Bất an với tai biến y khoa

Không chỉ có người bệnh lo lắng, bất an về nguy cơ tai biến, sự cố có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong quá trình điều trị mà ngay cả không ít y sĩ, bác sĩ cũng lo ngại tai biến y khoa.

Hàng loạt sự cố, tai biến y khoa xảy ra tại nhiều địa phương, từ vụ tai biến chạy thận tại Hòa Bình làm 8 bệnh nhân tử vong, cho tới các vụ tai biến trong lĩnh vực sản khoa, tiêm chủng, thẩm mỹ và mới đây nhất là hàng chục trẻ em ở Hưng Yên bị sùi mào gà sau khi được chích hẹp bao quy đầu, đang khiến cho người dân cảm thấy bất an, trong đó người bệnh phải gánh chịu những hậu quả nặng nề về sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

Với nhiều người bệnh khi tới bệnh viện dù công lập hay tư nhân, tuyến huyện hay trung ương, tất cả đều mong muốn được chữa khỏi bệnh, nhưng thực tế có không ít trường hợp bị tai biến, thậm chí chữa “lợn lành thành lợn què”.

Không chỉ có người bệnh lo lắng, bất an về nguy cơ tai biến, sự cố có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong quá trình điều trị mà ngay cả không ít y sĩ, bác sĩ cũng lo ngại tai biến y khoa. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều bác sĩ cho rằng, tai biến, sự cố y khoa là những rủi ro, tai nạn nghề nghiệp khó tránh khỏi đối với người làm nghề y dù không một y sĩ, bác sĩ hay bệnh viện nào mong muốn.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, ngoài những tai biến bất khả kháng, không mong muốn thì cũng có không ít nguyên nhân dẫn tới tai biến y khoa. Trong đó tình trạng bệnh viện quá tải là một trong nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các tai biến, sự cố y khoa. Bởi lẽ, áp lực quá tải tại bệnh viện gây ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, có thể khiến bác sĩ tiêm nhầm cho người bệnh hoặc nhầm phác đồ điều trị.

Cùng với đó, các yếu tố như: trình độ chuyên môn của y sĩ, bác sĩ nhất là tuyến dưới còn hạn chế, khám bệnh qua loa, cẩu thả, không chu đáo, cẩn thận, xem thường tình trạng sức khỏe của người bệnh... cũng là những lý do rất dễ dẫn tới tai biến y khoa.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện chủ động báo cáo và có giải pháp kịp thời khắc phục ngay các sự cố y khoa, cũng như khẩn trương xác định nguyên nhân cụ thể, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra với người bệnh để có biện pháp giảm thiểu sai sót và phòng ngừa rủi ro trong quá trình khám chữa bệnh.

Về lâu dài, Bộ Y tế đang tập trung xây dựng Thông tư hướng về quản lý rủi ro, sự cố y khoa tự nguyện, trong đó chú trọng việc thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo rủi ro sự cố bắt buộc và tự nguyện trong bệnh viện. Đồng thời chú trọng việc thiết lập tổ chức chứng nhận chất lượng bệnh viện độc lập thực hiện việc đánh giá, giám sát, kiểm định chất lượng bệnh viện một cách khách quan và được chuẩn hóa.

MINH KHANG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bat-an-voi-tai-bien-y-khoa-458202.html