Bất cập trong cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo

Cấp miễn phí thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo, cận nghèo là việc làm rất thiết thực và ý nghĩa. Nhờ có thẻ BHYT mà hàng triệu người bệnh có hoàn cảnh khó khăn được chữa trị kịp thời, gia đình bớt đi gánh nặng kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp người nghèo, cận nghèo phải chịu thiệt thòi do còn một số bất cập trong việc cấp thẻ BHYT.

Bị mắc bệnh suy thận đã gần 10 năm, tháng nào anh Bùi Văn Chức, xã Quy Mông (huyện Trấn Yên, Yên Bái) cũng phải đến Bệnh viện đa khoa thành phố Yên Bái để chạy thận nhân tạo. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tấm thẻ BHYT được cấp miễn phí thật sự là chiếc “phao cứu sinh” đối với anh. Anh Chức tâm sự: “Thẻ BHYT rất quan trọng đối với tôi. Nếu không có nó, tôi không thể chữa bệnh được, vì bệnh của tôi điều trị quá tốn kém mà gia đình lại nghèo”.

Không chỉ riêng anh Chức, mà hầu hết người bệnh phải nằm viện điều trị trong thời gian dài đều thấy được “tầm quan trọng” của tấm thẻ BHYT. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Yên Bái được cấp BHYT là 100%. Đối với hộ cận nghèo, ngoài 70% mức đóng BHYT được Nhà nước hỗ trợ, thì dự án NORRED (dự án hỗ trợ y tế các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới) hỗ trợ 20%, tổ chức phi chính phủ EU hỗ trợ 10% còn lại.

Hầu hết các tỉnh miền núi như Yên Bái còn nhiều khó khăn. Tại các xã vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ cao. Những lúc ốm đau, bệnh nặng, bà con gặp rất nhiều khó khăn trong việc khám, chữa bệnh, nhất là khi không có thẻ BHYT. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, hộ cận nghèo cũng được hỗ trợ 100% mua thẻ BHYT. Dù đã được Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, thì 30% còn lại vẫn cao so với thu nhập của hộ cận nghèo. Đến nay, nhiều hộ cận nghèo vẫn chưa thể tham gia BHYT.

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp mấy tháng đầu năm, nhiều bệnh nhân nghèo lại gặp khó khăn vì phải tự chi trả viện phí do bị chậm cấp thẻ BHYT. Theo phản ánh của bạn đọc, tính đến tháng 4-2017, nhiều hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Đác Nông vẫn chưa được cấp thẻ BHYT. Trong khi bệnh viện chỉ thanh toán bảo hiểm cho bệnh nhân có thẻ BHYT còn thời hạn sử dụng. Phải tự thanh toán toàn bộ chi phí thuốc men, tiền viện phí... thật sự là gánh nặng quá lớn đối với người nghèo, nhất là khi bệnh nặng, phải điều trị dài ngày.

Hằng năm, việc cấp thẻ BHYT cho trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo được tiến hành dựa trên danh sách xác lập từ các cuộc họp bình xét tại thôn, xóm. Danh sách này lại phụ thuộc vào kết quả rà soát của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và được UBND các cấp phê duyệt. Theo quy định thì việc rà soát hộ nghèo và cận nghèo phải kết thúc trong tháng 11 hằng năm, nhưng thực tế thường chậm hơn nhiều. Năm 2016, 2017, rất nhiều địa phương đến cuối tháng ba mới có danh sách hộ cận nghèo để làm cơ sở cấp thẻ BHYT mới, trong khi thẻ BHYT cũ đã hết hạn từ ngày 31 tháng 12 của năm trước. Cho đến khi thẻ BHYT đến tay người dân thì chỉ còn giá trị dưới chín tháng. Thậm chí có trường hợp, khi nhận được tấm thẻ BHYT thì đã gần hết hạn sử dụng.

Việc chậm cấp thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo kéo theo nhiều thiệt thòi cho người thụ hưởng do thời gian sử dụng bị rút ngắn. Nhất là khi bị ốm đau phải nằm viện điều trị mà thẻ BHYT cũ đã hết hạn, thẻ BHYT mới thì chưa được cấp, người bệnh phải tự thanh toán toàn bộ tiền thuốc men, viện phí. Việc này không chỉ xảy ra một lần mà cứ bị lặp đi lặp lại hằng năm vì năm nào danh sách cũng phải phê duyệt lại. Không chỉ chậm cấp thẻ BHYT, nhiều địa phương còn xảy ra tình trạng cấp trùng thẻ, in sai thông tin, có khi nhầm cả tên, tuổi, giới tính, khiến người sử dụng gặp nhiều phiền toái.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, phê duyệt danh sách hộ cận nghèo hằng năm ở từng địa phương. Danh sách phê duyệt hộ cận nghèo có thể giữ ổn định cho vài năm để không phải năm nào cũng phê duyệt lại hoặc danh sách phê duyệt cho năm nay được sử dụng để cấp thẻ BHYT cho năm sau. Cơ quan bảo hiểm xã hội nên điều chỉnh quy định hiện hành là thẻ BHYT có giá trị đến ngày 31-12 bằng quy định thẻ có giá trị sử dụng đủ 12 tháng kể từ khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh để tránh thiệt thòi cho người thụ hưởng. Chính quyền các địa phương cũng nên chủ động, tích cực tạo nguồn hỗ trợ 30% mức đóng còn lại để người cận nghèo được cấp thẻ BHYT.

“Trong giai đoạn giao thời, để bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho người bệnh, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của hai ngành y tế và bảo hiểm xã hội ở các địa phương. Cơ quan bảo hiểm xã hội nên có xác nhận bằng văn bản có giá trị thay thế thẻ BHYT cho các trường hợp bị chậm cấp lại thẻ và người có tên trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo nhưng đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Lê Phiên

(TP Yên Bái, Yên Bái)
“Mặc dù ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT đối với đối tượng cận nghèo nhưng nhiều người thuộc đối tượng này vẫn không có khả năng tham gia”.

Trần Thị Luyên

(TP Kon Tum, Kon Tum)

“Việc cấp phát thẻ BHYT cho đối tượng người nghèo vùng sâu, vùng xa thường xuyên bị chậm, nhiều nơi cán bộ thôn, bản nhận thẻ về nhưng không cấp phát ngay cho người dân”.

Phạm Bích Liên

(Huyện Con Cuông, Nghệ An)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/33188102-bat-cap-trong-cap-the-bao-hiem-y-te-cho-nguoi-ngheo.html