Báo TQ: Mục tiêu chiến lược của Mỹ rõ ràng là Biển Đông

(VTC News) – Bắt đầu từ ngày hôm qua (16/11), Tổng thống Mỹ Obama và Ngoại trưởng Clinton đều đã xuất hành đến thăm nhiều quốc gia tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tăng cường thế tiến công ngoại giao vòng mới đối với khu vực chiến lược này.

Hoạt động quan trọng nhất của chuyến thăm bí mật lần này là ông Obama thăm Australia. Mỹ sẽ đóng quân tại phía bắc Australia và tổ chức tập trận chung. Tương lai hợp tác quân sự Mỹ - Australia đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tờ Sina (Trung Quốc) bình luận: "Mục tiêu chiến lược của hành động lần này của Mỹ rõ ràng là Biển Đông".

"Australia gần biển Đông hơn Nhật – Hàn"

Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Obama, Thủ tướng Australia Julia Gillard tuyên bố: Mỹ sẽ đưa khoảng 2.500 quân đến thành phố Darwin ở phía bắc nước này. Căn cứ theo thỏa thuận quân sự song phương, quân đội Mỹ sẽ không lập căn cứ quân sự mới tại Australia mà chỉ dùng nơi này để luân chuyển quân sự nhằm dễ dàng tiếp cận Biển Đông hơn so với di chuyển từ các căn cứ ở Nhật hay Hàn Quốc.

Tổng thống Mỹ Obama

Theo báo cáo, kế hoạch trên không bao gồm xây dựng căn cứ quân sự vĩnh viễn tại Australia. Nhưng một quan chức chính phủ Mỹ cho biết: "Đây là bước đệm vững chắc để Mỹ bố trí ổn định tại Australia. Australia còn gần biển Đông hơn so với căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn – Nhật.

Reuters đưa tin: "Australia là đồng minh hữu hảo trong thời gian dài của Mỹ. Nước này từng thảo luận với chính phủ Mỹ tổ chức nhiều cuộc tập trận chung hơn nữa, đồng thời bố trí vũ khí và vật tư chuẩn bị cho chiến tranh tại phía bắc nước này".

Trong tương lai, tàu chiến và tàu ngầm của quân đội Mỹ sẽ thăm Australia nhiều hơn nữa, tiến tới tàu quân đội Mỹ sẽ đóng tại hai thành phố Darwin và Perth.

Trong ngày hôm nay, ông Obama sẽ thăm thành phố Darwin, cửa ngõ đi vào khu vực Đông Nam Á, hơn nữa tuyên bố kế hoạch tập luyện của hải quân Mỹ tại bờ biển phía bắc Australia cũng như kế hoạch tổ chức tập trận chung với Australia.

"Thế kỷ XXI - Thế kỷ Châu Á"

Cũng trong ngày hôm qua 16/11, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đã đến thăm Philippines và tuyên bố biện pháp viện trợ quân sự và kinh tế cho nước này; tổ chức hội đàm và đưa ra tuyên bố chung với Tổng thống Philippines Corazon Aquino.

Bà cho biết: "Mỹ sẽ không ngừng tăng cường quan hệ hợp tác với 5 nước đồng minh có quan hệ điều ước là Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines. Sức ảnh hưởng và vị trí lãnh đạo của Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang được thể hiện thông qua những nước này".

Khẳng định này gợi nhắc đến tuyên bố của bà t rong bài phát biểu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hawaii hôm 10/11 : "Khu vực Châu Á là trọng tâm chiến lược ngoại giao của Mỹ trong tương lai. Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ".

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton

Cũng trong tuyên bố này, bà Hillary đã khẳng định Mỹ sẽ mở rộng các mối quan hệ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bằng cách xây dựng các ràng buộc thương mại, tăng cường liên minh và tiếp tục gây áp lực trong việc cải cách dân chủ tại một số nước "độc tài".

Ngoại trưởng Clinton cũng đã dành nhiều thời gian để nói về Trung Quốc và mức độ quan trọng của mối quan hệ hợp tác Mỹ - Trung trong việc đảm bảo đà “tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng toàn cầu trong tương lai”.

Tuy nhiên, theo bà, Trung Quốc trước tiên cần thực hiện các bước cải cách, chẳng hạn như chấm dứt ngay việc phân biệt đối xử bất công với các công ty của Mỹ và các công ty nước ngoài khác, thả nổi đồng Nhân dân tệ, chấm dứt các biện pháp gây bất lợi hoặc vi phạm tài sản sở hữu trí tuệ nước ngoài.

Ngoài ra, bà Clinton cũng đã đưa ra cảnh báo trước việc 11 nhà sư Tây Tạng tự thiêu trong thời gian vừa qua và việc họ biểu tình để phản đối các chính sách của Trung Quốc. Theo Clinton, tình trạng đó ở mức đáng “báo động” và đây cũng là từ mạnh mẽ nhất Mỹ từng sử dụng để nói về các sự cố trên.

Clinton nhấn mạnh: “ Mỹ từng bày tỏ rất rõ ràng về các mối quan ngại sâu sắc của chúng tôi đối với vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc”.

Đối với các nước đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan và Phillipines, bà Clinton nhấn mạnh 3 nguyên tắc: Duy trì đồng thuận về chính trị đối với những giá trị cốt lõi của quan hệ đồng minh; Bảo đảm quan hệ đồng minh linh hoạt và có tính thích nghi để đối phó thành công những thách thức mới cũng như nắm bắt được những cơ hội mới; Bảo đảm khả năng phòng thủ và hạ tầng thông tin liên lạc để có thể ngăn chặn, răn đe bất cứ hành động khiêu khích nào của các nhà nước và thực thể phi nhà nước.

Với Ấn Độ, Mỹ ủng hộ chính sách Hướng Đông của họ, đồng thời xem đây là quốc gia then chốt trong việc ổn định chính trị, an ninh và phát triển kinh tế của khu vực Nam và Trung Á. Mỹ cũng ủng hộ cơ chế 3 bên mới hình thành Mỹ – Nhật – Ấn.

Với Indonesia, Mỹ đã nối lại tập trận và ký một số hiệp định hợp tác. Bà Clinton tiết lộ, Mỹ đang theo đuổi những cơ hội hợp tác ba bên với Mông Cổ, Indonesia, Nhật Bản, Kazakhstan và Hàn Quốc.

Sự lắng xuống của cuộc chiến ở Iraq, việc Mỹ chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan càng khiến Mỹ tập trung nhiều hơn nữa vào châu Á – Thái Bình Dương, khu vực mà bà Clinton cho là nơi quyết định tương lai chính trị toàn cầu.

Theo kế hoạch, bà Hillary Clinton sẽ trở lại Washington vào ngày 19/11 tới.

Kiều Vui - Sáng Nguyễn

Tin liên quan

Nguồn VTC: http://vtc.vn/311-309873/quoc-te/bao-tq-muc-tieu-chien-luoc-cua-my-ro-rang-la-bien-dong.htm