Bắt ốc bươu vàng - làm chơi, ăn thật

Vài năm trở lại đây, phong trào bắt ốc bươu vàng phát triển rộng rãi trên địa bàn xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ (Bình Định). Việc lùng bắt, thu gom ốc bươu vàng không chỉ bảo vệ lúa mà còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều người…

Cả làng làm “chiến sĩ” diệt ốc bươu vàng

Hỏi chuyện bắt ốc bươu vàng, ông Ngô Hữu Chánh, thôn Vạn Phước Đông, xã Mỹ Hiệp sôi nổi cho hay, mỗi đêm vợ chồng ông (đi từ 18 - 23 giờ) bắt được 150 – 170kg ốc. Với giá bán từ 4.000 – 4.500 đồng/kg, mỗi đêm vợ chồng ông kiếm ít nhất cũng được 400.000 – 450.000 đồng.

Mỗi ngày, điểm thu mua của bà Nguyễn Thị Nhị, xã Mỹ Hiệp thu mua hàng tấn ốc bươu vàng. Ảnh: Thanh Trọn

Chỉ từ nghề bắt ốc bươu vàng mà có tiền trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học, ông Phạm Thanh, thôn Vạn Phước đông, xã Mỹ Hiệp được bà con địa phương gắn luôn biệt danh “ông Ba Ốc”. Ông Thanh cho hay, chỉ với cái đèn pin đeo trên đầu, cái bao và cái vợt, ban ngày chuyện đồng áng cứ làm, ăn cơm chiều xong, vợ chồng ông tranh thủ đèo nhau đi bắt ốc, ở các xã, các huyện, thậm chí các tỉnh lân cận. “Năm ngoái có thời điểm ốc được giá, bán 8.000 đồng/kg, mỗi đêm vợ chồng tui kiếm hơn 1,5 triệu đồng”.

Chính lợi ích đó mà từ 1- 2 hộ, hiện nay chỉ tính riêng xóm 10, thôn Vạn Phước Đông, xã Mỹ Hiệp đã có 30 - 40 hộ (mỗi hộ 2 vợ chồng) gia nhập đội quân “chiến sĩ” diệt ốc bươu vàng quanh năm.

Ông Ngô Hữu Chánh cho biết, trước khi bắt ốc ở những vùng, những cánh đồng mới, ông và một số người thường khảo sát thăm dò trước. “Mình kiểm tra nơi nào có lùm lách nhiều, trứng ốc dày, ắt nơi đó có nhiều ốc. Theo ông Chánh, bắt ốc giúp bà con bảo vệ lúa nên đến cánh đồng nào cũng được chào đón…

Thêm công ăn việc làm

“Nông dân bắt ốc bươu vàng thủ công nhưng đã gián tiếp giúp giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ dịch hại cho cây lúa, tăng thêm thu nhập, qua đó cũng góp phần bảo vệ nghề nuôi thủy sản…”.

Ông Trần Ngọc Sanh-Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp 1 Mỹ Hiệp

Cùng với lực lượng bắt ốc thường xuyên, hiện nay việc bắt ốc ở xã Mỹ Hiệp còn góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận người lớn tuổi. Bà Lê Thị Kim Môn, thôn An Trinh phấn khởi cho biết: “Sáng cho heo, gà ăn xong 8 giờ mới đi, 10 giờ hơn về, 14 giờ đi rồi 16 giờ về. Mỗi ngày tôi bán 2 đợt, được 100.000 đồng. Đủ tiền đi chợ cho cả nhà”.

Đến nhà bà Nguyễn Thị Nhị - 1 trong 2 điểm thu mua ốc bươu vàng xã Mỹ Hiệp. Tầm 18 giờ tối mà vẫn nườm nượp các bao ốc được bà con chở trên xe gom tới bán. Bà Nhị cho hay, không chỉ riêng Mỹ Hiệp mà các xã Mỹ Tài, Mỹ Trinh, Mỹ Hòa…bà con bắt ốc xong đều đem vào đây bán. Hiện nay, do bà con bận vào vụ sản xuất đông xuân nên ít đi bắt, mỗi ngày bình quân bà chỉ mua được chừng 2 tấn ốc. Tháng vừa rồi, điểm của bà Nhị thu mua được hơn 90 tấn ốc. Giá năm nay có giảm hơn so với năm ngoái, thời điểm cao nhất từ 5.000- 6.000 đồng/kg. Mới đây, để thuận tiện cho bà con bán ốc, bà Nhị mở thêm một đại lý thu mua ốc ở thị trấn Phù Mỹ. Bà Nhị cho biết, ốc sau khi được thu gom bán cho các công ty chế bến thức ăn gia súc, thủy sản...

Ông Trần Ngọc Sanh – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp 1 Mỹ Hiệp cho hay: “Sau khi phong trào nuôi vịt chạy đồng lắng xuống, ốc bươu vàng xuất hiện bùng phát và gây hại nghiêm trọng trong sản xuất lúa của nông dân. Trong vài năm trở lại đây, từ khi phong trào bắt ốc bươu vàng phát triển mạnh, nạn ốc cắn phá giảm rõ rệt…”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/bat-oc-buou-vang-lam-choi-an-that-745008.html