Bất đồng sâu sắc về chuyện giải cứu Hy Lạp

TP - Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) kéo dài hai ngày đã khai mạc tại Brussels (Bỉ) hôm 25-3 với một chương trình nghị sự dài và hóc búa, trong đó nổi cộm nhất là việc giải cứu nền kinh tế đang đứng bên bờ phá sản của Hy Lạp.

Hy Lạp không chỉ là thành viên của EU mà còn là một trong 16 nước thuộc khu vực đồng euro. Nền kinh tế Hy Lạp hiện đang bị khủng hoảng nghiêm trọng nên Athens rất cần gói hỗ trợ tài chính lớn mới có hy vọng khỏi bị phá sản. Các hãng tin cho biết, trước và sau Hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo liên minh này đều nhất trí phải cứu nền kinh tế Hy Lạp. Tuy nhiên, giải pháp để giải cứu như thế nào thì họ chưa thống nhất được với nhau, đúng hơn là còn bất đồng rất sâu sắc. Cho đến tối 24-3, đêm trước của Hội nghị thượng đỉnh EU, các nỗ lực triệu tập một phiên họp đặc biệt của 16 quốc gia sử dụng đồng euro để tìm kiếm giải pháp nội khối giúp Hy Lạp vượt qua khủng hoảng đã thất bại. Pháp và Đức không chỉ là hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực euro mà còn là hai đầu tàu của EU. Nhưng hai nước này chủ trương để Hy Lạp tự đi tìm kiếm sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là chính. Pháp và Đức cho rằng các nước khu vực euro sẽ chỉ hỗ trợ một phần đối với Hy Lạp. Tuy nhiên, cả Đức, Pháp và một số thành viên lớn trong EU không thể nhất trí được việc IMF sẽ giúp đỡ Hy Lạp trong vai trò thế nào và các quốc gia khu vực euro sẽ đóng góp tài chính giúp nền kinh tế Hy Lạp dưới hình thức nào. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thẳng thừng rằng bất cứ gói giải pháp nào mà EU dùng để cứu Hy Lạp cũng chỉ được đưa ra sau khi Hy Lạp đã cầu viện sự giúp đỡ của IMF. Phát biểu tại Quốc hội Đức trước khi lên đường sang Bỉ dự Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này, bà Merkel đã kịch liệt phản đối chương trình tài chính giải cứu Hy Lạp mà một số nước EU đề xuất. Thủ tướng Đức nói rằng Berlin chỉ cấp viện cho Athens trong trường hợp Hy Lạp không còn cách nào vay được vốn từ thị trường trái phiếu hoặc từ các tổ chức tài chính quốc tế. Đáp lại bà Angela Merkel, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou nói rằng Athens không muốn phát hành trái phiếu chính phủ vì nếu phát hành sẽ chỉ làm tăng thêm nợ nước ngoài. Nền kinh tế Hy Lạp hiện nay đang khủng hoảng chính vì không trả được nợ nước ngoài đáo hạn. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Đức nói rằng do nhiều năm qua chính phủ Hy Lạp đã vung tay quá trán lại còn báo cáo các con số giả dối về ngân sách nên Berlin không muốn sử dụng tiền thuế của dân Đức để cứu Hy Lạp. Bà Merkel nói rằng chỉ khi Hy Lạp không thể vay được ở đâu, Đức sẽ kêu gọi các nước khác trong EU giúp đỡ khẩn cấp Athens theo hình thức kết hợp giữa IMF và các khoản vay song phương giữa Hy Lạp và các nước thuộc khu vực euro. Bà Merkel kêu gọi Pháp ủng hộ lập trường này. Trái với Đức, Pháp không muốn IMF mở hầu bao cứu Hy Lạp. Hơn nữa Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng kịch liệt phản đối việc IMF cứu Hy Lạp, coi đó là một sự can thiệp vào công việc của liên minh tiền tệ châu Âu.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=189899&channelid=5