'Bay' mất 50%, nhân viên ngân hàng nhỏ vẫn thu nhập 32 triệu đồng/tháng

Mức thu nhập bình quân năm 2016 của nhân viên ngân hàng TMCP Kiên Long là 385 triệu đồng, giảm mạnh so với mức thu nhập bình quân 739 triệu đồng của năm 2012.

Theo báo cáo tài chính năm 2016 của Ngân hàng TMCP Kiên Long (KLB), mức thu nhập bình quân nhân viên trong năm 2016 là 385 triệu đồng. Như vậy, thu nhập bình quân mỗi tháng của nhân viên KLB lên đến 32 triệu đồng.

Tuy nhiên, mức thu nhập này đã giảm mạnh 48% so với mức thu nhập bình quân 739 triệu đồng trong năm 2012. Kể từ đó đến nay, thu nhập bình quân với mỗi nhân viên KLB liên tục giảm dần qua các năm, năm 2016 là 648 triệu đồng, năm 2014 là 467 triệu đồng, và năm 2015 là 423 triệu đồng.

Thu nhập và chi phí hoạt động bình quân mỗi nhân viên của KienLong Bank. Nguồn: BCTC của KLB.

Thu nhập và chi phí hoạt động bình quân mỗi nhân viên của KienLong Bank. Nguồn: BCTC của KLB.

Cùng với mức sụt giảm về thu nhập cho nhân viên, chi phí hoạt động bình quân mỗi nhân viên cũng giảm dần trong 5 năm gần đây. Cụ thể, chi phí hoạt động bình quân mỗi nhân viên năm 2012 là 378 triệu đồng, năm 2013 là 358 triệu đồng, năm 2014 là 293 triệu đồng, năm 2015 là 285 triệu đồng, và năm 2016 giảm nhẹ còn 284 triệu đồng. Cũng trong giai đoạn 2012-2016, số lượng nhân viên của KLB tăng từ 1.500 người lên 2.404 người, trong khi số lượng điểm giao dịch tăng từ 96 điểm lên 117 điểm.

Hiện tại, thị phần huy động và tín dụng của KLB còn rất thấp, chỉ xoay quanh khoảng 0,4%, địa bàn hoạt động chủ yếu tập trung ở khu vực miền Tây Nam Bộ.

KLB cho vay tập trung chủ yếu ở ba lĩnh vực chính là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thương mại và các ngành hoạt động phục vụ cá nhân. Ngân hàng hiện có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tiền thân là ngân hàng nông thôn được thành lập vào năm 1995 với mức vốn điều lệ ban đầu chỉ khoảng 1,2 tỷ đồng.

Năm 2006 KLB được phép chuyển đổi thành ngân hàng TMCP đô thị với vốn điều lệ khi đó là 290 tỷ đồng.

Năm 2016, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của KLB là 16,35%, giảm so với các năm liền trước . Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn cao hơn đáng kể so với quy định tối thiểu 9% của Ngân hàng Nhà nước, và ở mức cao nhất nếu so sánh với CAR của các ngân hàng đang niêm yết. Hệ số an toàn vốn chủ yếu được đảm bảo bằng nguồn vốn cấp 1 và chưa sử dụng đến nguồn vốn cấp 2. Do vậy, trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng phải áp dụng quy định chặt chẽ hơn (theo Thông tư 41), KLB vẫn còn dư địa cho việc nâng cao hệ số an toàn vốn, thông qua việc tăng vốn cấp 2 như phát hành trái phiếu dài hạn.

Hệ số CAR của các ngân hàng niêm yết. Nguồn: VDSC tổng hợp.

Mặc dù là ngân hàng nhóm 3, nhưng tỷ lệ nợ xấu của KLB lại được kiểm soát khá tốt và có xu hướng giảm dần từ năm 2014. Nợ xấu đến thời điểm cuối quý 1/2017 chỉ ở mức xấp xỉ 1%, giảm nhẹ so với cuối năm 2016. Nếu tính thêm trái phiếu đặc biệt sau khi trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ nợ xấu và trái phiếu đặc biệt của KLB là 2,6%, tăng nhẹ so với cuối năm 2016. Tuy vậy, tỷ lệ này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức xấp xỉ 7% của toàn hệ thống, bao gồm nợ xấu và nợ xấu bán qua VAMC.

Ngân Giang

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bay-mat-50-nhan-vien-ngan-hang-nho-van-thu-nhap-32-trieu-dongthang-post230850.info