Bảo vệ môi trường theo cách của phụ nữ Phước Thịnh

Nhằm vận động gia đình hội viên, phụ nữ tích cực tham gia có hiệu quả cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch và hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, năm 2022, Chi hội Phụ nữ khu phố Phước Thịnh (thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa) đã triển khai mô hình Phế liệu an sinh. Mô hình góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời gây quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Hội viên, phụ nữ khu phố Phước Thịnh (thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa) tổ chức phân loại phế liệu để bán gây quỹ. Ảnh: THÁI HÀ

Hội viên, phụ nữ khu phố Phước Thịnh (thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa) tổ chức phân loại phế liệu để bán gây quỹ. Ảnh: THÁI HÀ

Tạo nguồn quỹ giúp phụ nữ, trẻ em nghèo

Vận động hội viên, phụ nữ xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, thu gom rác thải tái chế để bán gây quỹ, Chi hội Phụ nữ khu phố Phước Thịnh đã dùng số tiền thu được làm những việc tử tế, nhân văn.

Theo quy chế hoạt động của mô hình, hằng quý, các thành viên tham gia sẽ tập hợp, thu gom vỏ lon bia, nước ngọt, bao bì giấy và các loại phế liệu khác của gia đình và những người xung quanh đến điểm tập kết của mô hình để phân loại, cân bán phế liệu gây quỹ an sinh xã hội. Công việc này được triển khai gắn với việc phân loại rác thải tại nguồn nên rất thuận lợi cho việc thu gom.

Bà Huỳnh Thị Thu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố Phước Thịnh cho biết: Đây là hoạt động tự nguyện, không quy định số lượng thu gom. Dù vậy, các chị đã thu gom tích cực, không chỉ vật dụng hư hỏng, các lon nhôm, chai lọ… trong gia đình mà còn vận động các nhà xung quanh, nhặt phế liệu cả lúc đi chợ, lúc đi tập thể dục và gom ở các nhà có đám tiệc. Nhờ đó, mô hình phát huy hiệu quả tích cực, số lượng rác thải tái chế thu gom ngày càng nhiều, tạo được nguồn quỹ để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo tại địa phương.

Cũng theo bà Thu, trung bình mỗi lần thu gom và phân loại, chi hội thu được từ 200.000-400.000 đồng. Sau 2 năm triển khai mô hình, số tiền thu được trên 7 triệu đồng. Chi hội đã trao số tiền trên cho 7 phụ nữ khó khăn bệnh tật và 5 trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

“Hoạt động này dù nhỏ, bình dị, nhưng mang nhiều ý nghĩa tích cực với cộng đồng. Điều đáng ghi nhận là mô hình đã lồng ghép việc thực hành tiết kiệm với các hoạt động xã hội từ thiện, tạo sự gắn bó giữa hội viên, phụ nữ cũng như lan tỏa nhiều hơn tinh thần nhân văn, tình làng nghĩa xóm trong đời sống cộng đồng”, bà Thu cho biết.

Thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường

Không chỉ gây quỹ hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, hoạt động của mô hình còn góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và người dân về việc sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, qua mô hình, mỗi hội viên còn là tuyên truyền viên tích cực vận động người thân và gia đình thực hiện hiệu quả phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Năm 2023, mô hình Phế liệu an sinh của Chi hội Phụ nữ khu phố Phước Thịnh được Hội LHPN tỉnh đánh giá là gương điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt mô hình bảo vệ môi trường.

Chị Lê Thị Kim Huê, hội viên phụ nữ khu phố Phước Thịnh cho biết: “Trước đây, người dân khu phố có thói quen bỏ cả rác thải sinh hoạt, rác tái chế vào thùng rác hoặc đổ ra các quãng đường vắng, gây ô nhiễm môi trường. Khi tham gia mô hình, chúng tôi được chi hội vận động phân loại rác hữu cơ để tập trung vào hố nhỏ, ủ thành phân bón cho rau và cây cảnh; rác tái chế được gom vào một giỏ riêng để bán gây quỹ. Từ khi phân loại, tôi nhận thấy rác thải ra môi trường thực sự không còn nhiều. Mỗi người chỉ cần thêm vài bước phân loại nho nhỏ đã mang lại hiệu quả rất lớn, đỡ công việc cho người thu gom rác, đỡ thải rác ra môi trường. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hội viên khác cũng nhận thấy ý nghĩa của mô hình nên nhiệt tình tham gia. Kết quả là đến nay, rác thải trên các tuyến đường, khu dân cư được thu gom sạch sẽ, không còn tình trạng người dân xả rác bừa bãi nữa”.

Nói về hiệu quả mô hình của khu phố Phước Thịnh, chị Trương Thị Ngọc Diệu, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Phú Thứ cho biết: Thời gian qua, Hội LHPN thị trấn Phú Thứ không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, chia sẻ mục đích, ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn, thu gom phế liệu để góp phần làm cho địa phương sạch hơn mà chúng tôi còn xây dựng được nhiều tuyến đường hoa, tạo nên những con phố nhiều màu sắc, vừa làm đẹp, vừa nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường sống.

Riêng mô hình Phế liệu an sinh, Hội LHPN thị trấn Phú Thứ tiếp tục nhân rộng trên một số khu phố khác. Nguồn kinh phí thu được từ mô hình tuy không nhiều, nhưng đã hỗ trợ cho hoạt động hội, tạo dấu ấn riêng trong phong trào phụ nữ cơ sở.

Bà Lương Thị Bạch Huệ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Hòa khẳng định: Các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn của các cấp hội LHPN huyện Tây Hòa, trong đó có mô hình của Chi hội Phụ nữ khu phố Phước Thịnh đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ về trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân trong việc chung tay giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện với môi trường.

Bằng những phong trào, hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, hội LHPN cơ sở đã và đang cùng với địa phương nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của phụ nữ nói riêng và người dân nói chung trong việc tham gia giữ gìn, bảo vệ môi trường.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/316578/bao-ve-moi-truong-theo-cach-cua-phu-nu-phuoc-thinh.html