Bất ngờ Triều Tiên 'dắt tay' Iran trên bản đồ xuất khẩu vũ khí toàn cầu

Không có nhiều bằng chứng nhưng Triều Tiên và Iran vẫn lọt top các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Một báo cáo mới công bố của các chuyên gia từ Small Arms Survey (Khảo sát vũ khí hạng nhẹ) – một dự án nghiên cứu độc lập tại Viện nghiên cứu quốc tế và phát triển tại Geneva, Thụy Sỹ, đã gây bất ngờ khi chỉ ra Triều Tiên cùng với Arab Saudi và Iran nằm trong danh sách các quốc gia xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ lớn nhất thế giới.

Theo tờ South China Morning Post, có 55% các quốc gia trên thế giới đang tham gia mua bán vũ khí hạng nhẹ, bao gồm súng trường, súng máy, tên lửa… Báo cáo mang tên “Khảo sát tình hình trao đổi vũ khí hạng nhẹ - Cập nhật 2017” cho biết, mặc dù tính minh bạch đang dần được nâng cao, nhưng thị trường trị giá tới 6 tỷ USD này vẫn được coi là một ngành công nghiệp “mờ ám”, nơi nhiều loại vũ khí được cung cấp cho các lực lượng khủng bố, hoặc một số quốc gia với mục đích sử dụng đi ngược lại nhân quyền... Trong khi hầu hết các quốc gia đều giữ bí mật về những giao dịch của mình, các báo cáo về thị trường vũ khí hạng nhẹ lại thu được từ những vụ thu giữ vũ khí, trong đó bao gồm cả những "mẻ" lớn từ Triều Tiên và Iran.

Tháng Tám năm ngoái, một chuyến tàu Triều Tiên đã bị chặn lại ở Ai Cập. Trên tàu, phía dưới 2.300 tấn quặng sắt là 30.000 lựu đạn tên lửa đẩy PG-7 và các bộ phận phụ trợ. Một lô vũ khí khác trị giá 18 triệu USD xuất phát từ Triều Tiên đến Iran cũng đã bị bắt giữ trên một chiếc máy bay tại Thái Lan vào năm 2009.

“Những vũ bắt giữ cùng với các hoạt động giao dịch vũ khí hạng nhẹ khác được ghi lại, đã đủ để đánh giá Triều Tiên là một quốc gia xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ chủ chốt,” báo cáo trên nhận định. “Mặc dù các vụ xuất khẩu vũ khí trị giá từ 10 triệu trở lên của Iran, Triều Tiên và UAE hiếm khi bị bắt gặp… nghiên cứu chỉ ra các nước này là các nhà xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ lớn. Việc xác định Arab Saudi chuyên tái xuất khẩu các vũ khí hạng nhẹ, thì khó khăn hơn.”

Thị trường giao dịch vũ khí hạng nhẹ còn thiếu tính minh bạch (ảnh: scmp)

Theo bản báo cáo, từ năm 2012 – 2015, khoảng 10.000 khẩu súng trường, súng máy, súng phóng lựu, và hơn 350 triệu băng đạn đã được xuất tới Arab Saudi từ 8 quốc gia Trung và Đông nam Âu. Những vũ khí này được gửi đi các căn cứ quân sự tại Jordan, Arab Saudi, UAE và sau đó tái xuất đến tay các lực lượng không thuộc Saudi tại Yemen và Syria.

“Những thông tin này cho thấy Arab Saudi cũng tái xuất khẩu một lượng lớn các vũ khí hạng nhẹ đến các lực lượng vũ trang và các lực lượng phi quốc gia tại Trung Đông,” báo cáo tiết lộ.

Nhà nghiên cứu Irene Pavesi của Small Arms Survey cho biết: “Tính chất giấu giếm của việc trao đổi vũ khí hạng nhẹ làm tăng khả năng các vũ khí giao dịch bị rơi vào tay những kẻ xấu và góp phần đẩy cao các xung đột, bất ổn và không an ninh trên thế giới.”

Một số thông tin đáng chú ý khác có thể tìm thấy trong bản báo cáo, bao gồm:

- Lần đầu tiên, Brazil có tên trong top 5 các nhà xuất khẩu súng máy, pháo phản lực và các vũ khí hạng nhẹ khác – hàng đầu thế giới, cùng với Mỹ, Đức, Hàn Quốc và Italy.

- Anh nằm trong danh sách các nước nhập khẩu nhiều vũ khí hạng nhẹ nhất thế giới với giá trị thương mại tăng 18%, đạt mức 109 triệu USD trong khoảng từ năm 2013 – 2014. Phần lớn vũ khí này đều sử dụng cho thị trường dân sự.

- Vũ khí xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu từ Triều Tiên, Iran, Arab Saudi và UAE thường đến tay các nhóm vũ trang tại Syria, Yemen, Iraq và Lebanon.

- Năm 2014, Iraq là một trong 10 quốc gia nhập khẩu nhiều vũ khí hạng nhẹ nhất thế giới, với tổng giá trị trao đổi lên tới 139 triệu USD – tăng 10 triệu USD so với năm 2013.

- Mỹ vẫn là nhà xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ lớn nhất thế giới. Năm 2014, tổng giá trị xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ của Mỹ là 1,1 tỷ USD.

- Ngay tại các quốc gia tuyên bố minh bạch và trung thực nhất cũng có thể xảy ra tình trạng vũ khí rơi vào tay kẻ xấu. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, đầu năm nay, các nhà sản xuất vũ khí của Brazil đã vận chuyển một lô súng ngắn đến một nhà thầu vũ khí người Yemeni, thay vì Djibouti – đáng nói là, việc vận chuyển diễn ra 3 tháng sau khi một lệnh cấm vận vũ khí được áp dụng.

- Năm 2015, số lượng vụ tấn công sử dụng súng trường tự động Kalashnikov được ghi nhận nhiều hơn bất kỳ loại vũ khí nào khác. Điều này một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về việc vũ khí hợp pháp có thể bị giao dịch tại những thị trường “chợ đen” và rơi vào tay lực lượng khủng bố.

Một nhà nghiên cứu khác của Small Arms Survey, Paul Holtom nhận xét, ngành công nghiệp vũ khí hạng nhẹ vẫn còn thiếu sự minh bạch. “Chúng ta hiểu rằng, sự minh bạch hoàn toàn là điều không thể được, nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là phải đảm bảo rằng, việc giao dịch vũ khí hạng nhẹ không dẫn đến tình trạng cung cấp vũ khí cho những kẻ khủng bố.”

“Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa thể làm được điều này,” ông Holtom thừa nhận.

(Theo SCMP)

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/bat-ngo-trieu-tien-dat-tay-iran-tren-ban-do-xuat-khau-vu-khi-toan-cau-254116.html