Bất động sản công nghiệp tiếp tục đón sóng đầu tư công

Để trở thành trung tâm hậu cần của khu vực, Việt Nam cần cải thiện tính liên kết vùng hơn nữa để thu hút thêm các nhà đầu tư ngoại, ngoài các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.

Tổng cầu trên thế giới suy yếu làm giảm giá trị xuất nhập khẩu Việt Nam, dẫn đến hoạt động đầu tư và mở rộng sản xuất công nghiệp có phần chậm lại. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong ngắn hạn không ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất đầu tư xây dựng và cho thuê của các khu công nghiệp trong quý 2/2023.

 TPHCM kỳ vọng có thêm nguồn cung khu công nghiệp, khu công nghệ cao quy mô lớn trong thời gian tới

TPHCM kỳ vọng có thêm nguồn cung khu công nghiệp, khu công nghệ cao quy mô lớn trong thời gian tới

Theo ông Vũ Minh Chí, Quản lý Cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp Colliers Việt Nam: “Việc thiết lập địa điểm sản xuất tại một quốc gia đòi hỏi kế hoạch dài hạn. Những biến động trên thị trường khu vực và toàn cầu đang thúc đẩy các nhà sản xuất tiếp tục triển khai kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng để vừa giảm thiểu rủi ro gián đoạn, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo”.

Để đón đầu làn sóng này và trở thành trung tâm hậu cần của khu vực, ông Chí cho rằng Việt Nam cần cải thiện tính liên kết vùng hơn nữa để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, ngoài các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.

Ở phía Nam, TPHCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về giá thuê (214 – 300 USD/m2/kỳ hạn) và tỷ lệ lấp đầy (95%). Thành phố đã xóa quy hoạch ba khu công nghiệp chậm triển khai và bổ sung quy hoạch hai khu công nghiệp mới với tổng diện tích 668 ha. TPHCM cũng kỳ vọng có thêm nguồn cung khu công nghiệp, khu công nghệ cao quy mô lớn trong thời gian tới khi vừa được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp dưới 500 ha sang đất công nghiệp.

Tại Hà Nội, giá thuê trung bình đạt 168 USD/m2/kỳ hạn, tăng 5% so với quý trước, và tỷ lệ lấp đầy đạt 94%. Trong quý 2, thị trường có thêm 116 ha đất công nghiệp cho thuê mới từ KCN Tam Dương I (tỉnh Vĩnh Phúc).

Nguồn cung tương lai được dự đoán sẽ dịch chuyển về các khu vực vệ tinh như Vĩnh Phúc (KCN Sông Lô II, Bình Xuyên II), Lạng Sơn (KCN VSIP), Nam Định (KCN Trung Thành), Hải Phòng (cụm công nghiệp Quyết Tiến).

Trong khi đó, thị trường bất động sản công nghiệp Đà Nẵng bình ổn về giá thuê và tỷ lệ lấp đầy so với quý trước. Các diễn biến chính xoay quanh nguồn cung tương lai tập trung ở Quảng Nam và Huế.

Colliers đồng thời chỉ ra, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn vừa hoàn thành và khởi công trên toàn quốc. Qua đó cho thấy triển vọng tươi sáng của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, ở phía Bắc, cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang và dự án Vành đai 4 sẽ giúp kết nối các tỉnh phía Bắc tốt hơn nữa. Hệ thống đường Vành đai 3 ở phía Nam và các cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Phan Thiết, Bến Lức – Long Thành khi hoàn thành sẽ tạo tuyến giao thông kết nối Đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM, và khu vực còn lại của vùng Đông Nam Bộ.

Đối với nhà ở xã hội (NOXH), Colliers Việt Nam cho rằng đây là tâm điểm chú ý của thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023. Tại TPHCM, hiện có 9 dự án NOXH đang triển khai với quy mô 6.383 căn hộ, giá bán sơ cấp dao động 1.200 – 1.400 USD/m2 (28,4 triệu – 33,1 triệu VND/m2). Nguồn cung này được đánh giá vẫn còn quá thấp so với nhu cầu nhà ở tầm trung tại TPHCM.

Hà Nội cũng đang có 40 dự án NOXH đang và sẽ mở bán trong năm nay, tập trung ở các quận Long Biên, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì.

"Nhìn chung, thị trường căn hộ tiếp tục chứng kiến hoạt động mua bán – sáp nhập hoặc mua lại cổ phần dự án giữa các chủ đầu tư bất động sản trong và ngoài nước. Các thương vụ giá trị lớn có thể hoàn tất và công bố trong thời gian tới", Colliers nhận định.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bat-dong-san-cong-nghiep-tiep-tuc-don-song-dau-tu-cong-post256184.html