Bảo tồn và phát triển Sơn Trà: Khó nhưng vẫn giải được!

Đó là khẳng định của nhiều đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo "Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà" do Viện sinh thái học Miền Nam phối hợp Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng tổ chức vào ngày 15-7.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và các nhà khoa học tham dự hội thảo "Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà".

Rà soát Sơn Trà bằng sự cầu thị và cởi mở

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh khẳng định, bán đảo Sơn Trà như bình phong che chắn, bao bọc cho thành phố Đà Nẵng. Về an ninh quốc phòng, Sơn Trà có vị trí quan trọng đối với Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Đặc biệt, Bán đảo Sơn Trà có hệ sinh thái đa dạng, có nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm, trong đó nổi bật là voọc chà vá chân nâu được xem là "nữ hoàng linh trưởng". Thời gian vừa qua, lượng khách du lịch đến thành phố Đà Nẵng ngày càng tăng cao đã đặt ra nhiều vấn đề mà thành phố Đà Nẵng phải giải quyết, trong đó có việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng du lịch. Sơn Trà với một sức hút đặc biệt của nó là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Ông Minh nhấn mạnh, quan điểm của thành phố là phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa tâm linh. Quá trình này phải bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và phòng chống thiên tai. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đánh giá, phát triển bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Mặt khác, phát triển bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà cũng phù hợp với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam cũng như quy hoạch tổng thể vùng duyên hải Nam Trung Bộ. "Đà Nẵng đang triển khai rà soát tổng thể bán đảo Sơn Trà trên tinh thần cầu thị và cởi mở để hoàn thiện 3 loại quy hoạch: quy hoạch chung, quy hoạch du lịch và quy hoạch bảo tồn rừng đặc dụng. "Cùng với những bước đi thận trọng của chính quyền, tôi tin tưởng rằng, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ đưa ra những đề xuất, giải pháp hợp lý để phát triển bền vững Sơn Trà nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng", ông Minh nhấn mạnh.

Một góc bán đảo Sơn Trà. Ảnh: LÊ HẢI SƠN

Bài toán khó nhưng có thể giải được

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, sẽ tiếp thu, ghi nhận những góp ý của các nhà khoa học và để báo cáo lãnh đạo Bộ để có cơ sở khoa học tham mưu Chính phủ về câu chuyện Sơn Trà. Bà Nhàn thể hiện quan điểm bảo tồn hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà để phát triển kinh tế nhưng chiều ngược lại phát triển kinh tế phải có trách nhiệm bảo tồn. "Sơn Trà là khu vực đa dạng sinh học nhưng không chỉ để vậy mà phải phát huy những lợi thế của bán đảo, đặc biệt là các dịch vụ hệ sinh thái mang lại. Chúng ta không thể bảo tồn với giá trị đóng khung", Phó cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học nói đồng thời đề nghị cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về việc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia để có giải pháp phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà. Trong quá trình phát triển bán đảo phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là luật Đa dạng sinh học. Bà Nhàn nhấn mạnh: "Vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Từ đó phát triển bền vững, phát huy lợi thế về bảo tồn cho hoạt động phát triển du lịch".

Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Rừng và đất ngập nước Việt Nam nhận định, vấn đề quan trọng đối với Sơn Trà hiện tại là không phải ôm khư khư rồi đóng cửa mà là sử dụng nguồn tài nguyên như thế nào cho hợp lý. Tiến sĩ Thành cho rằng trong thời điểm chờ địa phương báo cáo và Thủ tướng Chính phủ có những quyết định quan trọng thì điều mà dư luận quan tâm nhất vẫn là làm thế nào để giữ được hệ sinh thái mà vẫn phát huy được tiềm năng để phát triển kinh tế. "Quan điểm của tôi là chúng ta không nên cứng nhắc là đóng cửa giữ bằng được Sơn Trà hay là nghiêng về phát triển mạnh kinh tế ở đây. Chúng ta sử dụng hợp lý tài nguyên hơn là giữ khư khư mà không mang lại lợi ích gì", ông Thành nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn, không thể tiếp tục phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà theo cái cách hiện nay được mà phải có những thay đổi. Với lời giải hợp lý, khả dĩ nhất cho bài toán bảo tồn và phát triển cũng như xử lý hậu quả của những vướng mắc liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư, ông Nghĩa đồng ý là khó nhưng đồng thời cho rằng vẫn có thể giải được. Với sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội và người dân cả nước đối với Sơn Trà thì bài toán này khó đến mấy cũng giải được một cách hài hòa. "Tôi cho rằng, cái gì trái phép thì phải dẹp, phải xử lý. Thậm chí phải trừng trị nếu vi phạm đó là nghiêm trọng. Còn cái gì hợp quy trình, hợp pháp nhưng hiện tại không còn hợp lý nữa mà nếu tiếp tục là không có lợi thì phải tìm giải pháp để hài hòa", ông Nghĩa phân tích và cho rằng trong khi thực hiện các giải pháp, chính quyền phải vận động chính các doanh nghiệp đã gắn bó với Sơn Trà khi cần thiết phải hi sinh một chút vì thương hiệu, trách nhiệm xã hội của mình. Ông Nghĩa gợi ý: "Để bảo vệ Sơn Trà, doanh nghiệp, cá nhân nào đó bị thiệt hại thì chính quyền làm việc với doanh nghiệp, cá nhân đó để đền bù. Nếu mức đền bù quá sức chịu đựng của ngân sách thì vận động họ hi sinh một phần. Làm được điều đó thì không chỉ nhân dân Đà Nẵng mà nhân dân cả nước hoan nghênh. Nếu doanh nghiệp chịu một phần thiệt hại nào đó, phải hi sinh một phần nào đó cho Sơn Trà thì đó cũng có thể coi là niềm vinh dự. Nếu họ làm được như vậy thì làm tăng lòng yêu mến của người dân đối với các thương hiệu đó".

CÔNG KHANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/113_169187_ba-o-to-n-va-pha-t-trie-n-son-tra-kho-nhung-va-n-g.aspx