BĐS dự án "khủng" vốn ngoại: Hớt váng xong... gãy cánh

Nhiều dự án BĐS gắn mác chủ đầu tư nước ngoài từng được săn đón bởi "thiết kế hiện đại, giữ lời hứa tiến độ xây dựng và bàn giao nhà, quản lý tiên tiến" ... nay cũng chung cảnh đắp chiếu, gãy cánh... hàng loạt vì thiếu vốn, ế ẩm, thậm chí chủ đầu tư ôm tiền bỏ trốn khiến khách hàng hốt hoảng vác đơn kiện tụng khắp nơi.

Một dự khu vực phía Tây được mệnh danh là "nhà trong công viên" - Dự án đô thị Công viên ParkCity tại Hà Đông, Hà Nội là một đại diện của chậm trễ và èo uột của dự án vốn ngoại. Sau ngày khởi công đến nay vẫn cỏ mọc um tùm, cọc sắt hoen gỉ. Cách đây ít lâu, ParkCity được biết đến như một dự án đình đám tại đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông. ParkCity Hà Nội có quy mô 77,45 ha, với quảng cáo là nhà ở trong công viên.

Park City thời điểm hiện tại sau khi Vinaconex thoái vốn.

Chủ đầu tư là Công ty CP Phát triển đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC) - công ty liên doanh giữa Perdana ParkCity (Singapore) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Vinaconex - Hoàng Thành. Theo kế hoạch, giai đoạn I và II của khu đô thị ParkCity Hà Nội sẽ hoàn thành vào năm 2014 và toàn bộ dự án khu đô thị sẽ được phát triển và hoàn thiện đồng bộ trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, khi thị trường khó khăn, bản thân Vinaconex cũng phải thoái vốn tại dự án để lấy tiền lo việc khác. Nhà đầu tư ngoại cũng không khá hơn khi để mặc dự án hoang phế, khách hàng chôn tiền vào đây tiếp tục thấp thỏm dài cổ chờ đợi.

Đây mới chỉ là 3 dự án trong số những dự án gắn mác chủ đầu tư nước ngoài được săn đón từ thời BĐS còn hoàng kim. Chủ đầu tư ngoại nghiễm nhiên được tâm lý vọng ngoại chuộng, với những quảng cáo như thiết kế hiện đại, giữ lời hứa tiến độ xây dựng và bàn giao nhà, quản lý tinh tường... thì nay cũng gãy cánh hàng loạt.

Được cấp phép từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 5 tỷ USD, Gamuda City (quận Hoàng Mai, Hà Nội) của liên doanh Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) được săn đón nóng sốt ở thời điểm mà BĐS đang mua 1 bán 10.

Tuy nhiên, không được bao lâu, cùng với sự chậm trễ tiến độ, dự án cũng rơi vào thị trường tuột đáy, viễn cảnh cảnh sang trọng hoành tráng được vẽ ra trước đó chưa thấy, dự án hiện giờ chỉ là cảnh hoang phế, cỏ mọc đìu hiu.

Mới đây, ông Cheong Ho Kuan, Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam khẳng định sẽ “phát triển dự án trong dài hạn, 8 - 10 năm, và sẽ theo đuổi mục tiêu đến cùng”.

Nhưng liệu với một thị trường đáy như hiện nay, tiền có quá nhiều cơ hội đầu tư vào những chỗ rẻ hơn, cái mốc 8-10 năm như lời hứa của ông quả là thử thách khách hàng.

Với thời gian đầu từ 10 năm, nếu đúng tiến độ thì Gamuda City phải hoàn thiện vào năm 2016. Tuy nhiên, cái mốc 8-10 năm nữa cũng chưa lấy gì làm chắc chắn càng làm nản lòng những người đã đổ vốn vào đây. Lãnh đạo công ty thừa nhận với tình hình của thị trường như hiện nay, việc triển khai dự án không thể phụ thuộc vào người mua. Thậm chí, trong số những khách hàng đã mua nhà, thì cũng không ít người gặp khó khăn về dòng tiền, nên đóng tiền chậm so với tiến độ xây dựng.

Thậm chí "đau" nhất là chủ người nước ngoài biến mất, bỏ lại hàng trăm khách hàng như rơi xuống vực khi tiền tỷ trong tay bỗng chốc "bốc hơi" không biết bấu víu vào đâu để đòi lại.

Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, số khách hàng mua nhà tại dự án nói trên đã kéo đến trụ sở của chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư Minh Việt (Minh Việt) ở tòa nhà C1, D6 phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) để đòi tiền mua nhà đã nộp. Thế nhưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Cty MV là ông Edward Chi người Mỹ gốc Trung Quốc đã biến mất cùng với hàng trăm tỷ của khách hàng. Trụ sở đi thuê này cũng đã bị tháo dỡ biển tên vì nhiều tháng không trả tiền cho chủ nhà, không còn ai để khách hàng có thể liên lạc. Khóc dở mếu dở trước tình cảnh này, khách hàng mua nhà tại dự án Tricon Tower ở Bắc An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) đã tiếp tục đồng loạt gửi đơn khiếu nại đến gần 30 cơ quan chức năng trong ngày 1/8.

Dự án Tricon Tower gãy cánh, chủ đầu tư ngoại ôm tiền bỏ trốn.

Theo bản hợp đồng mua bán tại dự án mà PV có được thì chủ đầu tư cam kết trước hoặc vào ngày 30.6.2012 sẽ bàn giao nhà. Song, hiện tại dự án này mới thi công xong phần hầm, móng và đã “bỏ hoang” khiến sắt thép hoen gỉ. Còn các khách hàng thì đã đóng tiền từ 50 – 70%, tức là số đông đã nộp cho chủ đầu tư 3 – 4 tỷ đồng, thậm chí có người đã nộp tới 14 tỷ đồng. Hiện cơ quan công an đã vào cuộc để xác minh sự việc, lấy lời khai để hoàn thiện hồ sơ xử lý vụ việc.

Phát hiện nhà đầu tư nước ngoài đăng ký dự án với số vốn lên tới 3-4 tỷ USD nhưng vốn thực sự họ mang vào Việt Nam lại chỉ chiếm một phần rất ít, sau đó họ cũng huy động vốn bán căn hộ theo đợt không khác gì các chủ đầu tư nội thiếu vốn đã được các chuyên gia phát hiện và cảnh báo về con số "ảo" của vốn FĐI vào BĐS. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhà đầu tư ngoại vẫn mặc sức hớt váng thị trường, để đến khi mắc kẹt thì đem khách hàng bỏ chợ.

Chưa xét đến những dự án chây ì tiến độ, khách hàng treo tiền vào dự án không biết ngày nào nhận nhà, thì việc chủ đầu tư người nước ngoài bỏ trốn như Tricon Tower khiến thị trường rúng động. Nhiều người mua nhà tại các dự án vốn ngoại cũng nơm nớp, thấp thỏm theo dõi chủ đầu tư của dự án đã trót xuống tiền.

Song việc xử lý vụ việc phức tạp như Tricon Tower không đơn giản khi chủ đầu tư đã mất dạng mà cơ quan quản lý trực tiếp là Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội chưa biết xoay sở ra sao khi bị quy trách nhiệm quản lý lỏng lẻo. Khách hàng vẫn là người chịu trận khi trót thả gà ra đuổi...

Bộ Xây dựng - cơ quan quản lý thị trường BĐS, đã nhận ra thực tế này và đang tìm hướng điều chỉnh. Luồng vốn BĐS từ nước ngoài gần đây tiếp tục đổ vào BĐS, song hầu hết là các dự án đầu tư mua lại khách sạn, cao ốc văn phòng.

H.G

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Kinh-doanh/BDS-du-an-khung-von-ngoai-Hot-vang-xong-gay-canh/101235.info