Bé gái tử vong khi ngã vào xô nước

Do sơ cứu không đúng cách của người lớn, một bé gái ngã vào xô nước và một bé khác ngã xuống ao tôm đã tử vong.

Chiều 6/6, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 2 ca trẻ tử vong do đuối nước. Ca thứ nhất là bé trai 2 tuổi nhà ở quận 8, TP HCM. Người nhà cho biết không thấy bé khoảng 5 phút chia nhau đi tìm thì phát hiện bé nổi ở ao nuôi tôm.

Khi được đưa đến bệnh viện, bé đã tím tái và ngưng tim, ngưng thở. Thời gian tính từ khi vớt đến khi vào bệnh viện đầu tiên khoảng 15 phút. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ hồi sức chống sốc nhưng bé không qua khỏi. Đồng tử giãn, não tổn thương, bé lịm dần sau vài giờ hồi sinh.

Một bé gái khác ở Đồng Nai khoảng 13 tháng tuổi được người nhà phát hiện trong tình trạng cắm đầu vào xô nước. Khi được vớt lên, bé đã tím tái. Tại bệnh viện huyện, nạn nhân tiếp tục co gồng, đồng tử giãn.

Theo bác sĩ Phương, hô hấp nhân tạo là cách tốt nhất để tiếp thêm oxy lên não khi trẻ bị đuối nước. Ảnh minh họa.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã dùng thuốc vận mạch. Tim của bé đập lại nhưng vẫn nguy kịch. "Chúng tôi đã dùng mọi loại thuốc tốt nhất để hồi sức cho bé nhưng 2 ngày sau, bệnh nhi qua đời", bác sĩ Phương nói.

Theo bác sĩ Phương, chết đuối là tai nạn thường gặp nhất tại khoa Cấp cứu của bệnh viện, bao gồm ngạt nước tại nhà hoặc do tắm sông suối. Loại tai nạn này nhiều hơn nữa trong mùa hè, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận vài chục ca ngạt, phần lớn bị biến chứng và tử vong.

Bác sĩ Phương khuyên phụ huynh nên cẩn trọng trong việc trông trẻ. Không nên để trẻ tự đi chơi ở các khu vực gần sông hồ, kênh rạch. Các xô, thau chậu chứa nước cũng phải đậy kín. Di chứng có thể xảy ra nếu trẻ ngập đầu trong nước chỉ 4-5 phút. Trong tai nạn ngạt nước, việc sơ cứu là rất quan trọng.

Khi phát hiện trẻ ngạt nước, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực trẻ có biến chuyển hay không. Nếu lồng ngực không cử động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim không.

Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim trẻ đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (ép tim 15 cái, thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có một người, sau đó vừa tiếp tục hô hấp nhân tạo, vừa đưa trẻ đi viện.

Nếu trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên, cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn. Tuyệt đối không nên dốc ngược nạn nhân, vác lên vai chạy. Đây là hành động hoàn toàn sai vì làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Hơn nữa, khi ngạt nước, thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ. Nước sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.

Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng tổn thương não sau này nếu bệnh nhân còn sống. Điều này là do thiếu oxy ở các tổ chức trong một thời gian dài, đặc biệt là não.

Khánh Trung

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nga-vao-xo-nuoc-be-gai-chet-duoi-trong-nha-post655554.html