Bất khuất sử thi

Trải qua ngàn năm, sử thi của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tồn tại như mạch ngầm bền bỉ và phun trào trong những thời điểm mà tinh thần dân tộc ở “trạng thái sử thi”.

Trải qua ngàn năm, sử thi của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tồn tại như mạch ngầm bền bỉ và phun trào trong những thời điểm mà tinh thần dân tộc ở “trạng thái sử thi”. Đó là những giai đoạn đặc biệt mà vấn đề lịch sử - dân tộc được đặt lên hàng đầu, vấn đề vận mệnh Tổ quốc, danh dự quốc gia khiến người ta quan tâm hơn là các vấn đề thuộc về quan hệ và số phận cá nhân. Với nội dung, ngôn ngữ thơ và sắc màu văn hóa phong phú, kho tàng sử thi các dân tộc Việt Nam nói chung và phía Bắc nói riêng còn có những sử thi mang tinh thần bất khuất bảo vệ đất nước, quê hương khỏi giặc ngoại xâm và kẻ tà tâm, gian ác...

Kể chuyện cha ông chinh chiến

Là địa bàn định cư lâu đời của 23 dân tộc anh em gồm Thái, Mông, Lự, Hoa, Kinh, La Ha, Khơ Mú, Kháng, Xinh Mun, Tày, Nùng, Dao, Mường... song Tây Bắc được coi là thủ phủ, là vùng đất tổ của người Thái với số dân chiếm 51% trên tổng số dân cư. Hành trình di cư và phát triển của đồng bào Thái trên đất Việt là một câu chuyện dài. Trong đó, việc xung đột, chống cát cứ để tạo nên một “đế chế” Thái hùng mạnh dưới thời Tạo Ngân (thế kỷ XIV) đã tạo một bước chuyển quan trọng trong xã hội Thái, tạo nên một trong những nền văn hóa đặc sắc và rực rỡ nhất trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Vùng đất Khó Ma là “nơi có nhiều sản vật” của người Hà Nhì xưa giờ là nơi đồng bào La Hủ sinh sống

Đến Mường Lò, sẽ không khó để được người già ở đây kể cho một đoạn sử thi được trích trong các sử thi di sản của dân tộc Thái như Táy Pú Xấc (có nghĩa là người Thái đánh giặc) hoặc Căm Hánh tặp sấc klương (Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng). Giới nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định, Táy Pú Xấc là bộ sử thi lớn ghi lại lịch sử “chinh chiến” của dân tộc Thái qua 50 đời Tạo từ thời Tạo Lò (con Tạo Ngân) kéo dài đến Kam Nho.

Các sự kiện lịch sử được ghi trong Táy Pú Xấc khá chi tiết, ấn tượng nên rất có giá trị về mặt lịch sử cũng như văn hóa xã hội. Sau hàng chục năm bền bỉ, công trình sưu tầm và biên dịch sử thi Táy Pú Xấc của nhà nghiên cứu văn hóa Lường Vương Trung là một bản khá đầy đủ, giúp cho giới nghiên cứu và những độc giả yêu thích văn hóa Thái một cái nhìn sâu sắc hơn về dân tộc anh em này. Được viết theo lối hát “khắp” truyền thống vốn được coi là làn điệu dân ca được dùng rộng rãi trong sinh hoạt văn hóa đời thường và nghi lễ của cộng đồng Thái, Táy Pú Xấc cho thấy quá trình thiên di xuống phía Nam của dân tộc Thái đầy gian truân qua hai đợt chính là vào khoảng thế kỷ thứ IX-X và đầu thế kỷ thứ XI. Sau nhiều lần tranh chấp với cư dân bản địa, cũng như chinh phạt xóa đi tình trạng cát cứ, thống nhất được Tây Bắc, họ đã trở thành chủ nhân một vùng đất rộng lớn với đặc điểm “vùng đất ba dải, miền chín lưu vực con sông”. Mường Muổi được chọn là thủ phủ. Chế độ quân sự của xã hội Thái cũng khá linh động. Địa thế hiểm trở không cho phép họ có một đội quân thường trực mà chỉ tập hợp quân theo mỗi kỳ chinh chiến. Họ còn phân định ranh giới qua câu thành ngữ “Cuối sông Đà nổi tiếng Vua Kinh. Đầu sông Đà nổi tiếng Tạo Lay”.

Nếu Táy Pú Xấc đã trở thành một áng hùng thi của ngàn năm thì Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng lại là câu chuyện của một giai đoạn mà trong đó, người Thái Đen cùng nhân dân các dân tộc Mường Lò là chủ thể khởi nghĩa chống giặc khăn vàng từ phương Bắc xâm lược nước ta dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Cầm Hánh. Là sự thật lịch sử từng diễn ra tại Mường Lò. Người Thái Mường Lò cũng như đồng bào Thái cả nước đều vô cùng tự hào về trang sử chiến đấu bảo vệ Tổ quốc bằng thơ này.

Nghệ nhân Lò Văn Biến, bản Cang Nà, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã dành nhiều tâm sức để sưu tầm và dịch lại bộ sử thi từ các nghệ nhân cao tuổi khác để văn bản hóa tác phẩm.

Tập sử thi Táy Pú Xấc do nhà nghiên cứu Lường Vương Trung sưu tầm và biên soạn

Về Mường Tè nghe “Há pà”

Với dân số trên 21 ngàn người, hiện diện tại 63 tỉnh thành phố, dân tộc Hà Nhì đã góp thêm một sắc màu văn hóa rực rỡ và giàu giá trị nhân bản trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong kho tàng văn hóa dân gian ấy, truyện thơ dài P’hùy ca Na ca (còn được gọi là Xa Nhà Ca) có thể được xem như là một sử thi đúng nghĩa.

Sẽ không mất quá nhiều thời gian để nghe trọn bộ Há pà P’hùy ca Na ca từ đồng bào Hà Nhì ở vùng biên Tây Bắc. Nhóm Hà Nhì Cồ Chồ là chủ nhân của bộ sử thi dài 932 câu thơ với nhiều thể loại khác nhau này. Giai điệu trầm buồn được cất lên giữa sân nhà tràn ngập màu nắng cúc quỳ, khung cảnh núi rừng lặng phắc tôn vinh lời hát của người nghệ nhân già. Còn con suối Păng Pơi mùa lũ cũng ghìm dòng nước chảy dìu dặt hơn để không làm át lời dân tộc. Thiết tưởng sẽ không thể tìm thấy không gian nào thưởng thức P’hùy ca Na ca phù hợp hơn ở chính nơi nó được sinh ra.

Ra đời giữa bối cảnh xã hội của dân tộc này chưa hình thành giai cấp, có nghĩa bộ sử thi này có thể đã có từ hơn 500 năm trước, khi người Di (tổ tiên của dân tộc Hà Nhì) ở Tây Tạng bắt đầu chuyến viễn du về phương Nam và kết thúc khi đến vùng đất đầu nguồn Khó Ma, ngày nay thuộc địa phận xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Điều rất lý thú là khi miêu tả về vùng đất mới thuộc cương thổ của nước Đại Việt xưa, sử thi P’hùy ca Na ca chỉ ra rằng, Khó Ma là “nơi có nhiều sản vật”“uống rượu ngọt không cần phải trộn men, hạt cơm ăn cũng chẳng dùng chày giã” (trích sử thi). Đồn trưởng đồn Pa Vệ Sử cho chúng tôi biết địa bàn đồn anh đứng chân chính là vùng đất tổ của cộng đồng Hà Nhì Cồ Chồ trên đất Việt. Loại cây thần kỳ đó của người Hà Nhì chính là cây báng, móc, cọ... là những loại cây trong lõi có bột, hiện vẫn được người La Hủ trên địa bàn dùng để ăn và nấu rượu.

Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ ở xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tình Lai Châu hiện là người duy nhất trong cộng đồng người Hà Nhì ở Việt Nam còn lưu giữ được nguyên vẹn sử thi P’hùy ca Na ca. Ông tự hào nói rằng, dẫu có kết cục bi thảm, song nhiều trường đoạn kể về sự chiến đấu dũng mãnh của người Hà Nhì chống lại người Hán rất hấp dẫn và nhiều lần nhắc đi nhắc lại một mệnh đề như khẳng định quyết tâm giữ đất của người Hà Nhì. Hình ảnh một bản Hà Nhì với hệ thống phòng thủ rất nghiêm ngặt như một làng chiến đấu được gợi tả trong những câu thơ: Có hàng rào đan bằng dây thép/ Bao bọc bảo vệ khắp xung quanh/ Bản ở giữa cũng bao hàng rào thép/ Bảy mươi đôi cọc cắm đều nhau. Chúa tể rừng xanh con voi to đuôi ngắn/ Tổ tiên ta thuần phục được nó về/ Để giữ ranh giới Hà Nhì - Hán/ Trấn thủ dòng Ha Sa nước lớn/ Là con rồng lặn dưới đáy sông sâu.

Cùng với đó là thái độ kiên quyết không nương tay với những kẻ có âm mưu xâm lược đất đai của người Hà Nhì: Nếu một ngày trâu ngựa bước chân sang/ Sẽ đánh cho chết ngay lập tức/ Cho phân mốc xương mục ngay tức khắc/ Đánh cho chân ngựa chổng lên trời/ Đánh cho ruột ngựa phơi ra đất...

Đến với các bản người Thái, sử thi Táy Pú Xấc thường được bà con nhắc đến với lòng trân trọng.

Một yếu tố khác cần nhấn mạnh về Há pa P’hùy ca Na ca là tác phẩm này biểu đạt nhiều thông tin quan trọng về xã hội, truyền thống nông nghiệp và phong tục tập quán của cộng đồng người này. Có thể nhận thấy vào giai đoạn muộn của kỳ cổ sơ, trình độ làm ruộng nước của họ đã rất phát triển với kỹ thuật cấy mạ giống như người Kinh chứ không tra hạt hay gieo xạ như các dân tộc vùng cao khác. Tín ngưỡng của đồng bào cũng chỉ rõ họ kiêng ăn thịt mèo bởi họ quan niệm mèo có họ với hổ nên nếu giết mèo hổ sẽ trả thù, gây họa cho cả bản. Nơi thờ cúng của họ cũng rất rõ ràng: Trong một bản có ba nơi thờ cúng/ Một nơi đó để cúng vào tháng ba/ Ấy là miếu Gà ma trên đỉnh bản/ Làm nơi thờ nữ thần toàn năng/ Để có được cuộc sống bình yên/ Bản phải mỗi năm một lần cúng.

Với những giá trị như vậy, muốn được nghe hát P’hùy ca Na ca, thường phải chờ đến ngày Tết. Nguyên do là cũng giống như nhiều dân tộc khác, người Hà Nhì cũng phải “làm lý” để xin phép tổ tiên, thần linh trước khi hát. Một mâm cơm trên đó nhất thiết cần có một con gà và hai chén rượu được dâng lên, sau khi khấn vái mời bề trên về ăn thịt, uống rượu và nghe con cháu hát, người chủ lễ đồng thời là người hát sẽ ngân nga từ đầu sử thi. Vừa uống vừa hát, vừa đưa tay ra điệu bộ và diễn nét mặt theo nội dung lời hát, khi mệt, sẽ có người khác đỡ lời để câu hát luôn liền điệu, liền vần.

Vĩ thanh

Táy Pú Xấc, Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng, P’hùy ca Na ca... cùng rất nhiều trang sử thi sống động khác của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ mang giá trị lịch sử, văn học trong cộng đồng tộc người mà còn là một phần quan trọng trong di sản văn hóa dân gian đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Để thấy được ngàn năm, trăm năm trước, tổ tiên ta đã đoàn kết dựng nước, đánh giặc và tạo lập cuộc sống một cách đầy hào khí trước thiên nhiên bất trắc và lòng hiểm hung, tham vọng của những thế lực bành trướng.

Còn tôi, sau những giờ mê đắm thưởng thức những áng sử thi giữ đất ấy, lại chợt nghĩ về một điều giản dị. Rằng, dân tộc nào cũng vậy, dù nhỏ bé hay hùng mạnh, dù phồn thịnh hay nghèo khó thì đều có một tấm lòng yêu quê hương, đất nước như nhau, và khi đứng trước nguy cơ bị xâm lấn cũng sẽ một lòng đoàn kết chống kẻ thù chung.

54 dân tộc anh em trên đất Việt đều mang tâm thế ấy!

Phạm Vân Anh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/bat-khuat-su-thi-n127394.html