Bắt 2 đối tượng trong đường dây 'bán lao động đi biển'

Qua quá trình điều tra, Công an TP.Vũng Tàu đã bắt được 2 đối tượng trong đường dây 'bán lao động đi biển' giải cứu 5 lao động là nạn nhân của đường dây này.Điều 157 – Bộ luật hình sự năm 2015 về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật:

Thông tin mới nhất liên quan đến đường dây "bán lao động đi biển" tin tức đăng tải trên báo Thanh Niên cho biết, ngày 21/4, Cơ quan CSĐT Công an TP.Vũng Tàu đã tạm giam Phạm Đức Bình (quê Kiên Giang) và Nguyễn Tấn Sỹ (quê TP.HCM) để điều tra về hành vi Bắt giữ người trái pháp luật.

Quá trình điều tra xác định, giữa năm 2016 Bình móc nối với những người chạy xe ôm ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành đưa người có nhu cầu tìm việc làm về TP.Vũng Tàu đi biển đánh bắt hải sản. Mỗi lao động được đưa xuống TP.Vũng Tàu, Bình trả tiền công cho xe ôm 3 triệu đồng.

Đối tượng Nguyễn Tấn Sỹ và Phạm Đức Bình - Ảnh: báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Sau đó, Bình bắt người lao động ký giấy vay nợ và đem về nhốt tại một căn nhà trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Vũng Tàu). Bình thuê Sỹ và một số người khác canh gác không cho người lao động ra ngoài. Trong những ngày bị nhốt chờ đi biển, mỗi lao động bị Bình tính 100.000 đồng/ngày tiền ăn uống và chi phí sinh hoạt.

Sau khi kết nối được các chủ tàu, Bình bắt người lao động đi biển để lấy tiền trả nợ. Nếu lao động nào không chấp hành thì bị Bình và đồng bọn đe dọa và đánh đập.

Liên quan đến vụ việc này, báo Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn lời đại tá Đoàn Minh Quyết, Trưởng Công an TP.Vũng Tàu cho biết, cơ quan công an đã điều tra làm rõ hành vi Bắt giữ người trái pháp luật của Bình và Sỹ, phối hợp với Đồn Biên phòng Bến Đá (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh) giải cứu 5 lao động là nạn nhân của Bình và đồng bọn.

Công an TP.Vũng Tàu cũng đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ, công an các phường, xã tổ chức tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng đến các chủ ghe và bà con ngư dân; đồng thời yêu cầu các chủ ghe, tàu không được câu kết với các đối tượng “cò” lao động để thực hiện hành vi bắt, giữ người trái pháp luật. Cơ quan Công an cũng khuyến cáo người dân khi có nhu cầu tìm việc làm ở lĩnh vực này, cần trực tiếp liên lạc với chủ ghe hoặc các tổ chức môi giới lao động được pháp luật cho phép để tìm việc làm để bảo đảm quyền lợi của chính của mình.

Điều 157 – Bộ luật hình sự năm 2015 về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật:

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho gia đình người bị giam, giữ lâm vào tình trạng khó khăn, quẫn bách;

h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật chết hoặc tự sát;

b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật 46% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

(Tổng hợp)

Vũ Hạnh

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/bat-2-doi-tuong-trong-duong-day-ban-lao-dong-di-bien-a187989.html