Bất cập trong thực hiện phân cấp quản lý an toàn thực phẩm: Nhân lực yếu, kinh phí thiếu

TP Hà Nội hiện đã phân cấp quản lý an toàn thực phẩm tại xã, phường, thị trấn. Để việc thực hiện đạt hiệu quả thực chất hơn nữa, ngoài trách nhiệm, nhiệt tình, sự sâu sát, năng lực của cán bộ phụ trách, thực tế cũng đòi hỏi phải bảo đảm kinh phí hoạt động, đầu tư đầy đủ trang thiết bị chuyên ngành...

Giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ dân sinh trên địa bàn phường Yết Kiêu (quận Hà Đông). Ảnh: Thái Hiền

Thiếu đủ đường...

Thiếu cán bộ, thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị kiểm nghiệm… đã gây khó khăn trong việc quản lý an toàn thực phẩm tại cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn). Trong khi đó, đây là “mặt trận” nóng bỏng về vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi đặc thù hoạt động dân sinh sôi động với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường…

Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chi Đông (huyện Mê Linh) Nguyễn Thị Thu Hiền, hơn 2 năm thực hiện Quyết định 2582/QĐ-UBND ngày 5-6-2015 của UBND TP Hà Nội về phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, thị trấn đã thành lập ban chỉ đạo và kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc kiểm tra mới dừng ở “phần ngọn”, chủ yếu bằng cảm quan đối với một số quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh. Phần quan trọng nhất là kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng vẫn chưa làm được. Đặc biệt, khi xác định sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, Đoàn kiểm tra gặp khó khăn trong việc lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm, dẫn tới lúng túng trong xác định vi phạm, nên khó xử lý...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 730 cơ sở sản xuất sản phẩm nông, lâm, thủy sản do cấp xã quản lý, nhưng do hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, địa điểm không cố định… nên rất khó khăn cho việc thống kê, theo dõi, quản lý, thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, một số xã khó thực hiện đầy đủ việc thống kê, phân loại cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm; không lập được sổ theo dõi thông tin báo cáo huyện khi cần thiết; không có khả năng phân loại, đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý…

Một bất cập nữa đang tồn tại, đó là việc ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ (theo Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27-12-2014 của Bộ NN&PTNT quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ do cấp xã quản lý) vấp phải nhiều lúng túng, tiến độ triển khai rất chậm... Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết: Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở xã, thị trấn ngày càng phát triển về số lượng và quy mô.

Việc phân cấp của thành phố cho các xã, thị trấn trong quản lý an toàn thực phẩm hiện khá rõ ràng, cụ thể, nhưng thực tế, công tác này còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu do tổ chức bộ máy quản lý về an toàn thực phẩm tuyến xã chưa đồng bộ, lực lượng mỏng, trình độ chuyên môn hạn chế, trang thiết bị kiểm tra còn thiếu và sơ sài; kinh phí phân bổ cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ở cơ sở hạn chế, rất khó khăn cho các hoạt động cơ bản như: Lấy mẫu xét nghiệm, chi phí tối thiểu…

Nâng cao trình độ chuyên môn

Để quản lý tốt vấn đề an toàn thực phẩm, việc siết chặt ngay từ cấp cơ sở là hướng đi đúng và hiệu quả. Tuy nhiên, để cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, các sở, ngành cần tham mưu cho thành phố thường xuyên mở lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho lực lượng cán bộ làm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ở xã, phường, thị trấn; đồng thời, đầu tư để cơ sở mua sắm trang thiết bị phục vụ xét nghiệm tồn dư hóa chất cấm trong rau, thịt, thủy sản làm căn cứ xử lý vi phạm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp xã, phường, thị trấn trong quản lý an toàn thực phẩm, ngoài quan tâm đến trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cần chú trọng công tác cán bộ, bố trí phần việc theo khả năng từng người về quản lý, công tác công thương...

Mặt khác, các xã, thị trấn cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác rà soát, thống kê số liệu cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất an toàn…

Theo Chi cục trưởng Chi Cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn đang nhức nhối, để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, các xã, thị trấn có vai trò quan trọng trong giám sát.

Do đó, thành phố xem xét có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo chuỗi thực phẩm an toàn, tiếp tục xây dựng các khu giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm ở các huyện, thị xã với mục đích giảm bớt vi phạm, tạo thuận lợi cho chính quyền địa phương trong giám sát, kiểm tra. Các xã, thị trấn cần tăng cường công tác quản lý, đánh giá, xếp loại cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản.

Song song với đó là có chế tài nghiêm, đủ mạnh để xử lý những cơ sở vi phạm nghiêm trọng hoặc tái vi phạm. Đối với những cơ sở chưa đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, chính quyền địa phương phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn thủ tục để hoàn thiện theo quy định…

Như vậy, để công tác quản lý an toàn thực phẩm được thực hiện tốt ngay từ cơ sở với sự đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả, điều cần thiết là phải có đội ngũ cán bộ đủ mạnh; đồng thời mỗi địa phương phải nâng cao vai trò quản lý, hỗ trợ, giám sát và tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cộng đồng đối với vấn đề an toàn thực phẩm…

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/877520/bat-cap-trong-thuc-hien-phan-cap-quan-ly-an-toan-thuc-pham-nhan-luc-yeu-kinh-phi-thieu