“Bên kia rừng rậm” là…

Không bó hẹp, định hình trong một nội dung, thông điệp cụ thể, triển lãm “Bên kia rừng rậm” của nghệ sĩ Trương Công Tùng chỉ đóng vai trò như chất xúc tác dẫn dắt, gợi mở để khán giả chiêm nghiệm về những vấn đề của một cộng đồng người hay xã hội đương thời: sự còn – mất, lạc hậu – văn minh, hư – thực… “Bên kia rừng rậm” là gì? Khán giả sẽ phải tự tìm câu trả lời cho riêng mình.

Triển lãm “Bên kia rừng tậm” vừa được khai mạc tối qua tại phòng trưng bày nghệ thuật Nhà Sàn Collective (số 1 Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Phần lớn khán giả tham dự là những người trẻ yêu mến nghệ thuật và giới nghệ sĩ, bạn bè của Trương Công Tùng.

Đây là 1 trong 6 triển lãm thuộc chuỗi dự án “Những chân trời có người bay 3” (gọi tắt là Chân trời 3). Dự án bắt đầu từ năm 2014 với ý tưởng “viễn du” và “giới hạn”. Trong khuôn khổ chương trình, 11 dự án nghệ thuật được thực hiện xoay quanh các vấn đề lịch sử quốc gia phức tạp, văn hóa đứt gãy, di cư, khai thác tận diệt nguồn nhân lực và thiên nhiên, đô thị hóa và vấn đề về giới tại Việt Nam.

Câu chuyện không của riêng người Jarai

Không gian triển lãm “Bên kia rừng rậm”

Lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hóa của người dân tộc Jarai ở Tây Nguyên – vốn là quê hương của người nghệ sĩ, Trương Công Tùng đã “mượn” những suy tư, chiêm nghiệm về cộng đồng người này để đề cập đến sự thay đổi của xã hội, những vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo và chính trị.

Triển lãm “Bên kia rừng rậm” sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật: điêu khắc, sắp đặt từ những hòn đất, ảnh, tranh, video art tác động mạnh mẽ tới các giác quan của khán giả. Những mẫu vật được lấy từ Tây Nguyên, video art là những hình ảnh cuộc sống của người Jarai hiện tại… nhưng lại không chỉ nói riêng về người Jarai.

Trương Công Tùng chia sẻ: “Có người nói triển lãm này như cuộc kiếm tìm của những người Tây Nguyên. Nói thật tôi không có ý nói về những điều to tát như thế. Hình ảnh trong video art đơn giản là những thứ gần gũi, quen thuộc với tôi nhất. Thông qua đó tôi muốn câu chuyện được mở rộng ra với nhiều người ở những bối cảnh, vùng miền khác nhau. Nó có thể là câu chuyện ở Jarai hoặc ở nơi nào đó”.

Mỗi hòn đất mang trong mình một câu chuyện về đất và người

Mỗi hòn đất mỗi màu sắc, kích cỡ, có khi chỉ là những mẩu vụn, từng con bọ rừng, khung ảnh, vòng hoa… đến cả tiếng hú vọng trong rừng xuất hiện trong triển lãm đều mang câu chuyện của riêng nó. Trương Công Tùng đã khám phá ra vô vàn câu chuyện trong đó, rồi chọn ra những lát cắt, hình ảnh tiêu biểu mà anh coi đó là “từ khóa” để mang ra trưng bày, nhằm gợi mở cho khán giả tự suy tưởng, liên hệ tới nhiều vấn đề cuộc sống theo cách riêng của mình.

Nói về những cảm nhận khi xem triển lãm “Bên kia rừng rậm”, nghệ sĩ Phan Thảo Nguyên chia sẻ: “Đây là triển lãm khá đa phương tiện vừa có điêu khắc, vừa có sắp đặt, video, tranh vẽ. Nội dung không quá cụ thể hoặc đặt nặng về giáo lý mà gợi mở để khán giả có thể tiếp cận tới cái họ muốn hiểu. Tôi nghĩ muốn hiểu tác phẩm dễ dàng hơn thì nên đọc thuyết minh của nghệ sĩ. Nếu đọc kỹ thuyết minh đó, có thể thấy tác phẩm này muốn nói tới nhiều vấn đề như: di dân ở Tây Nguyên, phá rừng, sự can thiệp của chính phủ lên lối sống và tâm tư của người dân tộc”.

Lần đầu bước vào không gian triển lãm, chắc chắn khán giả sẽ bị ấn tượng bởi những hòn đất nằm la liệt dưới đất, sắp đặt trong không gian mà Trương Công Tùng đặt tên là “Đất thiên đường, đất địa ngục, đất cứu rỗi, đất sám hối, đất quỷ quái, đất thánh thần…”. Tác giả không tạo hình những hòn đất mà nhặt lại khi người ta khoan sâu xuống lòng đất, thậm chí đến hơn 100m để tìm nguồn nước.

Video art của Trương Công Tùng

Chỉ một chi tiết đó nhưng ngầm ý nói rằng: Tây Nguyên đang bị khô hạn, người dân không có nước để sinh sống. Hoặc cũng có thể hiểu khoan giếng để tìm nguồn nước tưới tiêu cây công nghiệp vì ở Tây Nguyên bây giờ người ta phá rừng trồng cây công nghiệp rất nhiều. Những hòn đất cũng tạo ấn tượng mạnh về mặt thị giác nhờ mang nhiều kích thước, màu sắc do ở các tầng đất khác nhau. Theo Phan Thảo Nguyên, những hòn đất này gợi cho chị liên tưởng tới những giai tầng văn hóa, những câu chuyện lịch sử, địa lý không liên kết được với nhau nữa mà vỡ vụn. Ví như những cuộc chiến đã “làm cho một nền văn hóa bị đứt gãy, vỡ vụn” – chị Thảo hình dung.

Là một trong những giám tuyển của triển lãm “Bên kia rừng rậm”, chị Lê Thuận Uyên cho rằng: “Tôi không nghĩ triển lãm này là để giúp khán giả hiểu hơn về người dân Jarai. Cái mình nhìn là những dấu hiệu để tự đưa ra câu chuyện của mình với cái hiểu của mình về Tây Nguyên, Jarai hoặc nghệ thuật chứ không có một câu chuyện cố định nào hết”.

Giấc mơ xấu

Vòng hoa trắng treo trên tường xám gợi cảm giác hoang lanh, ớn người

Với những người không chuyên, triển lãm “Bên kia rừng rậm” khá khó xem vì nó buộc khán giả phải chiêm nghiệm, đi tìm câu trả lời cho những vấn đế mình thắc mắc chứ không phải kiểu “mỳ ăn liền” được tác giả chuẩn bị sẵn. Vai trò của tác giả ở đây bị lu mờ khi tác phẩm đã được mang ra trưng bày trước công chúng.

Đây cũng là lý do vòng hoa trắng xuất hiện với tên gọi “Phía rừng xa”. Tác giả Trương Công Tùng lý giải: “Tôi quan niệm khi mình bày tác phẩm ra thì tiếng nói của tác phẩm không phụ thuộc vào mình nữa mà sẽ phụ thuộc vào người khác, giống như đã mất đi. Tôi đặt vòng hoa trắng để kể câu chuyện, như phần nhỏ để gợi mở nhiều thứ hơn. Vòng hoa là của sự hoang lạnh, cái chết, đó là cảm giác tôi muốn mọi người suy nghĩ tới”.

Tác giả cũng chia sẻ, qua hình tượng vòng hoa trắng anh muốn kể về một giấc mơ xấu của mình. Cùng với những hình ảnh con bọ bay loạn trong video art, Trương Công Tùng muốn cảnh báo về những điều sắp xảy ra trong tương lai. Anh nói: “Tôi đặt chồng 2 video quay cảnh mọi người di chuyển và những con bọ lên nhau để nói về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, đồng thời đặt ra câu hỏi: Con người hay tự nhiên quan trọng? Đặc tính của những con bọ là khi gặp nguy hiểm, thay đổi thời tiết hay có gì đó sắp xảy ra, nó sẽ bay lên khỏi mặt đất. Tôi muốn dùng hình tượng này để gợi mở nhiều vấn đề cho công chúng”.

Những mặt người bị xóa nhòa gợi suy tưởng về việc định dạng, định hình tôi là ai, tôi thấy gì…

Khai thác đề tài “Bên kia rừng rậm”, nhưng trong video art dài 59 phút của Trương Công Tùng hiện lên chỉ thấy một màu đen trầm lặng của đêm, đến ban ngày cũng không sáng rõ mà mờ ảo, nhòe nhoẹt như nhiễm khói sương. Từ đầu đến cuối phim, hình ảnh xuất hiện nhiều nhất là mái nhà xiêu vẹo lụp xụp, những kiếp người đơn độc không trên cánh đồng hoang hóa, trơ ra lớp đất bạc màu, cái cây khẳng khiu đơn độc trước cửa nhà gần như cũng đã cạn sức sống. Rừng bị tàn phá. Cuộc sống con người cũng héo tàn theo, những cánh rừng rậm chỉ có chăng chỉ còn trong hồi ức… Những hình ảnh đó cứ lặp lại, trong tiếng hú vang vọng đến lạnh người. Tiếng hú vừa để gọi nhau trong rừng hoặc xua đuổi thú dữ. Nhưng khi được lồng trong cảnh thì tiếng hú cũng để nói về câu chuyện khác.

Bởi thế “Bên kia rừng rậm” giống như một mở đề Trương Công Tùng đưa ra nhằm khơi gợi tò mò, sức khám phá, tìm hiểu ở mỗi khán giả. “Lấy tên “Bên kia rừng rậm”, tôi muốn nói về ngôi làng của mình ở bên rừng. Ngày xưa cây rừng còn nhiều nhưng bây giờ không còn nữa vì bị phá đi trồng cây công nghiệp. Đồng thời nói “Bên kia rừng rậm” là nói về vị trí (của cộng đồng, cá nhân) và sự giác ngộ, nhận thức. Bạn sẽ thấy được gì nếu đi qua rừng rậm? Bên kia rừng rậm cũng là ẩn dụ về việc chúng ta đi, thấy và nhận biết cái gì đang diễn ra, cả những điều nhỏ nhặt bình thường”.

Nhà làm phim Đỗ Văn Hoàng đánh giá cao triển lãm của Trương Công Tùng. Anh nhận định: “Tôi thấy đây là triển lãm có phong vị tương đối khác so với những triển lãm nghệ thuật đương đại khác. Về mặt tri thức, tôi thấy có cái nhìn rộng rãi hơn về những vùng đất, huyền thoại hay hiện thực khác. Về mặt thị giác, những sắp đặt hay video, tranh đều rất hấp dẫn, gợi nhiều suy tưởng cho người xem. Tôi không nghĩ triển lãm này kén khán giả mà phụ thuộc vào kiên trì của người trải nghiệm. Đôi khi mọi người quá rụt rè, có thể hơi thiếu cởi mở với nghệ sĩ nên có khoảng cách thôi. Nếu kiên trì nhiều hơn một chút, giống như cách dành thời gian để xem phim ngoài rạp, thì tôi tin chắc khi bước vào không gian này, ai cũng có những trải nghiệm rất riêng”.

Xem thêm:

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/%e2%80%9cben-kia-rung-ram%e2%80%9d-la%e2%80%a6