Bẫy giá trị thấp đã hiện hình: Rất khó vượt qua...

Nếu cứ như hiện nay thì việc rơi vào bẫy giá trị thấp đã hiện hình và khó có thể bước qua được.

Hoàn toàn không bất ngờ trước nhận định của WB khi cho rằng, VN đang ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM nói thẳng, rất khó cải thiện được tình hình này.

Bẫy giá trị thấp đã hiện hình

PV:- Không bất ngờ với nhận định của WB nhưng ông có lạc quan về khả năng chúng ta sẽ cải thiện được tình trạng này không? Liệu có thể coi đây là trái đắng của việc trải thảm đỏ ưu đãi cho FDI?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga:- Tôi không bất ngờ với nhận định trên của WB. Bởi vì lâu nay các DN Việt Nam chủ yếu là tham gia khâu gia công và lắp ráp, trong khi các công đoạn tạo giá trị gia tăng cao như nghiên cứu và phát triển sản phẩm,  đổi mới sáng tạo, thiết kế, sản xuất phụ tùng, cấu kiện lõi, nghiên cứu tiếp thị và bán hàng đều do các thành phần kinh tế nằm ngoài Việt Nam thực hiện.

Khả năng chúng ta cải thiện được tình trạng này về trung hạn ở VN là rất khó khăn bởi, khả năng sáng tạo của bản thân DN trong nước là rất hạn chế. Khả năng sáng tạo của VN chỉ đứng ở vị trí 79/138 nước (năm 2016) theo đánh giá của WB và chúng ta sáng tạo ở những khâu sản xuất mang lại giá trị gia tăng thấp. Năng lực cạnh tranh của VN năm 2016 chỉ đứng thứ 60/138 nước (so với thứ 56 năm 2015), kém Trung Quốc (thứ 28) và Thái Lan (thứ 34), theo báo cáo cạnh tranh toàn cầu của WB.

Trong 3 giai đoạn phát triển thì VN hiện nay đang ở giữa giai đoạn 1 và 2 (giữa động cơ phát triển dựa vào yếu tố sản xuất sang động cơ dựa vào hiệu quả sản xuất và giai đoạn 3 là dựa vào đổi mới sáng tạo) và chúng ta chỉ hơn 35 nền kinh tế và kém hơn so với 86 nền kinh tế.

Tôi cho rằng, có thể đây là trái đắng chúng ta phải nếm trải trong suốt gần 30 năm trải thảm đỏ mời gọi FDI mà chưa có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực và sự ưu ái quá mức với khu vực này. Bởi vì trong giai đoạn đầu phát triển chúng ta chủ yếu dựa vào nguồn nhân công giá rẻ, ưu đãi về thuế và thuê đất đai, cho nên các DN FDI không muốn đầu tư về chiều sâu để mang lại giá trị gia tăng cao và dài hạn.

Hơn nữa nguồn nhân lực của chúng ta còn hạn chế về trình độ, ý thức tổ chức, tác phong công nghiệp và ngoại ngữ, cho nên nguồn nhân lực khó có thể tiếp cận và vận hành máy móc thiết bị công nghệ cao. Hơn nữa sự chiều chuộng quá mức khu vực FDI dẫn tới chúng ta là bãi rác thải công nghệ cho một số nước phát triển. Công nghệ lạc hậu dẫn tới năng suất lao động thấp và tạo giá trị gia tăng thấp.

PV:- Dù vậy, WB lại cho rằng VN vẫn có khả năng hưởng lợi từ việc tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Theo ông, đây có phải là một nhìn nhận lạc quan hay không bởi, bằng số liệu từ Tổng cục Thống kê,  một chuyên gia kinh tế đã chứng minh, hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu của VN thời gian qua có xu hướng giảm trầm trọng?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga:- Tất nhiên, trong chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn khoảng trống để VN tham gia nếu chúng ta sẵn sàng tham gia sâu hơn và chuẩn bị thấu đáo hơn.

Tôi cho rằng, hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu của chúng ta cho dù có giảm nhưng không đến nỗi quá trầm trọng bởi chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi từ giai đoạn sản xuất dựa vào yếu tố sản xuất chuyển sang giai đoạn dựa vào hiệu quả sản xuất. Có thể đây là một bước quá độ của nền kinh tế. Mọi quá trình chuyển đổi đều phải trả giá để tiến lên.

PV:- Về vấn đề này, thậm chí, nhiều người còn cho rằng, Việt Nam đã bị rơi vào bẫy giá trị thấp, bởi chúng ta không có nền tảng về kỹ thuật và nhân lực để có thể được hưởng lợi nhiều hơn trong chuỗi giá trị. Ông có chia sẻ với nhận định này không và vì sao? Làm thế nào để cải thiện tình trạng này và thời điểm này, Việt Nam mới thay đổi liệu còn kịp không?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga:- Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định trên bởi 2 yếu tố nền tảng và trụ cột của tăng trưởng tạo giá trị gia tăng cao là Giáo dục và Công nghệ của VN đều thấp kém. Người VN học giỏi nhưng ít sáng tạo, biết giải toán nhưng chưa biết đặt bài toán cho người khác giải.

Chất lượng hệ thống giáo dục chúng ta xếp thứ 76/138, chất lượng toán và khoa học giáo dục đứng thứ 78/138 nước,  theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của WB 2016 – 2017. Khả năng sẵn sàng với công nghệ đứng thứ 92/138. Tất cả các số liệu này nói lên khả năng chúng ta hưởng lợi nhiều hơn trong chuỗi giá trị là rất khó khăn, thậm trí bất khả thi, ít nhất trong ngắn hạn và trung hạn.

Muốn cải thiện tình hình này, chúng ta không thể một sáng một chiều được, mà cần có chiến lược dài hạn về giáo dục và công nghệ. Nhất là thay đổi thể chế thúc đẩy năng lực sáng tạo, bảo vệ quyền tự do, quyền sở hữu tài sản, trong đó có tài sản trí tuệ, và an toàn bảo vệ cho người dân yên tâm làm việc hiệu quả, sáng tạo và cống hiến.

Thay đổi không bao giờ là muộn cả, muộn còn hơn không và tôi tin tưởng vào trí tuệ VN, vào con người VN, vào khả năng sáng tạo của người VN, vào mong muốn làm giàu cho bản thân và đất nước. Nếu Chính phủ có năng lực kiến tạo để tạo động cơ hợp lý và hành động giúp DN đổi mới,  phát huy mọi tiềm lực và tiềm năng của người dân, khu vực tư nhân đừng cạnh tranh với khu vực tư nhân, khu vực tư nhân không bị cạnh tranh từ phía các DNNN.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bay-gia-tri-thap-da-hien-hinh-rat-kho-vuot-qua-3343030/