Bảo vệ môi trường bằng kiểm toán xã hội

Quyền lợi của người lao động được bảo vệ tốt hơn nếu được kiểm toán xã hội đánh giá.

Vụ Vedan và mới nhất là Tung Kuang (Hải Dương) xả bậy ra môi trường, cuộc đình công của gần hai vạn công nhân ở Công ty Pouchen..., nhìn ở khía cạnh tích cực, cho thấy đã có cơ hội cho một nghề có thể manh nha phát triển ở Việt Nam, dù nghề này rất phổ biến ở các nước công nghiệp. Đó là nghề đánh giá mức độ tuân thủ trách nhiệm xã hội gọi tắt là nghề kiểm toán xã hội. Kiểm toán xã hội là sự đánh giá hoạt động xã hội và đạo đức của một doanh nghiệp trên các mặt như: tuân thủ pháp luật, an toàn lao động, chế độ làm việc của người lao động, vệ sinh môi trường… Kiểm toán xã hội ra đời đầu tiên ở Mỹ. Nó trở thành một nghề từ năm 1993 khi người ta phát hiện một nhà máy tại California giam giữ công nhân để bắt họ làm việc như tù nhân trong điều kiện lao động tồi tệ và chế độ đãi ngộ ở mức khủng khiếp nhất. Ở Việt Nam, nghề này có mặt từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước nhưng chỉ do một số công ty nước ngoài thực hiện như Bureau Veritas (Pháp), ITS, STR (Mỹ)… Ý thức tiêu dùng phải cao Một nhân viên kiểm toán xã hội, ông Đặng Thanh Tuấn, cho biết để nghề này phát triển thì một là ý thức của người tiêu dùng cao, hai là hệ thống pháp luật được đảm bảo thi hành. “Người tiêu dùng có ý thức cao là người không chỉ quan tâm tới chất lượng và giá cả mà còn rất quan tâm tới việc sản phẩm được làm ra như thế nào” - ông Tuấn nói. Tại các nước phát triển, người ta sẵn sàng tẩy chay một sản phẩm nếu biết việc sản xuất ra nó sử dụng lao động trẻ em, hay gây ảnh hưởng độc hại đến môi trường. Chỉ cần một lần vi phạm bị phát hiện, cả một thương hiệu nổi tiếng có thể đi tong. Vì thế, các công ty, nhất là thương hiệu lớn phải hết sức giữ gìn trách nhiệm xã hội của họ. Trong khi đó, theo ông Tuấn, điều kiện này ở nước ta chưa được đảm bảo, đại đa số người dân có thói quen tiêu dùng dễ dãi. Quyền lợi của người lao động trong các ngành thủ công mỹ nghệ, da giày, may mặc... sẽ được bảo vệ tốt hơn nếu có kiểm toán xã hội. (Ảnh minh họa) Ảnh: HTD Nhiều năm nay, người sử dụng sản phẩm nhôm của Tung Kuang có lẽ không biết doanh nghiệp này có hành động gây ô nhiễm môi trường bằng việc xả nước thải độc hại vào sông Cầu Ghẽ. Song nếu biết, cũng không chắc sẽ có những phong trào tẩy chay hàng nhôm Tung Kuang. Với trường hợp Vedan cũng vậy. Thực thi pháp luật phải mạnh Điều kiện thứ hai là mức độ thực thi pháp luật. Theo một chuyên gia kiểm toán xã hội của STR Ltd. (có văn phòng ở TP.HCM), Bộ luật Lao động của Việt Nam khá chặt chẽ và nếu được chấp hành nghiêm chỉnh sẽ bảo vệ tốt quyền lợi của người lao động: “Kiểm toán xã hội trong bối cảnh Việt Nam thực ra không có gì khác hơn là cụ thể hóa chính những gì đã được miêu tả trong Bộ luật Lao động nhưng cụ thể và chi tiết hóa tới những điểm nhỏ nhất. Chẳng hạn, nhà máy phải đảm bảo trả đủ tiền cho nhân viên của mình, làm thêm dù chỉ 30 phút ngoài giờ cũng phải trả tiền”. Vấn đề ở Việt Nam là có khi luật không được đảm bảo thực thi do chủ doanh nghiệp cố tình vi phạm, hoặc do không hiểu luật. Ví dụ rất đơn giản là việc giữ bằng cấp gốc của nhân viên. Tuân thủ trách nhiệm xã hội có một yêu cầu rất quan trọng là “không cưỡng bức lao động”. Giữ bằng cấp gốc là một trong những dấu hiệu nghiêm trọng sẽ bị quy kết ngay là có “cưỡng bức lao động”. Về vấn đề an toàn lao động, nhiều nhà máy chỉ cung cấp cho công nhân trang thiết bị lao động mà không nghiêm khắc yêu cầu và duy trì việc họ sử dụng trang thiết bị đó. Các biện pháp đôi khi rất nửa vời: Bọc răng cưa, bánh đà nhưng không bọc hết, hậu quả là đã có không ít trường hợp nhân viên nữ bị cuốn tóc vào máy, gây tử thương. Trách nhiệm công dân Khác với pháp luật về lao động được các chuyên gia đánh giá là “tiến bộ, bảo vệ quyền lợi của người lao động”, các luật liên quan đến môi trường ở ta còn đơn giản với khung hình phạt còn khá nhẹ. Theo ông Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường “sơ sài, đơn giản, không để ý đến mức độ tàn phá môi trường của doanh nghiệp, chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế”. Theo các chuyên gia kiểm toán xã hội, khi kinh tế suy thoái, nhiều ngành nghề bị giảm lợi nhuận. Để duy trì mức lãi cao, các công ty sẽ ép chi phí bằng mọi cách, phổ biến nhất là đánh vào túi tiền của người lao động - lương nhân viên; hoặc cắt giảm chi phí bảo vệ môi trường, từ đó tiến tới tàn phá môi trường. Tuy vậy, từ những sự việc của Vedan, Tung Kuang, Pouchen… vừa qua có thể thấy cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam đang bắt đầu ý thức hơn về các vấn đề liên quan đến môi trường, đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nói cách khác, người tiêu dùng đã bắt đầu ý thức được trách nhiệm công dân của mình. “Nếu thấy dấu hiệu gây ô nhiễm, người dân hãy gọi cho cảnh sát môi trường. Hãy gọi cho chúng tôi. Và hãy gọi cho phóng viên, nhà báo” - ông Đặng Thanh Tuấn nói. “Ý thức của người tiêu dùng, một hệ thống pháp luật chặt chẽ, cả hai điều kiện này có được đáp ứng hay không là nhờ vào một hệ thống giám sát và cảnh báo, mà đại diện là những nhà báo luôn tìm kiếm thông tin và phát hiện các vấn đề từ khi mới manh nha hình thành”. Ô nhiễm đến mức đáng sợ Những ngành bị liệt vào dạng “nguy cơ cao” là gỗ, da giày, may mặc, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm… Tôi từng tham gia đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội ở nhiều nhà máy gỗ, tôi thấy ô nhiễm tới mức đáng sợ. Bụi gỗ, bụi bào bay mù mịt. Bản thân người làm trong nhà máy hít phải chưa đủ, nhà máy còn làm khổ cả người dân xung quanh nữa. Ông ĐẶNG THANH TUẤN, nhân viên kiểm toán xã hội Toàn phải thuê nước ngoài Khi những tập đoàn như Adidas, Nike có nhu cầu đặt hàng các công ty Việt Nam gia công sản phẩm, một trong những việc đầu tiên họ làm là thuê công ty kiểm toán xã hội để độc lập đánh giá về đơn vị gia công xuất khẩu phía Việt Nam. Do chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào hoạt động trong ngành kiểm toán xã hội nên lâu nay các công ty được thuê đều là của nước ngoài. Chẳng hạn, Bureau Veritas, STR, Global MFG… đã được thuê để tiến hành nhiều dự án đánh giá, chủ yếu là đánh giá các nhà máy gia công xuất khẩu cho thị trường Mỹ và châu Âu. ĐOAN TRANG

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100417113758127p0c1013/bao-ve-moi-truong-bang-kiem-toan-xa-hoi.htm