Bất cập trong phòng, chống thiên tai

n thời điểm này, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố đã cơ bản xây dựng xong phương án phòng, chống thiên tai năm 2017. Tuy nhiên, để giảm thiệt hại, các đơn vị cần khắc phục những bất cập trong công tác quản lý, xử lý vi phạm Luật Đê điều, từ đó bổ sung, điều chỉnh phương án ứng phó sát thực tế…

Xây dựng kè bờ sông Nhuệ góp phần chủ động phòng chống thiên tai trên địa bàn xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Bá Hoạt

Vi phạm nhiều, xử lý chậm

Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàng Mai Nguyễn Bách Lợi cho biết: Mặc dù quận liên tục chỉ đạo tập trung ngăn chặn, xử lý vi phạm, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai (PCTT) của công trình đê điều, thủy lợi, nhưng trong thời gian qua ở một số phường trên địa bàn vẫn xảy ra vi phạm. Cụ thể, tại phường Thanh Trì có 3 vụ đóng cọc sắt ngoài bờ sông làm mố cẩu, đổ phế thải xây dựng xuống bãi sông, trồng rau trên mái đê; phường Trần Phú có 2 vụ đổ đất phế thải xuống bãi sông; phường Yên Sở có trường hợp nuôi trồng thủy sản giữ mực nước ao nuôi cao, đe dọa an toàn bờ kênh dẫn trạm bơm Yên Sở.

Trên địa bàn phường Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở có 15 đơn vị khai thác cát bãi nổi và sử dụng đất làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng. Qua kiểm tra, phần lớn các bãi chứa vật liệu xây dựng đều chất tải vượt chiều cao quy định, ảnh hưởng đến tiêu thoát dòng chảy…

Thực trạng vi phạm trên cũng xuất hiện ở dọc tuyến đê ven sông, thuộc các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Phúc Thọ, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín. Theo thống kê của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, từ năm 2011 đến nay, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố xảy ra 1.714 vụ vi phạm Luật Đê điều, nhưng các địa phương mới xử lý được 499 vụ, tồn đọng 1.215 vụ. Theo Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Đỗ Đức Thịnh: Việc để xảy ra vi phạm và chậm xử lý không chỉ đe dọa an toàn các công trình mà còn cho thấy thái độ chủ quan của các địa phương trong công tác PCTT.

Ngoài việc vi phạm làm giảm năng lực công trình PCTT, hiện nay trên địa bàn thành phố còn 17 dự án xử lý sự cố đê điều cấp bách chưa được triển khai. Trong đó, huyện Ba Vì còn 4 dự án, Chương Mỹ 2 dự án, Thanh Oai 2 dự án… Theo phản ánh của các huyện, do thiếu vốn và trình tự thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài dẫn đến các dự án vẫn "nằm trên giấy".

Cùng với đó, tại các quận, huyện như Hoàng Mai, Đan Phượng… còn nhiều điếm canh gác đê, chứa vật tư thiết kế chưa hợp lý, diện tích nhỏ hẹp, không bảo đảm đúng tiêu chí “dễ nhìn, dễ thấy, dễ lấy”. Đặc biệt, trên địa bàn quận Hoàng Mai vẫn còn một số giếng giảm áp nằm trong đất của hộ dân, ảnh hưởng công tác theo dõi, vận hành, bảo đảm an toàn công trình đê điều…

Phải chủ động "bốn tại chỗ"

Phế thải xây dựng, rác sinh hoạt thường xuyên chất đống trên hành lang đê sông Hồng (đoạn qua phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Ảnh: Anh Tuấn

Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong PCTT, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT thành phố Chu Phú Mỹ cho biết, một số quận, huyện, xã, phường và đơn vị vẫn còn tư tưởng chủ quan. Biểu hiện cụ thể là xây dựng phương án PCTT, ứng phó với bão mạnh, siêu bão chưa cụ thể, chưa sát thực; việc chuẩn bị các điều kiện cho thực hiện phương án còn hình thức; chế độ thông tin, báo cáo chưa đầy đủ, kịp thời…

Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Đức Hải cũng thẳng thắn đánh giá, trên địa bàn quận vẫn còn một số đơn vị xem nhẹ công tác PCTT, chưa làm tốt công tác dự báo, ảnh hưởng của thiên tai để xây dựng kịch bản ứng phó. Việc xây dựng lực lượng canh gác đê, hộ đê có nơi chưa chọn lựa kỹ lưỡng nhân lực bảo đảm tốt về sức khỏe. Các phường có đê chưa xây dựng tốt kịch bản, kế hoạch diễn tập hoành triệt cửa khẩu, xử lý mạch đùn, mạch sủi tuyến đê đi qua địa bàn…

Trước thực trạng trên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT thành phố Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo, sở, ngành liên quan và địa phương có đê phải tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật về đê điều; gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương trong việc để xảy ra vi phạm. Trong xử lý cần kiên quyết, dứt điểm, đặc biệt trường hợp cố tình vi phạm, tái phạm; tập trung xử lý ở những vị trí trọng điểm, xung yếu, ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý triệt để trường hợp xe chở quá tải trọng đi trên đê và các trường hợp vi phạm khác theo quy định... Các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải chủ động thực hiện phương châm "bốn tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, vật tư tại chỗ)…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương đánh giá, rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai năm 2016. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng và địa phương hoàn chỉnh các phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro, nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, đồng thời nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai; bố trí kinh phí, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, thực hành triển khai các phương án xử lý sự cố do thiên tai gây ra ngay từ giờ đầu...

Kim Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/869567/bat-cap-trong-phong-chong-thien-tai