bị coi là nhạy cảm: cuộc sống tình dục của lứa tuổi xế chiều.

Có thể, đây là biến chuyển mới của nhà đài khi gạt bỏ dần những quan niệm cho rằng: những “chuyện ấy” chỉ nói trong phòng the chứ không phải trên sóng truyền hình, hoặc: truyền hình là để nói những vấn đề to lớn, chứ những chuyện nhạy cảm thì nói chỗ khác.

Bản thân tôi, tôi thấy sự thay đổi này có lợi cho khán giả. Ngay bản thân vợ tôi khi nghe nhà Đài có giới thiệu trước mấy hôm đã háo hức chờ đón, cho dù Người xây tổ ấm toàn “xây” vào giờ người ta đã lên giường đi ngủ.

Tuổi hoàng hôn của người phụ nữ nói riêng và tuổi xế chiều của đời người nói chung, nếu có được quan tâm, thì cũng là sự quan tâm về sức khỏe với muôn vàn các bệnh tật khác nhau. Có cảm giác như, tất cả mọi sự quan tâm của con cháu, của xã hội dồn vào việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, với nghĩa thông thường nhất, đó là tránh các loại bệnh già, tập thể dục, sống lành mạnh…

Người làm chương trình đã thật sắc sảo khi đưa ra chủ đề: Bão tố tuổi hoàng hôn, và nói một cách trực diện vào lĩnh vực sức khỏe tình dục của các bà, các chị, với các góc nhìn đa dạng, thẳng thắn, nhưng cũng rất tế nhị.

Trong chương trình, có rất nhiều phụ nữ đã cởi mở lòng mình

Phụ nữ Việt nam với đức hy sinh, chịu đựng đã được ngợi ca rất nhiều, đến nỗi hai chữ hy sinh không chỉ gắn chặt vào cuộc đời các mẹ, các chị, khiến họ ngại khi nghĩ cho mình một chút riêng. Ngày nay, nhìn vào những sự hy sinh của họ, chúng ta không khỏi băn khoăn với một câu hỏi: liệu chúng ta có thực sự cần nhiều sự hy sinh của các bà, các mẹ đến vậy không, khi mà nghe những sự e dè, ngại ngùng của các chị, các mẹ nói về những bão tố của tuổi hoàng hôn mà mình đang phải trải qua?

Ngoài 40 tuổi, người phụ nữ Việt nam hầu như cam lòng với vai trò người mẹ, rồi chuẩn bị làm bà. Đến 50 tuổi, hầu như họ chẳng còn nghĩ gì đến những thú vui của cuộc đời, bởi cái nhìn của xã hội, của con cái đối với họ là cái nhìn mặc nhiên coi họ như một người bà tất bật với các con, các cháu, quanh quẩn bếp núc, trông cháu, chăm con, sau bao nhiêu năm nuôi con khôn lớn, chu toàn cho chồng công tác, tuổi hoàng hôn đến với bao thay đổi tâm sinh lý, chẳng thể nói với ai.

Quan niệm về đạo đức cũng là rào cản đáng kể trong câu chuyện bàn về tình dục tuổi xế chiều. Đến bây giờ, ở Việt Nam vẫn là điều khó chấp nhận khi một phụ nữ tuổi 45 - 50 nói về chuyện phòng the của vợ chồng mình. Nếu có đến bác sĩ, thì cũng chỉ là để hỏi về bệnh nọ, bệnh kia, chứ ít người đủ can đảm hỏi về những khó khăn trong quan hệ tình dục ở tuổi này, và bác sĩ thì cũng chẳng bao giờ hỏi về chuyện ấy.

Đối với chồng, những khó khăn tuổi hoàng hôn hầu như không được nói ra, các bà các chị cứ cắn răng mà chịu, xấu hổ, ngại ngùng, cam phận, và mặc kệ chồng, hoặc là cũng chịu đựng sự khó khăn của mình, hoặc là “dâng chồng cho phở”. Chẳng có người phụ nữ Việt Nam nào ra tòa ly dị chồng vì “chúng tôi có vấn đề về tình dục, anh ấy không làm cho tôi hạnh phúc”, cũng chẳng có người đàn ông nào ra tòa ly dị vợ với nguyên nhân: “vợ tôi và tôi không có tiếng nói chung trong quan hệ tình dục, tôi không hạnh phúc”. Vấn đề tình dục vẫn được xếp sau tất cả các vấn đề khác, hoặc nói không quá, thì vấn đề ấy không được tính đếm đến.

Trong chương trình, có rất nhiều phụ nữ đã cởi mở lòng mình. Họ nói về những nỗi khổ trong quan hệ tình dục tuổi hoàng hôn, và họ cũng ngượng nghịu khoe về những cải thiện rõ rệt khi được điều trị. Đó là những tác động rất tích cực tới các bà, các chị, tới những ai thực sự quan tâm đến bản thân mình, đến niềm hạnh phúc của vợ chồng mình.

Vị khách nam cũng là một người xuất sắc khi thẳng thắn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, rằng, những người chồng hãy hiểu cho vợ trong cơn bão tố tuổi hoàng hôn, hiểu những thay đổi, khó chịu, ngại ngùng của vợ, tìm cách cùng nhau cải thiện tình hình, để hạnh phúc mặn mòi, đằm thắm của tuổi hoàng hôn lại viên mãn, tròn đầy.

Có lẽ, thông điệp mà chương trình này đưa ra, chỉ giản dị thế này thôi: Những người phụ nữ, hãy biết về tuổi hoàng hôn và những bão tố đang chờ họ ở phía trước, để chuẩn bị kỹ càng đón nó, biến những cơn bão tố ấy thành những cơn gió heo may mùa thu lãng mạn. Hơn ai hết, các bà, các chị hãy biết cách làm cho cuộc sống của mình hạnh phúc thực sự, hạnh phúc dài lâu, bởi khi mình không khỏe mạnh và không hạnh phúc, thì hỏi rằng, mình có thể chăm sóc được cho ai?

Bão tố tuổi hoàng hôn, bao nhiêu người biết về nó? bao nhiêu người có ý thức để thay đổi nó? Sau đêm ấy, vợ tôi biết nhiều hơn về cái tuổi mà bà ấy đang trải qua, và quan trọng hơn, là tôi hiểu vợ nhiều hơn.

Nhất định, tôi sẽ cùng bà ấy trải qua những khó khăn này, ít nhất là kề vai sát cánh trong tình cảm, để bà ấy không đẩy tôi ra những lúc tôi vẫn còn khao khát vợ mình.

Tôi biết, cũng đã muộn đôi chút, nhưng muộn còn hơn không…

Hà Sa

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/xahoi/504593/index.html