Bê trễ như cơ khí nông nghiệp

Nếu không có những hỗ trợ rõ ràng hướng trực tiếp vào các khâu đào tạo nhân lực kỹ thuật, liên kết hợp tác công tư, hợp tác với DN FDI… thì thị trường máy nông nghiệp trong những năm tới vẫn sẽ vắng bóng sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Theo cập nhật mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2013 Việt Nam đã chi ra khoảng 12,4 tỷ USD để nhập khẩu vật tư nông nghiệp các loại. Trong số đó, một phần lớn được đầu tư để mua sắm các loại máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất.

Thực tế cho thấy, hiện nay các loại máy nông nghiệp được sản xuất tại Việt Nam (gồm cả chế tạo, lắp ráp) mới chỉ chiếm khoảng 15 - 20% thị phần, số còn lại là máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc (60%), Nhật Bản, Hàn Quốc. Với việc phải bỏ hàng chục tỷ USD mỗi năm để nhập về các loại máy móc - thiết bị nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang gây lãng phí lớn và phát triển thiếu bền vững đối với thị trường công nghiệp phục vụ nông nghiệp.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đánh giá một cách công bằng, thị trường máy móc - thiết bị nông nghiệp ở Việt Nam đang đi đúng quỹ đạo của cơ chế thị trường. Các DN sản xuất máy nông nghiệp trong nước lép vế so với các DN nước ngoài không phải nằm ở khâu chế tạo, sản xuất mà nằm ở năng lực cạnh tranh về giá cả, cũng như mẫu mã sản phẩm. Hiện nay, ngoài Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đáng kể trên thị trường thì các DN tư nhân gần như chỉ chiếm được thị phần rất nhỏ. Ngay cả các DN có nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm thì cũng khó chiếm thị phần do máy nhập ngoại luôn có số lượng áp đảo và được nông dân ưa chuộng.

Chính vì không có thị phần, không cạnh tranh được về giá cả cũng như không có sự đa dạng về sản phẩm nên dù tỷ suất lợi nhuận khá cao nhưng các DN cơ khí trong nước hạn chế đầu tư tài sản cố định cho phát triển mới và mở rộng quy mô.

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, lợi nhuận sau thuế của một công ty cơ khí trong nước tối đa chỉ đạt khoảng 50 tỷ đồng/năm so với tổng tài sản trên dưới 100 tỷ đồng. Họ chỉ dành từ 3-44% lợi nhuận để đầu tư sản phẩm mới. Điều này có nghĩa rằng, hầu hết các công ty cơ khí nông nghiệp chỉ đầu tư thay thế mà ít đầu tư mở rộng sản xuất. Thế nên, đa số các công ty không có nhu cầu vay vốn từ NH để phục vụ cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới hoặc mở rộng quy mô.

Dưới lăng kính vốn đầu tư thì ở thời điểm hiện nay, các DN ngành cơ khí nông nghiệp không có nhiều vướng mắc. Trong khi đó, việc đầu tư vào các sản phẩm mới thường không cần đến một lượng tiền quá lớn, thậm chí một số cơ sở tư nhân có số vốn khoảng 10 tỷ đồng là đã có thể sản xuất một số dòng sản phẩm phù hợp. Khi thị trường cơ khí nông nghiệp không đủ lớn, hầu hết các DN chọn hướng hạn chế mở rộng và tìm cách mua ngay, bán ngay sản phẩm cuối cùng, dù rằng sẽ bất lợi cho tương lai thị phần của các công ty nội địa. Do vậy, nhu cầu vay vốn ở khối DN này rất thấp và sự tăng trưởng tín dụng của các NH đối với nhóm khách hàng này gần như không đáng kể.

Sự chấp nhận nhường chỗ cho các nhà sản xuất từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, xét đến cùng nguyên nhân chính không nằm ở phía năng lực của DN nội địa mà là do cách thức quản lý, phát triển thị trường cơ khí nông nghiệp từ nhiều năm nay bị bỏ lửng, không có sự đầu tư mang tính hệ thống và đồng bộ.

Những năm gần đây, Chính phủ đã có những chính sách mới quan tâm và ưu đãi nhiều hơn cho hoạt động phát triển cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu không có những hỗ trợ rõ ràng hướng trực tiếp vào các khâu đào tạo nhân lực kỹ thuật, liên kết hợp tác công tư, hợp tác với DN FDI… thì thị trường máy nông nghiệp trong những năm tới vẫn sẽ vắng bóng sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/5-be-tre-nhu-co-khi-nong-nghiep-25745.html