Bất lực với sách lậu?

Sách lậu, sách nhái đã và đang là một vấn đề nhức nhối của thị trường sách và ngành xuất bản. Những năm qua, mặc dù ngành văn hóa đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng các quy định..

Sách lậu, sách nhái đã và đang là một vấn đề nhức nhối của thị trường sách và ngành xuất bản. Những năm qua, mặc dù ngành văn hóa đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng các quy định, chế tài, kiểm tra, xử phạt và tuyên truyền nhưng mặt hàng này vẫn có đất sống, thậm chí còn đang sống... khỏe!

Đường Trần Quốc Hoàn, đường Phạm Văn Đồng được mệnh danh là “cứ điểm” của sách lậu tại Thủ đô Hà Nội. Các cửa hàng sách siêu rẻ mọc san sát với đủ phương thức quảng cáo, mỗi cửa hàng chiết khấu một giá. Sách pháp luật, sách ngoại ngữ, sách kỹ năng sống, thậm chí các loại sách về sức khỏe… loại gì cũng có.

Theo các chủ cửa hàng sách, khách hàng muốn mua bao nhiêu sách hay đầu sách cũng có, nếu lấy nhiều thì chiết khấu lên đến 45% tùy từng loại sách, trong khi đó, thông thường, để một cuốn sách có bản quyền đến được tay độc giả, nhà xuất bản phải chi trả 80% giá bìa cho chi phí sản xuất như bản quyền, bản thảo, chế bản, in ấn, chi phí quản lý của nhà xuất bản và phát hành. Trong khi đó, các cơ sở in lậu chỉ mất duy nhất chi phí in. Với chi phí sản xuất ít ỏi, nếu giảm đến một nửa giá bìa thì các cơ sở bán sách lậu vẫn có lãi ít nhất 20%.

Theo các nhà xuất bản, sách lậu, sách nhái là chuyện không mới nhưng chưa bao giờ sách lậu xuất hiện tràn lan, công khai trắng trợn như hiện nay. Cách đây 3 năm, vụ việc Công ty sách Trí Việt (First News) thua kiện cơ sở in sách lậu đã gây xôn xao trong giới xuất bản. Quyết tâm chống sách lậu, vừa qua, Công ty sách Trí Việt đã khảo sát thị trường sách lậu tại các tỉnh phía Bắc và đã phát hiện 278 trong tổng số 1.000 đầu sách của công ty bị in lậu. Tại buổi gặp gỡ báo chí tại Hà Nội ngày 21/9 nhằm thông tin về thực trạng in lậu, đại diện công ty cũng tuyên bố treo thưởng cho người phát hiện và thông tin về đối tượng, địa điểm in lậu sách của công ty.

Cũng theo các công ty sách, hầu hết các đầu sách lậu này đều có nguồn gốc từ các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội. Theo giới kinh doanh sách, các nhà sách thường đặt mua một số lượng nhỏ sách thật để có được đầy đủ hóa đơn chứng từ, sau đó, họ lại trà trộn bày bán sách lậu theo từng đợt, mỗi đợt có số lượng tương đương số sách thật. Chính vì thế khi kiểm tra, các đơn vị chức năng rất khó phát hiện vì số lượng sách bày bán phù hợp với số hóa đơn chứng từ.

Theo Hội Xuất bản Việt Nam, lực lượng phòng chống sách lậu liên ngành hiện nay là không thể kiểm soát nổi so với thị trường rộng lớn ở 63 tỉnh thành, vì thế, cho dù các cơ quan chức năng nếu có tăng cường thêm lực lượng thanh kiểm tra nữa thì cũng không thể kiểm tra, kiểm soát hết được. Vì thế, trong một thị trường hỗn độn giữa sách thật, sách giả, sách lậu, những chủ cơ sở làm lậu có quá nhiều thủ đoạn để qua mặt người mua.

Các nhà xuất bản lao đao, những cơ sở kinh doanh sách thật điêu đứng vì sách giả, sách lậu. Còn tiền thì vẫn đều đặn chảy vào túi của những cơ sở làm sách giả và người tiêu dùng thì vẫn bị móc túi. Đây vẫn đang là bài toán làm đau đầu các cơ quan quản lý mà chưa có lời giải triệt để.

Hoàng Loan

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/bat-luc-voi-sach-lau-n123035.html