Bầu trời xanh Bắc Kinh: Bí quyết và cái giá phải trả

Sau những đợt trời trong xanh để tổ chức các sự kiện lớn, bầu không khí thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngay lập tức trở về tình trạng ô nhiễm, thậm chí nặng nề hơn trước.

Vào tháng 3 hàng năm, trước kỳ họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (tương đương quốc hội) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tương tự mặt trận tổ quốc) - còn gọi là kỳ họp "Lưỡng hội", nhà chức trách bắt đầu dọn sạch bầu không khí ở Bắc Kinh.

Ô nhiễm không khí tại thủ đô vốn là một vấn đề nan giải lâu năm của quốc gia đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, khi có sự kiện quan trọng diễn ra như kỳ họp "Lưỡng hội" hoặc Thế vận hội Olympic 2008, quan khách luôn được chào đón bằng một bầu trời thủ đô trong xanh.

Một ngày bình thường của Bắc Kinh. Ảnh: AFP.

Những chiến dịch 'phủ xanh' bầu trời

Năm 2014, để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh từ ngày 10 đến 12/11/2014, chính quyền đã yêu cầu đóng cửa các nhà máy tại tỉnh láng giềng Hồ Bắc từ ngày 1/11.

Hồ Bắc là một thành phố công nghiệp nặng với luyện thép và nhiệt điện là hai ngành chủ lực. Năm 2014, 9 trong 10 thành phố ô nhiễm nhất Trung Quốc đều nằm ở tỉnh này.

Theo số liệu của South China Morning Post, 10.000 nhà máy xung quanh Bắc Kinh đã đóng cửa trong thời gian này, 39.000 nhà máy khác giảm hoạt động. Các quan sát viên được cử đến đây giám sát thường xuyên để đảm bảo chính sách được thi hành đầy đủ.

Trung Quốc khi đó còn cấm đường để xe không thể chạy và cho viên chức nhà nước nghỉ làm từ ngày 7 - 12/11/2014. Nhờ đó, giới chức đã giảm được 11,7 triệu phương tiện lưu thông trên đường.

Phó thủ tướng Trương Cao Lệ nói rằng việc có bầu không khí trong lành phục vụ APEC là "ưu tiên trong các ưu tiên". Những người thích đùa về sau vẫn gọi những lần trời xanh ở Bắc Kinh là "bầu trời xanh APEC". Thậm chí, cụm từ này còn trở thành tiếng lóng để chỉ những gì ngắn ngủi.

Tháng 9/2015, Trung Quốc tổ chức lễ duyệt binh lớn kỷ niệm ngày kết thúc Thế chiến II. Lần này, người dân Bắc Kinh được sống dưới bầu trời xanh trong gần 2 tuần.

Bầu không khí trong lành những ngày này là công sức của hơn 400.000 người ở nhiều tỉnh thành. Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Phó thủ tướng Trương Cao Lệ đều giữ vai trò lãnh đạo trực tiếp chiến dịch.

Bầu trời Bắc Kinh trong những ngày Trung Quốc tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm kết thúc Thế chiến thứ 2. Ảnh: AFP.

New York Times dẫn truyền thông Trung Quốc cho biết nước này từng sử dụng các biện pháp gây mưa để rửa sạch bầu trời. Vì vậy, những đợt mưa ngay trước ngày duyệt binh có thể là mưa nhân tạo.

Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI) của Bắc Kinh khi đó là 17, tức mức độ an toàn, trong khi ở đỉnh điểm ô nhiễm, AQI Bắc Kinh từng đạt 470, nghĩa là tình trạng độc hại. Chỉ số AQI càng cao, bầu không khí càng ô nhiễm.

Biện pháp ngắn hạn, tác hại về sau

Một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Đại học Bắc Kinh và Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí sẽ quay lại và tồi tệ hơn sau mỗi đợt chính phủ cố gắng tạo ra bầu trời trong xanh.

Biểu đồ về chỉ số chất lượng không khí của Bắc Kinh trước, trong và sau kỳ họp "Lưỡng viện" hồi tháng 3. PM2,5, PM10 lần lượt là chỉ số mật độ hạt bụi đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 và 10 micromet. SO2 là chỉ số lưu huỳnh dioxit trong không khí. Đồ họa: South China Morning Post.

Theo nghiên cứu vừa được công bố trên Chuyên san China Industrial Economics và được South China Morning Post dẫn lại, chỉ số AQI trung bình trong 5 ngày diễn ra kỳ họp "Lưỡng hội" thấp hơn 4,8% so với một ngày trung bình của thời gian đó.

Tuy nhiên, AQI trung bình 5 ngày sau kỳ họp lại cao hơn mức trung bình 8,2%.

Các nhà nghiên cứu lý giải sau mỗi chiến dịch hạn chế ô nhiễm, chính quyền các địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, "bù" vào những ngày đóng cửa nhà máy vừa qua.

"Có một xu hướng của 'đợt ô nhiễm trả đũa' sau các kỳ họp chính trị. Các nhà máy hoạt động hết công suất để bù lại tổn thất trong thời gian họ bị ra lệnh đóng cửa", nhà nghiên cứu Guo Feng của Đại học Bắc Kinh, người đứng đầu công trình này, cho biết.

"Nghiên cứu của chúng tôi đề xuất rằng 'bầu trời xanh chính trị' có thể dễ dàng đạt được trong ngắn hạn nhưng chúng ta sẽ trả giá đắt về sau khi ô nhiễm càng nặng nề hơn", ông Guo nói.

Phương Thảo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bau-troi-xanh-bac-kinh-bi-quyet-va-cai-gia-phai-tra-post706366.html