Bảo vệ tiếng Việt và chuyện... leo cột mỡ

- Nhiều người lo ngại về thực trạng của tiếng Việt hiện nay. Là một nhà ngôn ngữ học, PGS.TS Phạm Văn Tình lại có một cái nhìn rất biện chứng về hiện tượng này.

Không buồn mà chỉ tiếc Là người nghiên cứu ngôn ngữ, trước sự lộn xộn của tiếng Việt trong thời gian gần đây, ông có buồn không? Nói là buồn cũng không hẳn. Tôi thấy băn khoăn và hơi tiếc. Tiếng Việt đang bị xâm lấn bởi ngôn ngữ mạng, bởi tiếng Anh... Tuy nhiên, tôi thấy đó là điều bình thường, bởi ngôn ngữ là một dòng chảy. Nó luôn có sự thay đổi giao thoa và chuyển di. Do bối cảnh, do sự phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật, sự giao lưu, hòa trộn giữa các nền văn hóa, ngôn ngữ cũng không nằm ngoài biến động chung đó. Vấn đề là đứng trước hiện thực ấy, tự thân mỗi ngôn ngữ chấp nhận như thế nào. Tất nhiên, trong xu thế chung, ta không thể "bế quan tỏa cảng" để giữ mình được. Cũng bởi khi đã chủ động hội nhập, chúng ta phải chấp nhận tuân thủ "luật chơi". Hai bên thâm nhập lẫn nhau, bên nào mạnh hơn, có bản lĩnh hơn sẽ lấn át bên kia. Nếu chúng ta không biết đón nhận thì sẽ bị loại bỏ. Nhưng đáng lo ngại là hiện có vẻ tiếng Anh đang lấn át? Trẻ con học tiếng Anh từ khi chưa đi học... Điều đó cũng tốt chứ. Sẽ rất thuận lợi nếu chúng ta sử dụng thành thạo tiếng Anh. Không chỉ riêng ta "mê" tiếng Anh mà cả thế giới cùng mê. Mặc dù tiếng Hán của người Trung Quốc là thứ tiếng có nhiều người nói nhất trên thế giới, nhưng cũng không chiếm ưu thế bằng tiếng Anh. Người Pháp khư khư bảo vệ "tiếng của Victor Hugo, của La Fontaine..." nhưng rồi cuối cùng cũng phải chấp nhận coi tiếng Anh như một "song ngữ không chính thức"... Điều quan trọng là nếu học tiếng Anh (để cố hòa nhập cho được) mà quên tiếng Việt thì vô hình trung ta đang bị "đồng hóa" tự nguyện. Đừng hy vọng học ngoại ngữ giỏi nếu tiếng mẹ đẻ của chúng ta tồi. Có phải vì vậy mà dư luận cho rằng cần phải có Luật bảo vệ tiếng Việt? Vấn đề là luật thì phải có các điều khoản chế tài chặt chẽ, dựa trên các quy định ngôn ngữ mang tính điển chế, có thế ta mới có cơ sở để "bắt lỗi" mà phạt chứ... Mà tiếng nói thì khó phân định lắm. Trước mắt, chúng ta chỉ có thể ban hành Pháp lệnh về việc bảo vệ tiếng dân tộc, để nhắc nhở, khuyến khích mọi người có ý thức quan tâm đến việc giữ gìn tiếng Việt. Chúng ta cũng đã xới lên vấn đề phải bảo vệ tiếng Việt, nhưng đáng tiếc là lại "chìm nghỉm" luôn. Tôi có cảm giác là ta đang "leo cột mỡ", leo một đoạn lại tụt một đoạn. Cuối cùng lại trở về chân cột (cười). Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì? Nói một cách khoa học, ngôn ngữ giống một cơ thể sống, có sự chọn lọc tự nhiên, loại đi những nhân tố bất hợp lý, giữ lại các yếu tố tích cực. Là một hệ thống mở, ngôn ngữ có cơ chế tự điều chỉnh, dần dần loại đi những cái không phù hợp... Nhiệm vụ của chúng ta là không ngồi chờ sự loại bỏ của xã hội theo hướng "chọn lọc tự nhiên" mà phải có chiến lược phù hợp để điều chỉnh và định hướng cho ngôn ngữ phát triển lành mạnh, tránh những hiện tượng có thể làm "lệch" các xu hướng tích cực. Mà việc này không thể chỉ nằm trong tay nhà ngôn ngữ. Phải có sự "đồng tâm hiệp lực" của toàn xã hội với sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước. Người trẻ cũng có cái lý của họ Tôi thấy những người có ý bảo vệ tiếng Việt đều là những người lớn tuổi, còn lớp trẻ dường như rất hào hứng với cái mới và tỏ ra "đứng ngoài cuộc"? Đúng là trong giới trẻ nhiều người còn cho các ý kiến đó là bảo thủ, cổ hủ. Nhưng lớp trẻ lại là số đông và họ cũng có lý của họ đấy. Không phải cái gì mới cũng là xấu. Những người trẻ thường thông minh, hiểu biết nhiều, tiếp cận nhanh với cái mới. Nhưng họ cũng có hạn chế là bồng bột, thích đổi mới "phá cách", thích thể hiện "cái tôi", không cân nhắc, thường thích nói theo nhau. Ví dụ, hiện nay các bạn trẻ rất thích sáng tác và hát các bài hát với ca từ "vô nghĩa, vô duyên, nhạt nhẽo...", thích nói theo lối xuyên tạc tếu táo... Nhưng chính trên sách báo có nơi người ta cũng dùng cách nói này? Người ta vẫn đưa cả lên sách báo để cho thấy sự phong phú của ngôn từ trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều này lại khiến nhiều người cảm thấy hình như xã hội cũng bỏ qua (thậm chí cổ xúy) việc đó. Theo tôi, nên thận trọng khi đưa lên báo chí. Vì dư luận luôn coi báo chí là căn cứ để hướng theo. Nếu không có việc xử phạt thì xem chừng để kêu gọi mọi người giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng khó lắm. Có những cái còn hơn cả luật. Khi người ta thấy bị đánh giá kém về văn hóa thì tự nhiên như một phản xạ, họ sẽ tự điều chỉnh thôi. Văn hóa ngôn từ làm cho người nói tự thấy ngượng thì sẽ không phát ngôn như thế, không hành xử như thế nữa. Càng tìm hiểu về ngôn ngữ tôi càng thấy phức tạp và cứ như rơi vào mớ bòng bong. Ông có tiếc là đã chọn ngành ngôn ngữ này không? (Hơi trầm ngâm) Ngày trước tôi đang học ngành văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) thì đi bộ đội. Khi về thì chuyển sang học ngành ngôn ngữ (và phải học lại từ đầu) vì tôi thấy ngôn ngữ học mới mẻ và cũng hay, cần tính chính xác cao hơn. Ngôn ngữ học là một môn "đứng gần" khoa học tự nhiên nhất trong các ngành khoa học nhân văn. Hơn nữa, tôi thích tiếp cận với tiếng Việt, nắm hết được cái hay, cái "cốt cách" tận cùng của tiếng Việt. Thực sự là đến nay tôi thấy mình đã lựa chọn hoàn toàn đúng. Hài lòng và hối tiếc Ông hài lòng nhất về điều gì trong sự nghiệp của mình? Góp được một phần nhỏ bé trong việc thiết lập một "kênh" phổ biến kiến thức ngôn ngữ học cho xã hội qua báo chí. Càng ngày tôi càng thấy yêu ngôn ngữ học và tiếng Việt. Chính tình yêu đó đã động viên tôi vượt qua nhiều khó khăn, vất vả. 12 cuốn sách và hơn một ngàn bài viết về ngôn ngữ trên các báo của tôi trong vòng 10 năm trở lại đây đã nói lên điều đó. Và ông hối tiếc nhất điều gì? Có một điều tiếc của tôi còn lớn hơn cả một nỗi buồn. Trước đây tôi có làm thư ký tòa soạn cho tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống (của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam). Khi đó tôi tình cờ có quen, giúp đỡ bồi dưỡng cho một cô học sinh chuyên văn suốt 6 năm trời. Tôi rất hy vọng cô bé sẽ vào ngành ngôn ngữ học theo nghiệp mình. Khi thi học sinh giỏi văn toàn quốc năm cuối cấp, bạn ấy đã đoạt giải, được quyền chọn học bất cứ trường đại học nào. Sau một thời gian "đấu tranh tư tưởng”, bạn ấy đã chọn học trường Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Một trường đang rất "nóng". Tôi thấy buồn vì ngôn ngữ học hình như vẫn chưa nhận được sự tôn trọng đúng mức trong "thang giá trị" của xã hội. Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị này. Nhật Minh (thực hiện)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1988/201003/Bao-ve-tieng-Viet-va-chuyen-leo-cot-mo-1742753/