Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa thế giới

ND-Sau gần 5 năm (2005-2009) triển khai lập hồ sơ khoa học đề cử di sản, ngày 30-9-2009, Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận "Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện của Nhân loại". Sự kiện này không những mang đến cho người dân Bắc Ninh nói riêng, đồng bào cả nước nói chung niềm vui, niềm tự hào dân tộc, đồng thời còn đặt ra nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi trách nhiệm hết sức lớn lao của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh trước đây được coi là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long. Nơi đây đã hội tụ, sản sinh ra Dân ca Quan họ Bắc Ninh, một loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và tiêu biểu trong các hình thức diễn xướng dân gian của vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ. Mỹ học trong Dân ca Quan họ Bắc Ninh biểu hiện những quan niệm đẹp đẽ, trong sáng, chất phác về mối quan hệ giữa người với người thông qua thái độ tôn trọng nghĩa tình và lòng thủy chung son sắt. Trong quá trình hình thành và phát triển, với sự sáng tạo tài tình của các nghệ nhân, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã tiếp thu và phát triển trên nền tảng của nhiều loại hình dân ca khác nhau của các vùng miền để tạo nên một phong cách, một lối chơi đặc trưng. Có nhà nghiên cứu đã nhận xét: "Dân ca Quan họ Bắc Ninh là kết tinh, là đỉnh cao của thi ca và âm nhạc dân tộc Việt Nam". Với khoảng 400 bài ca nằm trong hệ thống của hơn 213 giọng (điệu), sinh hoạt Dân ca Quan họ Bắc Ninh đòi hỏi tính chất quy củ, khuôn phép chặt chẽ, tuân theo lề lối nhất định thông qua nhiều hình thức diễn xướng như: Hát canh, hát đối đáp, hát hội, hát chúc, hát mừng, hát cầu đảo, hát kết chạ... Trong đó, hát canh và hát đối đáp là hai hình thức tiêu biểu: Trong sáu tỉnh người đà chưa tỏ Ngoài năm thành chỉ có Bắc Ninh Yêu nhau trở lại xuân tình Nghề chơi Quan họ có tinh mới tường. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã có lúc chìm lắng và có nguy cơ mai một. Từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, đã có nhiều hội thảo khoa học về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đầu năm 1969, UBND tỉnh Hà Bắc (trước đây) thành lập Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh đặt tại thị xã Bắc Ninh - nơi có đậm đặc sinh hoạt các làng Quan họ gốc. Ngay từ ngày đầu thành lập, Đoàn đã cử các diễn viên về các làng Quan họ sưu tầm và học hỏi các nghệ nhân về các bài ca, lề lối và nghệ thuật ca hát Quan họ theo lối truyền khẩu. Đoàn đã sưu tầm hàng trăm giọng (điệu) và gần 300 bài ca Quan họ cổ; đã thể nghiệm xây dựng nhiều tiết mục, chương trình nghệ thuật, tổ chức biểu diễn và giới thiệu dân ca Quan họ Bắc Ninh tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Và cũng từ đây, phong trào ca hát Quan họ trong quần chúng trên địa bàn tỉnh dần được khôi phục và ngày càng phát triển rộng khắp ở cộng đồng. Nhiều đội văn nghệ Quan họ, câu lạc bộ Quan họ được thành lập và hoạt động tích cực. Các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan dân ca Quan họ từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh được thường xuyên tổ chức, thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia. Các nghệ nhân đã tích cực tham gia truyền dạy những bài bản, kỹ năng ca hát và lề lối của Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Nhiều cuộc điều tra, khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu về Quan họ tiếp tục được tổ chức, thu hút sự quan tâm của công chúng và các nhà khoa học, các nhà quản lý. Hàng chục công trình nghiên cứu về Dân ca Quan họ Bắc Ninh được xuất bản và phát hành... Năm 2005, Chính phủ giao UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xây dựng hồ sơ di sản đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ngày 30-9-2009, "Dân ca Quan họ Bắc Ninh" chính thức được kỳ họp thứ tư Ủy ban Liên Chính phủ Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện của Nhân loại". Sự kiện này không những chỉ tôn vinh những giá trị tiêu biểu độc đáo, mà còn khẳng định sự trường tồn và sức lan tỏa rộng lớn của "Dân ca Quan họ Bắc Ninh" trong cộng đồng thế giới. Để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về những giá trị đặc sắc và độc đáo của Dân ca Quan họ Bắc Ninh dưới nhiều hình thức. Đặc biệt coi trọng vai trò truyền dạy của nghệ nhân, các nhu cầu sinh hoạt văn hóa Quan họ trong cộng đồng. UBND tỉnh đã ban hành quy định về hình thức công nhận và tôn vinh các nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh nhằm động viên, khích lệ các nghệ nhân làm tốt vai trò lưu giữ và truyền dạy Dân ca Quan họ trong cộng đồng; chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng, quy mô các hoạt động sinh hoạt văn hóa Quan họ như liên hoan, hội thi, hội diễn, lễ hội... từ cơ sở đến tỉnh; tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước nhằm định hướng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị những cái hay, cái đẹp của di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh, giữ gìn những giá trị nhân văn truyền thống vốn có trong sinh hoạt văn hóa Quan họ nói chung và Dân ca Quan họ Bắc Ninh nói riêng. Tỉnh sẽ xây dựng các dự án quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo các không gian, những di tích lịch sử văn hóa, các thiết chế văn hóa, lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán... trong các cộng đồng - nơi đã từng là môi trường, là không gian sản sinh và gắn kết với sự trường tồn của Dân ca Quan họ; tiếp tục triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn và phát hành các tài liệu, ấn phẩm về những giá trị nhân văn đặc sắc và độc đáo trong Dân ca Quan họ Bắc Ninh tới đông đảo công chúng, nhất là các thế hệ trẻ - lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Dân ca Quan họ. Đối với đoàn nghệ thuật truyền thống, tỉnh chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn dân ca Quan họ Bắc Ninh để làm nòng cốt trong các hoạt động thể nghiệm, trình diễn, giới thiệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh với công chúng; nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Nhà hát Quan họ nhằm đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, thể nghiệm và quảng bá về Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Bảo tồn và phát huy giá trị của Dân ca Quan họ Bắc Ninh là bảo tồn các yếu tố gốc như các bài ca Quan họ cổ, các hình thức sinh hoạt Quan họ, hình thức diễn xướng truyền thống, phong tục, tập quán... đồng thời cũng trân trọng các sáng tạo nghệ thuật mang âm hưởng của Dân ca Quan họ Bắc Ninh phù hợp với nhịp sống đương đại, được cộng đồng thừa nhận, tạo nên sức sống mới. Đó chính là sự cam kết của cộng đồng để chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa thế giới - "Dân ca Quan họ Bắc Ninh".

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=159692&sub=134&top=43