Bé trai suýt mất mạng vì tự chữa thủy đậu: Bác sỹ cảnh báo nguy cơ dùng thuốc lá

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận cháu Đinh Công P. (4 tháng tuổi), con anh Đinh Văn Bính (SN 1986) và chị Đào Thị Khuyên (1989), trú tại khu 1 Thống Nhất, xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập, Phú Thọ, được chuyển lên từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng nhiễm độc, nhiễm trùng da rất nặng khi điều trị bệnh thủy đậu bằng nước lá.

Theo các bác sĩ, khi vào viện, cơ thể bé P. lở loét, các nốt phát ban chảy nước, bốc mùi hôi tanh, cháu khóc liên tục do tổn thương vùng miệng khiến bé không thể bú mẹ.

Tiên lượng đây là một trường hợp nhiễm độc, nhiễm trùng rất nặng nên các bác sĩ đã đưa ra phương pháp điều trị tối ưu cho cháu.

Cháu P. lúc nhập viện toàn thân bị bong tróc vảy. (Ảnh: CTV).

Trả lời phỏng vấn PV báo điện tử VTC News, anh Đinh Văn Bính (SN 1986, bố của cháu P.) cho biết, do tin theo các chữa dân gian nên anh đã cho bé tắm nước lá, không ngờ lại biến chứng nặng như vậy.

“Khoảng 2 tuần trước, gia đình tôi có vợ cùng ba người con cùng bị bệnh thủy đậu. Khi hai cháu lớn và mẹ cùng tắm nước lá thì khỏi bệnh, chúng tôi tin vào phương pháp chữa dân gian nên cũng cho cháu P. tắm nước lá kim ngân hoa và rau mùi để trị bệnh.

Tuy nhiên, đến đêm cùng ngày, cháu P. sốt cao, nổi bọng nước xung quanh, vết vỡ mưng mủ, chảy máu. Thấy thế nên tôi đã đưa cháu lên bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh nhưng các bác sĩ bảo nặng quá phải chuyển lên tuyến trung ương”, anh Bính thông tin.

Được biết, gia đình anh Đinh Công Bính là người dân tộc Mường, gia đình, họ hàng đều là hộ nghèo. Anh chị mua tạm một căn nhà lá để lấy chỗ tránh mưa, tránh gió.

Hiện nay, một mình anh Bính làm thợ xây, tiền công chẳng đáng là bao, lại phải nuôi cả gia đình (vợ và 3 người con). Còn chị Khuyên (vợ anh Bính) chỉ ở nhà làm ruộng và chăm sóc 3 người con nhỏ. Khi nhập viện cho cháu, anh không có tiền, phải đi vay mọi người xung quanh nhưng cũng chẳng được đáng là bao.

“Hôm cháu nhập viện, gia đình không còn tiền, nhưng vì nguy kịch quá nên không còn cách nào khác. Khi xuống Bệnh viện Nhi Trung ương, gia đình cũng nhận được sự quan tâm của các y, bác sĩ tại đây, họ rất tận tình, chu đáo. Thêm vào đó, nhiều người biết gia đình hoàn cảnh éo le nên đã quyên góp chút tiền ủng hộ vợ chồng tôi để lo cho cháu.

Cũng may, cháu P. cũng đỡ dần, nửa tháng nay tôi phải nhờ bà ngoại cháu chăm thêm 2 đứa con nữa (một cháu 7 tuổi, một cháu 5 tuổi) để vợ chồng tôi ở dưới này lo cho con”, anh Bính cho biết.

Hiện nay, sau nhiều ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sức khỏe cháu P. đã tiến triển tốt, cháu đã bú được và ngủ được, nhưng vẫn cần theo dõi thêm tại bệnh viện vì sợ bệnh sẽ nhiễm trùng vào máu.

Sau nhiều ngày điều trị, cháu P. đã ổn định sức khỏe những vẫn cần được theo dõi thêm. (Ảnh: Phương Thảo).

Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), việc dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc cho trẻ sẽ gây những biến chứng nguy hiểm.

“Hiện nay, nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn giữ thói quen dùng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc để tự chữa bệnh ngoài da cho trẻ. Chuyện gia đình tắm cho trẻ bằng nước lá cây khi trẻ bị thủy đậu, gây ra tình trạng nhiễm độc da toàn thân như trường hợp bé P. rất thường gặp tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ban đầu, cháu bé chỉ bị thủy đậu, là một bệnh nhiễm virus gây tổn thương da mức độ vừa phải song gia đình không dùng thuốc điều trị mà tự xử trí không đúng cách, khiến các tổn thương trên da trở nên trầm trọng hơn” bác sĩ Hải cho biết.

Ngoài ra, bác sĩ Hải cũng đưa ra lời khuyên rằng, thủy đậu là một bệnh lành tính, tổn thương trên da của trẻ nếu được chăm sóc vệ sinh đúng cách sẽ nhanh chóng hồi phục.

Cách chăm sóc da tốt nhất cho trẻ bị thủy đậu là: tắm rửa sạch sẽ cho bé, bôi sát trùng, không được cậy vỡ các nốt trên da vì dưới nền các mụn nước đó lớp da mới chưa đầy đủ chức năng ngăn chặn nhiễm khuẩn.

Mọi đóng góp của nhà hảo tâm xin gửi về:

Gia đình anh Đinh Công Bính (bố cháu P.) ; Điện thoại: 01687674286; Địa chỉ: khu 1 Thống Nhất, xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập, Phú Thọ.

Hiện tại, cháu P. đang điều trị tại Phòng 216, nhà K, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương.

>>> Đọc thêm: Sai lầm phổ biến của người Việt khi điều trị bệnh thủy đậu

Video: Xót xa bé 4 tháng tuổi nhiễm trùng da do tắm lá

Phương Thảo

Tin tài trợ

Nguồn VTC: http://vtc.vn/suc-khoe/chua-thuy-dau-bang-nuoc-la-be-trai-4-thang-tuoi-suyt-mat-mang-d312446.html