Bất lực nhìn rừng phòng hộ bị 'xẻ thịt'

Chỉ mất chưa đến 20 phút lội bộ giữa những đỉnh núi dốc đứng, đã thấy rừng phòng hộ tại tiểu khu 678D và 688 thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đak Rông (tỉnh Quảng Trị) hiện ra như vừa trải qua một trận bom, với những vết thương loang lổ, khó lành lặn. Những cây lớn vài chục năm tuổi bị đốn hạ, trơ gốc, cạnh đó là cành lá, vỏ bìa vứt ngổn ngang.

Gỗ bị đốn hạ từ nhóm 5 đến nhóm 7, có gốc cây đường kính lên đến 60 - 70cm. Ảnh: HƯNG THƠ

Nhiều cây gỗ vết cưa hãy còn mới coóng, mủ cây rỉ ra từng lớp đỏ thẫm như huyết vón lại. Cách hiện trường ngổn ngang này không xa, vẫn có hiện diện của chủ rừng, nhưng không rõ vì sao, hằng ngày tiếng máy cưa vẫn vang lên đều đặn, gỗ vẫn bị xé nhỏ, luồn lách bằng cách này cách khác để ra khỏi cửa rừng...

Ngổn ngang ở rừng phòng hộ

Lúc chúng tôi tìm đến những cánh rừng tại xã Đak Rông (huyện Đak Rông, tỉnh Quảng Trị), thì thông tin rừng ở đây bị đốn hạ đã “len lỏi” khắp nơi. Không khó để tiếp cận hiện trường, từ Km52 trên tuyến quốc lộ 9 (huyện Đak Rông), rẽ vào con đường công vụ đang thi công của dự án thủy điện Khe Nghi tầm 4km là bắt đầu có dấu hiệu phá rừng. Từ con đường mới mở, đi vào rừng chưa đến 200 mét về phía đỉnh núi, nhiều cây gỗ lớn đã bị xẻ phách, chỉ còn trơ gốc và các tấm bìa. Càng đi vào sâu, rừng bị tàn phá nhiều, mức độ dày đặc hơn. Có địa điểm nhiều cây lớn đồng loạt bị đốn hạ, nên nhìn từ xa khoảng rừng trở nên trống trải, nhưng đến lại gần thì giữa mặt đất là một bãi ngổn ngang từ thân, cành, lá và mùn cưa còn sót lại.

Tiếp tục vào sâu khoảng 500 mét, nhiều cây gỗ vừa mới bị cưa xẻ hãy còn tứa mủ đỏ au. Có cây lớn đường kính lên đến 60 - 70cm, cây trung bình khoảng 40cm cũng bị cưa ngã. Thời điểm chúng tôi tiếp cận khoảnh rừng, lâm tặc chỉ mới rời đi và còn để lại nhiều phách gỗ. Thậm chí, nước uống đựng trong các chai nhựa vẫn còn hơi ấm, dây thừng để buộc kéo gỗ vẫn còn để ngổn ngang giữa rừng. Chỉ một giờ đồng hồ luồn lách dọc các con đường mòn ở tiểu khu 678D, chúng tôi phát hiện hàng chục gốc cây rừng bị đốn hạ. Ở tiểu khu 688 cách đó không xa cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Vì địa hình ở những nơi có cây gỗ dốc dựng đứng, nên khi cây bị đốn hạ, sẽ được rọc thành phách, cưa thành khúc ngắn rồi kéo xuống con đường mới mở. Xong đâu đấy, xe môtô “đặc chủng” đã được gia cố sẽ chất gỗ lên xe, chạy bon bon về hướng quốc lộ 9 rồi rẽ xuống đường mòn... Theo những công nhân đang thi công tuyến đường công vụ, thỉnh thoảng họ vẫn bắt gặp người dân bản địa dùng xe môtô chở từng khúc gỗ lớn dọc tuyến đường. Nhưng xen lẫn giữa những đám rừng phòng hộ vẫn có nương rẫy của người dân, nên họ không rành rọt gỗ nào khai thác ở rừng, gỗ nào khai thác ở nương rẫy.

Cây gỗ trong rừng phòng hộ bị lâm tặc chặt hạ. Ảnh: HƯNG THƠ

Chủ rừng bất lực “kêu cứu”

Ngay cạnh hai tiểu khu có xảy ra tình trạng phá rừng, có chốt của cơ quan chức năng với sự có mặt của 2 cán bộ bảo vệ rừng và một kiểm lâm. Hỏi rừng ở đây sao bị phá tan nát như vậy, cán bộ bảo vệ rừng mặt xanh lét, bảo “bọn em tay không, vào rừng chộ (thấy) dân cưa gỗ cũng chỉ khuyên nhủ, rồi len lén về báo cáo các đơn vị phối hợp xử lý”. Còn vị cán bộ kiểm lâm thì giải thích rằng, lâm tặc là đồng bào thiểu số ở gần đây, nên rất khó ngăn chặn. “Thấy mình vào thì họ không chặt cây nữa, mình đi thì họ lại lao vào rừng. Khi thành lập đoàn kiểm tra, cơ quan chức năng mới đến đầu ngõ, là ở trong này đã nhận được “báo cáo”, vào đến nơi thì không còn một mống” - kiểm lâm viên nói.

Ông Trần Văn Tý - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đak Rông nói, tình trạng phá rừng ở 2 tiểu khu 678D và 688 đã diễn ra từ đầu tháng 11.2016 và kéo dài đến nay. “Sau khi đường vào Nhà máy thủy điện Khe Nghi được san ủi qua rừng phòng hộ, người dân trên địa bàn thôn Vùng Kho (xã Đak Rông) đã dùng máy cưa, xe máy ồ ạt vào rừng khai thác gỗ trái phép. Mặc dù chúng tôi đã đóng lán ở lại tại rừng để tuyên truyền, vận động, ngăn chặn nhưng các đối tượng phá rừng không chấp hành, họ còn thách thức, ngang nhiên chặt cây” - ông Tý thông tin.

Bất lực vì không đủ khả năng ngăn chặn phá rừng, ngày 10.11.2016 chủ rừng đã đề nghị UBND xã Đak Rông và Trạm Kiểm lâm xã Đak Rông phối hợp. Nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần, là mỗi khi đoàn có mặt thì người dân không vào rừng, còn khi vừa vắng mặt thì tiếng máy cưa lại vang lên.

“Đơn vị của chúng tôi đúng quy định là hơn 30 biên chế, nhưng hiện chỉ tiêu chỉ được hơn phân nửa. Riêng ở huyện Đak Rông, chúng tôi được giao quản lý 12.000ha rừng, trong lúc chỉ cắt cử được 5 cán bộ trông coi. Ít người, địa bàn rộng, đi vào rừng cũng chỉ có bàn tay trắng, có hôm bảo vệ rừng vào thì gặp mấy đối tượng dùng mũ len với khẩu trang bịt kín mặt, ngang nhiên chặt hạ cây ở 2 tiểu khu trên. Khi bảo vệ rừng có ý kiến, các đối tượng vẫn ngang nhiên chặt hạ và còn phá hỏng xe của bảo vệ. Lực lượng mỏng, dân bản địa lại manh động nên chúng tôi gặp khó khăn trong việc bảo vệ rừng” - ông Tý nói với phóng viên.

Đến ngày 17.11.2016, chủ rừng có báo cáo gửi Ban chỉ huy bảo vệ rừng huyện Đak Rông, trong đó “cầu cứu” đơn vị này vào cuộc chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện Đak Rông và các ban ngành liên quan cùng phối hợp để xử lý dứt điểm. Sau đó, từ ngày 25.11.2016 đến 25.1.2017, chủ rừng cùng lực lượng kiểm lâm và UBND xã Đak Rông đã lập chốt ngay tại hiện trường. Trong thời gian lập chốt, việc phá rừng có thuyên giảm, nhưng khi hết thời gian lập chốt, các đơn vị rút đi thì dân lại ồ ạt vào rừng. “Chúng tôi đã có nhiều cố gắng, nhưng nhiều lúc bất lực vì việc phối hợp không được như mong muốn” - ông Tý than thở.

Ai chịu trách nhiệm việc mất rừng?

Quá trình chúng tôi tiếp cận hiện trường ở tiểu khu 678D và 688, thì lực lượng Công an Môi trường tỉnh Quảng Trị cũng có mặt tại đây để kiểm tra thông tin việc phá rừng. Còn lực lượng kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm huyện Đak Rông thì được tăng cường để truy quét lâm tặc phá rừng ở khu vực rừng tại xã Hướng Hiệp (huyện Đak Rông). Ông Tống Phước Châu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Rông cũng than vãn về việc người dân lợi dụng các tuyến đường mới mở để vào rừng đốn hạ gỗ. “Mỗi chỗ phá rừng một ít, chúng tôi chốt chặn và đã phát hiện, tạm giữ được một số gỗ. Tuy nhiên, mức độ phá rừng như thế nào, số liệu cụ thể ra sao thì chưa cụ thể được” - ông Châu cho hay.

Đã xác định được nguyên nhân khiến bảo vệ rừng thiệt mạng trên đường tuần tra. Ngày 1.3, đại tá Phan Thanh Quảng - Trưởng Công an huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, bước đầu đã xác định được nguyên nhân anh Trịnh Xuân Khấm, chuyên trách bảo vệ rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đak Rông tử nạn ngày 20.2 là do một xe ôtô mang BKS Lào tông chết. Theo ông Quảng, sau khi xảy ra vụ việc cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, xác định đối tượng điều khiển ôtô là công dân nước Lào. Sau khi gây tai nạn, đối tượng đã gỡ biển số xe nhằm xóa vết tích rồi tẩu thoát khỏi hiện trường. Hiện đối tượng này đã nhờ người nhà sang hương khói cho gia đình nạn nhân. Từ các chứng cứ có được, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã liên hệ với cơ quan chức năng huyện Sê Pôn (tỉnh Savannakhet, Lào) để xác minh và phối hợp điều tra. HƯNG THƠ

Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ rừng

“Ai cũng biết rừng đang bị phá, từ chủ rừng, kiểm lâm đến địa phương nhưng không ngăn chặn được thì không ổn. Sau khi kiểm tra thực địa, chúng tôi sẽ làm rõ sự việc trên, không chỉ để xử lý người vi phạm, mà quan trọng là để sau đó việc giữ rừng được thực hiện tốt” - ông Khổng Trung - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết. Ngày 1.3, ông Trung đi kiểm tra tình trạng phá rừng ở các địa điểm nêu trên. Trao đổi với báo Lao Động, ông Trung nêu quan điểm, việc để xảy ra tình trạng phá rừng, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ rừng. Nhưng nếu chủ rừng đã báo cáo và đề nghị kiểm lâm, chính quyền cùng phối hợp, nhưng việc phối hợp không tốt, rừng vẫn tiếp tục bị phá thì cần xem lại.

LÂM HƯNG THƠ

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su-dieu-tra/bat-luc-nhin-rung-phong-ho-bi-xe-thit-642861.bld