BẢO VỆ NHÀ BÁO TÁC NGHIỆP ĐÚNG PHÁP LUẬT

Dư luận hoan nghênh Công an huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về các tội: Chống người thi hành công vụ; hủy hoại tài sản và ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng có hành vi cản trở, tấn công phóng viên đang tác nghiệp tại địa bàn xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, ngày 13-6.

Nhóm phóng viên VTV bị ô tô đâm, nghiền nát máy quay khi đang tác nghiệp. Ảnh: dantri.com.vn

Hành vi ngang ngược, coi thường pháp luật của đối tượng đã cản trở, gây nguy hiểm cho phóng viên, vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí, gây bức xúc không chỉ trong đội ngũ những người làm báo, mà còn trong dư luận xã hội.

Luật Báo chí năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017 đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, bất cập trước đó, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động báo chí ở nước ta. Theo Luật Báo chí năm 2016, một trong những hành vi bị nghiêm cấm, là: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, không ít cá nhân, tổ chức còn xem thường quy định của pháp luật; cố tình cản trở, đe dọa, hành hung nhà báo khi tác nghiệp, nhất là khi các cơ quan báo chí tích cực vào cuộc, đi đầu, kiên quyết đưa ra ánh sáng những vụ án, những biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo vệ lẽ phải; góp phần thúc đẩy các cơ quan thanh tra, điều tra… xử lý các vụ việc nhanh hơn, bảo đảm đúng pháp luật. Đặc biệt, khi cơ quan báo chí và phóng viên phát hiện, điều tra, đưa thông tin về các vụ án tham nhũng lớn, hành vi tiêu cực liên quan đến nhóm lợi ích và người “có thế lực”… thì họ càng phải đối mặt với nguy cơ rủi ro, bị cản trở khi tác nghiệp và đe dọa, hành hung, trả thù...

Luật Báo chí cũng như các quy định khác của pháp luật có liên quan tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ và chặt chẽ về bảo vệ nhà báo hành nghề hợp pháp, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các quy định đó được thực thi có hiệu quả, nghiêm minh hay không, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có Luật Báo chí; là việc giữ nghiêm kỷ cương phép nước; là việc các cơ quan hữu trách có khẩn trương, làm hết trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các vụ việc nhà báo bị xâm hại, hành hung, cản trở khi tác nghiệp? Thực tế thời gian qua xảy ra không ít các vụ việc hành hung, đe dọa, cản trở nhà báo tác nghiệp, gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận và giới báo chí, nhưng tỷ lệ vụ việc được điều tra, xử lý “đến nơi đến chốn” còn khiêm tốn.

Luật Báo chí năm 2016 bảo hộ quyền tác nghiệp của nhà báo. Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Báo chí ngay trong cơ quan, đội ngũ của mình, để các phóng viên, nhà báo tác nghiệp đúng quy định của pháp luật; đồng thời tuyên truyền sâu rộng, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về Luật Báo chí, bảo vệ và tạo điều kiện cho phóng viên hoạt động nghiệp vụ đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan nhà nước cần thực hiện quy chế phát ngôn theo quy định của pháp luật, bảo đảm nguồn thông tin chính thống, tạo điều kiện cho báo chí thực hiện nhiệm vụ thuận lợi, an toàn, hiệu quả.

Vai trò của Hội Nhà báo các cấp cũng hết sức quan trọng, nhất là việc lên tiếng kịp thời bảo vệ quyền lợi, tính mạng, sức khỏe của hội viên, phóng viên; chia sẻ những khó khăn mà nhà báo gặp phải trong quá trình tác nghiệp; đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi tấn công, cản trở nhà báo hoạt động, cố tình hủy hoại tài sản Nhà nước…

Để giảm tối đa các vụ cản trở, hành hung nhà báo, cơ quan báo chí cần phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có kế hoạch bảo vệ phóng viên khi tiến hành điều tra, thu thập tin tức… ở các địa bàn dễ xảy ra nguy hiểm. Bên cạnh đó, mỗi phóng viên phải không ngừng học hỏi, trang bị cho mình kiến thức pháp luật, nhất là nắm vững Luật Báo chí; thường xuyên trau dồi đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ, tránh để xảy ra sai sót, vi phạm trong quá trình tác nghiệp.

ANH QUÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/bao-ve-nha-bao-tac-nghiep-dung-phap-luat-510238