Bất thường trong thi hành án ở Thái Bình

Một vụ án đã có phán quyết của Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao từ năm 2009 nhưng đến nay bản án vẫn chưa được thi hành. Mặc dù nguyên đơn nhiều lần yêu cầu thực thi bản án nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình vẫn đưa ra nhiều lý do trì hoãn.

Tạo lý do cho doanh nghiệp trì hoãn thi hành án

Theo phán quyết của TAND Tối cao, ông Võ Thiệu Huy, Giám đốc công ty TNHH Thiết bị giáo dục Khu Học Xá (công ty Khu Học Xá), có địa chỉ tại Nam Từ Liêm (Hà Nội), nguyên đơn trong Bản án số 37/2009/KDTM-PT, ngày 4-3-2009 của TAND Tối cao, là người được xử thắng kiện. Tòa yêu cầu ông Trần Văn Tuấn, chủ doanh nghiệp thiết bị dạy học Trần Tuấn (doanh nghiệp Trần Tuấn), đăng ký kinh doanh tại địa chỉ khu công nghiệp Đồng Tu (Hưng Hà, Thái Bình) phải trả số tiền 2,022 tỷ đồng cho công ty Khu Học Xá mà ông Huy là đại diện. Sau nhiều lần trì hoãn, doanh nghiệp Trần Tuấn vẫn không tự nguyện thực hiện phán quyết trong bản án nêu trên.

Tại thời điểm đó, doanh nghiệp Trần Tuấn đang có quyền sử dụng hơn 14.000 m2 đất (thuê 27 năm), một số nhà xưởng sản xuất, nhà văn phòng và tài sản khác trên diện tích đất này. Ngày 12-1-2012, UBND tỉnh Thái Bình ra Quyết định số 173/QĐ-UBND, thu hồi toàn bộ diện tích đất của doanh nghiệp Trần Tuấn thuê. Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp Trần Tuấn khiếu nại, UBND tỉnh Thái Bình đã cho phép doanh nghiệp này chuyển nhượng phần lớn diện tích được thuê cho doanh nghiệp Tân Phương; đồng thời cấp chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp Tân Phương. Diện tích đất còn lại là 2.576 m2, doanh nghiệp Trần Tuấn vẫn tiếp tục sử dụng mặc dù không làm hợp đồng thuê mới. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng thay đổi hoạt động kinh doanh không đúng đăng ký ban đầu.

Qua văn bản của các cấp chính quyền, ngành chức năng ở Thái Bình cho thấy, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan đã có những động thái "ưu ái" doanh nghiệp địa phương, tạo điều kiện doanh nghiệp trì hoãn thi hành án như: ban hành nhiều quyết định ân hạn, gia hạn; để doanh nghiệp hoạt động trên đất thuộc quản lý của nhà nước nhiều năm liền; chỉ đạo cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng chéo lên một giấy chứng nhận khác đang thế chấp tại ngân hàng...

Sau nhiều năm chậm thi hành án, năm 2015, việc thi hành bản án số 37/2009/KDTM-PT, ngày 4-3-2009, của TAND Tối cao được Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) xác định là vụ việc trọng điểm, phức tạp, cần có sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện (Công văn số 3289/TCTHADS-GQKNTC, ngày 4-10-2015). Từ đó, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự đã có nhiều buổi làm việc, gửi nhiều công văn đề nghị UBND tỉnh Thái Bình, các cơ quan, đơn vị liên quan; chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình giải quyết dứt điểm nhưng đến nay vụ việc vẫn không thể thực hiện. Vướng mắc đã được chỉ rõ, nhưng trách nhiệm giải quyết vẫn bị "đùn đẩy" giữa các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình.

Thiếu kiên quyết trong xử lý

Cho đến nay, sau tám năm thực hiện việc thi hành án, cơ quan thi hành án Thái Bình đã thay đổi ba chấp hành viên. Cục trưởng Thi hành án dân sự Thái Bình Lê Xuân Hồng khẳng định: Chúng tôi cũng đã rất cố gắng nhưng chưa thực hiện được vì những vướng mắc trong việc định giá tài sản trên đất, tài sản đấu giá... Trên lý thuyết, diện tích đất còn lại là 2.576 m2 hiện doanh nghiệp Trần Tuấn sử dụng trong tình trạng đang bị thu hồi cho nên việc xử lý tài sản trên đất được thực hiện theo Luật Đất đai. Do vậy, đối với tài sản này, Cục Thi hành án dân sự chưa kê biên mà chỉ phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh để xử lý. Riêng đối với tài sản (là hàng hóa công ty Khu Học Xá đã bán cho doanh nghiệp Trần Tuấn) Cục Thi hành án dân sự tổ chức đấu giá, đã giảm giá tới 14 lần (trị giá còn 285.893.200 đồng) nhưng vẫn chưa có người mua, nên phải tiếp tục giảm để bán theo đúng quy định của pháp luật.

Lật lại hồ sơ vụ việc, năm 2012, sau khi doanh nghiệp Trần Tuấn có dấu hiệu làm ăn thua lỗ, một số chủ nợ của doanh nghiệp này (trong đó có ông Võ Thiệu Huy) có đơn đề nghị giải quyết nợ và thi hành án. UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-UBND, ngày 12-1-2012, thu hồi toàn bộ 14.000 m2 đất thuê của doanh nghiệp Trần Tuấn. Đến ngày 2-10-2013, sau khi có đề nghị của doanh nghiệp Trần Tuấn, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Công văn số 2533/UBND-TCD, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp các bên liên quan tổ chức thu hồi 11.424 m2 (trong tổng số 14.000 m2) bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý. Diện tích còn lại là 2.576 m2,
ồng ý cho doanh nghiệp Trần Tuấn thuê lại theo quy định của pháp luật. Công văn cũng nêu rõ, doanh nghiệp Trần Tuấn phải giữ nguyên hiện trạng đất, dừng các hoạt động kinh doanh nhà nghỉ không đúng quy định.

Tuy nhiên, sau hơn hai năm Công văn 2533/UBND-TCD có hiệu lực, doanh nghiệp Trần Tuấn vẫn hoạt động trên đất của nhà nước mà không hề làm thủ tục thuê lại; cũng không dừng hoạt động kinh doanh nhà nghỉ, thậm chí còn mở thêm hàng chục phòng dịch vụ mát-xa, xông hơi, ka-ra-ô-kê. Ngày 18-11-2015, UBND tỉnh Thái Bình có Công văn số 4020/UBND-TCD, giao Sở Tài chính định giá tài sản trên diện tích đất doanh nghiệp Trần Tuấn đang hoạt động. Đến ngày 12-4-2016, doanh nghiệp Trần Tuấn có đơn kiến nghị số 02/DN-KN xin tiếp tục thực hiện Công văn 2533/UBND-TCD. Ngày 20-4-2016, UBND tỉnh có Công văn số 1190/UBND-NC, đồng ý với đề nghị của doanh nghiệp Trần Tuấn, đồng thời cho tạm dừng thực hiện Công văn số 4020/UBND-TCD. Công văn số 1190/UBND-NC cũng ấn định thời hạn doanh nghiệp Trần Tuấn phải thực hiện thủ tục thuê đất chậm nhất là ngày 29-4-2016.

Bất ngờ ở chỗ, sau khi UBND tỉnh cho dừng việc định giá tài sản, doanh nghiệp Trần Tuấn vẫn không làm thủ tục thuê đất như trong Công văn số 2373/UBND-NC, ngày 6-7-2016, của UBND tỉnh nêu rõ doanh nghiệp Trần Tuấn "vẫn chưa chấp hành quyết định thu hồi của UBND tỉnh". Với những lý do rõ ràng như thế, nhưng UBND tỉnh không ban hành quyết định thu hồi mà còn chấp thuận tiếp tục gia hạn làm thủ tục thuê đất của doanh nghiệp này đến hết ngày 31-7-2016, bằng việc ban hành nhiều công văn không có căn cứ pháp luật. Không chỉ như vậy, sau gần một năm mặc dù doanh nghiệp Trần Tuấn không thực hiện các yêu cầu của UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Xuyên còn ký ban hành Công văn số 1877/UBND-NC, ngày 22-5-2017, nêu rõ "trong trường hợp doanh nghiệp Trần Tuấn chấp hành tốt theo nội dung yêu cầu, sẽ xem xét cho phép tiếp tục gia hạn thời gian làm thủ tục thuê đất cho doanh nghiệp này đến hết ngày 10-7-2017". Trên cơ sở đó, các sở, ngành liên quan của tỉnh nghiễm nhiên coi thời hạn 10-7-2017 là mốc thời gian để triển khai các công việc tiếp theo. Họ không hề nhận thấy rằng, doanh nghiệp Trần Tuấn nhiều năm nay không chấp hành bất cứ yêu cầu nào của các cơ quan chức năng chứ nói gì đến "chấp hành tốt".

"Vụ việc ông Võ Thiệu Huy khiếu nại thi hành án đối với doanh nghiệp Trần Tuấn ở Thái Bình là một trong những vụ việc trọng điểm mà Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu làm dứt điểm. Tổng cục liên tục đề nghị UBND tỉnh, yêu cầu Cục Thi hành án dân sự Thái Bình tham mưu, đề xuất làm dứt điểm nhưng có nhiều vướng mắc tại địa phương cho nên đến nay vẫn chưa giải quyết được. Cuối năm 2016, Tổng cục cũng đã gửi công văn đề xuất Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giám sát vụ việc nêu trên".

NGUYỄN VĂN LỰC

Phó Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33171802-bat-thuong-trong-thi-hanh-an-o-thai-binh.html