BCG Energy bắt tay với 'Chaebol' lớn thứ 3 Hàn Quốc triển khai 700 MW năng lượng tái tạo

SK Ecoplant, công ty con của SK Group - tập đoàn 'chaebol' lớn thứ 3 Hàn Quốc, vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với BCG Energy, công ty con của Bamboo Capital (mã cổ phiếu BCG), nhằm phát triển loạt dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Ông Kim Jung-hoon - Giám đốc điều hành Bộ phận Giải pháp của SK Ecoplant và ông Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch BCG Energy trao Biên bản ghi nhớ.

SK Ecoplant và Công ty Cổ phần BCG Energy vừa ký kết thỏa thuận hợp tác và phát triển 700 MW năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

SK Ecoplant là công ty chuyên phụ trách kinh doanh, phát triển năng lượng tái tạo, trực thuộc Tập đoàn SK - tập đoàn gia đình “chaebol” lớn thứ 3 Hàn Quốc với giá trị vốn hóa thị trường đạt 63 tỷ USD.

Doanh nghiệp này đang đẩy mạnh phát triển loạt lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, pin nhiên liệu hydro, hydro xanh và amoniac xanh. Đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi, SK Ecoplant là công ty đầu tiên của Hàn Quốc tạo ra chuỗi giá trị hoàn chỉnh bao gồm phát triển kinh doanh, giấy phép, sản xuất kết cấu, tổng thầu EPC và sản xuất điện.

Trong khi đó, BCG Energy là công ty con phụ trách mảng năng lượng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (mã cổ phiếu BCG - sàn HoSE). BCG Energy hiện đang phát triển và vận hành khoảng 600 MW điện mặt trời và hơn 800 MW điện gió đang được phát triển. Doanh nghiệp này hiện là một trong ba đơn vị phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam.

Theo thỏa thuận, SK Ecoplant và BCG Energy sẽ cùng nhau phát triển 700 MW dự án năng lượng tái tạo bao gồm 300 MW điện gió trên bờ, 300 MW điện mặt trời trên mái nhà và 100 MW điện mặt trời trên mặt đất. Ngoài ra, hai bên sẽ phát triển các dự án năng lượng tái tạo có tiềm năng khác.

Đáng chú ý, SK Ecoplant sẽ tham gia các dự án trên ngay từ giai đoạn phát triển kinh doanh và đảm bảo các dự án sẽ có tín chỉ carbon. Công ty này đã hoàn tất đăng ký tham gia dự án Cơ chế Phát triển Sạch (CDM) của Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) tại Việt Nam vào năm 2021.

Qua đó, SK Ecoplant có thể bán tín chỉ carbon dựa trên các dự án góp phần giảm phát thải khí nhà kính của mình như các dự án năng lượng tái tạo.

Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ của BCG Energy với tổng công suất thiết kế 330 MW, giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2 mỗi năm.

Về phía BCG Energy, công ty đang đặt mục tiêu nâng tổng sản lượng phát điện lên mức 2.000 MW vào năm 2025 và sẵn sàng vươn tầm quốc tế. Đáng chú ý, BCG Energy vừa có động thái mở rộng sang lĩnh vực điện rác với việc mua lại cổ phần Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa - đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác thải tại TP.Hồ Chí Minh.

Dự kiến, BCG Energy sẽ triển khai 2 dự án nhà máy đốt rác phát điện tại TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Long An với tổng mức đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng.

Với việc Quy hoạch Điện VIII đã được ban hành vào tháng 5/2023, hứa hẹn tạo bước ngoặt cho lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung, BCG Energy nói riêng khi điện năng lượng tái tạo được nâng tỷ lệ đóng góp từ 30,9 - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.

Trước khi bắt tay hợp tác với BCG Energy, SK Ecoplant đã hợp tác với Nami Solar (Việt Nam) thành lập liên doanh Saturn Solar Energy để đầu tư các dự án điện mặt trời áp mái tại 4 khu công nghiệp ở miền Trung và miền Nam, tổng quy mô 250 MW với số vốn 200 triệu USD trong vòng 4 năm.

Trong liên doanh này, SK Ecoplant sẽ phụ trách đăng ký, cấp, chuyển đổi và bán các tín chỉ carbon. Trong khi đó, Nami Solar sẽ phụ trách các công việc liên quan đến phát triển dự án, giấy phép hoạt động, hợp đồng mua bán điện trực tiếp, thiết kế, huy động vốn, thi công và vận hành dự án.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/bcg-energy-bat-tay-voi-chaebol-lon-thu-3-han-quoc-trien-khai-700-mw-nang-luong-tai-tao-118528.htm