Bắt chó thả rông: 'Thay vì bất bình, hãy hành động có ý thức hơn'

'Quy định được tạo ra, là để xã hội tốt hơn. Nhưng làm sao để trở thành thói quen và đưa nó vào được đời sống của nhân dân như việc nó nhất định phải làm mới là điều khó khăn…'

LTS: Theo luật mới ban hành, từ ngày 15/09 tới đây, tất cả những chú chó được chủ thả rông, không có dây xích và rọ mõm sẽ bị bắt. Trong vòng 72 giờ tới, nếu chủ nhân không mang tiền đến nộp phạt thì những chú chó đó sẽ bị đem tiêu hủy. Chủ trương này đã và đang được thực hiện tại TP Hồ Chí Minh, dấy lên cuộc tranh luận trái chiều trong dư luận.

Từ sự việc này, BBT đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc gửi về, các bài viết đều thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả. Chúng tôi xin gửi đến quý vị độc giả ý kiến của bạn Đỗ Thảo Ly (HN) về sự việc này.

Clip bắt chó thả rông gây xôn xao mạng xã hội những ngày qua (Nguồn: VnExpress)

Nói đến chuyện bắt chó thả rông và các quy định liên quan, người ta chửi thì nhiều, nhưng bên cạnh đó cũng không thể phủ nhận những khía cạnh tích cực của nó.

Con người chúng ta thực ra không phải ai cũng tự giác, có những việc bản thân vì xem nhẹ mà không chấp hành nên đôi lúc quy định chỉ lập ra cho vui. Chính vì thế những biện pháp xử phạt là một điều rất quan trọng để biến những quy định thành việc mà ai cũng phải ghi nhớ và thực hiện.

Nhớ vài năm trước đây, khi có quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện có phân khối trên 50cc, để thay đổi thói quen của tất cả mọi người dân là một việc không dễ. Từ chống đối, cho đến đối phó, người dân hời hợt với việc thực hiện quy định, măc dù điều đó là cần thiết và vì lợi ích của họ.

Nhiều người cho rằng hành động bắt chó như thế này là... 'vô nhân đạo'

Nhưng sau khi thắt chặt biện pháp xử lý trên toàn quốc, việc hình thành thói quen của người tham gia giao thông trở nên dễ dàng hơn. Đến nay, như chúng ta thấy, tất cả mọi người đều nghiêm túc chấp hành.

Rồi có lần, nghe tin một nước nọ vì nạn nghiện ngập, ma túy quá nhiều nên quyết định bắt hết những người có dấu hiệu và xử bắn. Người ta bảo đó là vô nhân đạo, nhưng về một khía cạnh nào đó, nếu không làm mạnh tay, thì tệ nạn vẫn tiếp diễn, hàng ngàn người sẽ chết vì thứ ma túy nguy hại, đất nước lâm vào trì trệ, an ninh quốc gia cũng không được đảm bảo.

Sau đó không ít lâu, tỷ lệ người nghiện ma túy ở nước này giảm hẳn, bằng cách nào đó người ta cũng quên lãng dần những chỉ trích mà trước đây họ dành cho chính quyền.

Trở lại với vấn đề chó thả rông sẽ bị bắt và tiêu hủy trong vòng 72h đồng hồ nếu không có người nhận. Không ít người cho rằng quy định này là quá vô lý. Nhưng thử nghĩ mà xem, nếu không làm mạnh tay, thì liệu người dân có chấp hành? Có nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội?

Không ít người đã từng là nạn nhân của việc chó thả rông và cắn người. Nếu chỉ vì xem là số ít mà không cần nâng cao sự cảnh giác và an toàn, thì liệu có là tàn nhẫn hay không? Chúng ta từng chứng kiến những clip vì bị chó cắn mà người hay vật đều tổn hại nặng nề.

Chúng ta ngụy biện rằng chó hiền, chó cảnh, không sao đâu, nhưng thực tế chúng ta không thể lường trước được điều gì sau đó cả.

Tại thành phố Karachi, Pakistan, hơn 700 chú chó hoang bị đầu độc và đem tiêu hủy.

Tôi còn nhớ năm ngoái khi Hà Nội mở phố đi bộ, từng có quy định dắt chó đi dạo phải giọ mõm, nhưng chỉ được vài bữa, đâu lại vào đấy, chó vẫn được thả rông thoải mái mà không có biện pháp phòng vệ nào. Hơn nữa lại còn có những chú chó rất lớn, thuộc giống dữ.

Quy định được tạo ra, là để xã hội tốt hơn. Nhưng làm sao để trở thành thói quen và đưa nó vào được đời sống của nhân dân như việc nó nhất định phải làm mới là điều khó khăn. Nếu như quá nhẹ nhàng, quá cảm tính, số người tự nguyện chấp hành sẽ chỉ tính trên đầu ngón tay.

Một cậu bé đi học muộn, nếu như chỉ xử phạt bằng cách trừ điểm thi đua sẽ chẳng có gì đáng sợ. Một tên ăn trộm nếu chỉ xử phạt bằng cách xin lỗi và trả lại đồ đã ăn cắp hẳn sẽ chẳng nhận ra được điều gì.

Lòng thương người là tốt, nhưng đôi lúc nó sẽ gây tác dụng phụ cho mình. Chúng ta có thể dùng lòng tốt, tình yêu thương để cảm hóa những người có ý thức, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng tự giác và hiểu được sự khoan nhượng đó.

Clip: Những vụ tai nạn thương tâm do chó thả rông ở ngoài đường

Bởi vậy mới cần có luật pháp và xử phạt. Ở các nước châu Âu, vật nuôi phải có giấy phép nguồn gốc rõ ràng, còn ở Việt Nam, chẳng có gì để đảm bảo. Nếu lỡ may chú chó đó có cắn người, thì ai sẽ đứng ra chứng nhận rằng chú chó đó đã được tiêm phòng và không gây ra điều gì tổn hại cho nạn nhân?

Chúng ta có thể nghĩ rằng luật lệ, quy định trên là vô nhân đạo. Nhưng không có gì là không có lý do cả. Nếu ban đầu ai cũng như ai có ý thức tốt, thì đâu có phiền hà đến vậy? Các cơ quan chức năng cũng không muốn phải thêm việc, nhà nước cũng không tốn thêm ngân sách để xử lý những việc như vậy.

Cho nên, thay vì ngồi đó bất bình và khó chịu. Hãy bước ra ngoài và hành động có ý thức thì hơn.

Nếu yêu thương những vật nuôi của mình, thì hãy trang bị cho chúng đầy đủ những thứ cần thiết để không gây hại đến ai cũng như chính bản thân chúng.

Nếu muốn bảo vệ vật nuôi của mình, hãy bảo vệ đúng cách!

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Thảo Ly Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/phia-sau-nhung-quy-dinh-vo-nhan-dao.html