Bảo vệ chủ quyền biển, đảo - Chủ đề xuyên suốt của báo chí

Với thế mạnh chuyên môn tuyên truyền, cái nhìn sâu sắc của các nhà báo, cùng cái tâm thiện hạnh vì lợi ích cộng đồng, các nhà báo đã tạo nên nhiều giá trị mới cho xã hội.

Trường Sa, mảnh đất máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc tại biển Đông, giữ vị trí chiến lược về Kinh tế xã hội, Chính trị và An ninh quốc phòng.

Ở nơi đó các chiến sỹ bộ đội Hải quân cùng nhiều lực lượng đang vượt lên gian khổ ngày đêm canh giữ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc thân thương.

Để kịp thời phản ánh chân thực cuộc sống người lính, các phóng viên, nhà báo đã không quản ngại sóng gió để đến với Trường Sa, được sống cuộc sống của người lính đảo, chia sẻ với các anh những khó khăn, gian khổ.

Phóng viên tác nghiệp trên biển.

Đối diện với sóng gió ghê gớm nhất là những chuyến đi tết. Vào tháng 12 biển thường động, cấp sóng thường là 5-6, có khi đến 7-8. Mỗi chuyến tàu tết thường có đến trên 30 phóng viên ra Trường Sa để kịp ghi lại những mạch đập nóng hổi cùng không khí bộ đội đón tết.

Hành trình dài trên biển, sóng to gió lớn, 2 ngày đêm mới ra đến đảo, rất nhiều phóng viên bị say sóng, đặc biệt là các phóng viên nữ.

Các anh chị không ăn uống được, nằm bệt dưới sàn tàu ăn miếng cơm cháy chống đói. Bởi khi đã say sóng thì thuyền viên thường mách nhau ăn cháy cơm cho đỡ bị say. Mệt mỏi là vậy nhưng khi đến đảo các anh chị liền bật dậy ngay để kịp làm tin.

Thời gian lưu lại trên mỗi đảo ngắn lắm, có đảo chỉ vài tiếng, vậy là cánh báo chí phải tận dụng từng phút giây, tìm kiếm các điển hình để kịp thời phản ánh thông tin.

Phóng viên tác nghiệp tại Đảo Sinh Tồn Đông.

Trên đảo vất vả là vậy, còn với lực lượng làm nhiệm vụ trên biển cũng là mối quan tâm của cánh báo chí mỗi khi được đi cùng hải trình, trong đó phải kể đến cả lực lượng thuyền viên vận hành tàu. Tôi còn nhớ một câu chuyện đã xảy ra hồi cuối năm 2016.

Khi đó, Thuyền trưởng tàu Trường Sa 12 khi đang theo tàu làm nhiệm vụ trên biển, con gái anh ở nhà bị suy não, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng. Anh vô cùng nóng ruột và không biết phải làm sao, thuyền thì đi theo hải trình không thể vào bờ ngay được.

Vợ con ở nhà lại chỉ có một mình, không quen biết ai, không biết phải làm như thế nào. May sao nhờ các phóng viên trên tàu lúc đó kết nối giúp, con anh được khẩn cấp chuyển tới đúng bệnh viện chuyên ngành, cấp cứu kịp thời và không ảnh hưởng đến tính mạng. Sau đó các nhà báo còn phối hợp vận động kinh phí, hỗ trợ cho con anh và gia đình có kinh phí điều trị lâu dài.

Vâng, đó chỉ là những lát cắt nhỏ trong những câu chuyện, những kỷ niệm không bao giờ phai về Trường Sa thân yêu, về các phóng viên, nhà báo đã và đang đóng góp sức mình vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Có thể nói ngoài việc thông tin, tuyên truyền về biển đảo, các nhà báo còn làm tốt công tác kết nối, chăm lo hậu phương những người lính biển, thực hiện các thiện hạnh xã hội, thậm chí nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của những người lính nơi đảo xa.

Đó là các nhà báo Trần Nguyệt Ánh – BTV VTV1, nhà báo Đinh Nghĩa Thương – BTV TTXVN, nhà báo Trần Thái Thủy – Trưởng ban thời sự truyền hình Hà Nội là những điển hình như thế.

Nhà báo Nguyệt Ánh VTV đang tác nghiệp.

Bởi, sau những chuyến thăm quần đảo Trường Sa ngoài việc phản ánh trung thực đời sống người lính, các chị đã tích cực tham gia vào các hoạt động “Chăm lo hậu phương – Vững lòng biển đảo” của CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương – Trung ương đoàn, vận động các nguồn lực xã hội, tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, tặng quà con em cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa.

Đó còn là, nhà báo Nguyễn Mỹ Trà – VOV, nhà báo nữ đầu tiên thực hiện nhiều triển lãm cá nhân ảnh Trường Sa, truyền tải mạnh mẽ hình ảnh Trường Sa tới cộng đồng. Cùng với hoạt động triển lãm chị đã tổ chức nhiều hoạt động vận động nguồn lực xã hội, đóng góp cho Trường Sa bằng những giá trị hết sức thiết thực, nâng cao chất lượng cuộc sống người lính.

Nguyễn Mỹ Trà – VOV, nhà báo nữ đầu tiên thực hiện nhiều triển lãm cá nhân ảnh Trường Sa.

Hay như nhà báo Trần Vũ Thành – Liên hiệp các hội KHKT HN, năm 2014 anh đến thăm và làm việc tại Trường Sa, chứng kiến đời sống người lính thiếu nước ngọt sinh hoạt, có những thời điểm khẩu phần nước ngọt chỉ có 5 lít/người/ngày.

Kết thúc chuyến đi Anh đã tập hợp các nhà khoa học thuộc CLB Trí thức trẻ HN nghiên cứu, chế tạo thành công máy lọc nước biển thành nước ngọt. Năm 2015 đẵ lắp tặng cho đảo Trường Sa Đông.

Nhà báo Trần Vũ Thành trong buổi lễ trao tặng máy lọc nước ngọt cho đảo Trường Sa Đông.

Từ thành công của dự án, hiện nay nhiều máy lọc nước mặn thành nước ngọt đã được chế tạo đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nhiều đối tượng đặc thù như: Các tàu hải quân, tàu cá ngư dân đánh bắt xa bờ, người dân vùng hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long…

Có thể thấy trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, việc kết nối cộng đồng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Với thế mạnh chuyên môn tuyên truyền, cái nhìn sâu sắc của các phóng viên, nhà báo, cùng cái tâm thiện hạnh vì lợi ích cộng đồng, các nhà báo đã tạo nên nhiều giá trị mới cho xã hội.

Song song với nhiệm vụ kịp thời phản ánh, tuyên truyền những vấn đề thời sự, các nhà báo còn đột phá vào các lĩnh vực chuyên môn khác, tạo nên nhiều giá trị giúp những người lính biển vững tâm hơn, hậu phương của họ được chăm sóc tốt hơn, qua đó tăng năng lực bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Lan Chi

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/bao-ve-chu-quyen-bien-dao---chu-de-xuyen-suot-cua-bao-chi_n25620.html