Bến Sầm Sơn - điểm đầu tiên đón đồng bào miền Nam ra Bắc

Ngày 15/10/1954, theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ, bến Sầm Sơn (nay là cảng Lạch Hới) là điểm đầu tiên trên đất Bắc đón các cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc theo hiệp định Giơnevơ.

Sự kiện này đã trôi qua 55 năm nhưng những ký ức, tình cảm về những ngày đón đồng bào miền Nam vẫn còn in sâu đậm trong tâm trí của nhiều người dân Sầm Sơn. Điểm dừng đầu tiên của đồng bào miền Nam Ông Nguyễn Xuân Dấn, trưởng ban Tuyên giáo thị xã Sầm Sơn cho biết, theo lịch sử đảng bộ thị xã Sầm Sơn từ ngày 15/10/1954 đến 1/5/1955, cán bộ đảng viên, người dân thị xã Sầm Sơn được giao nhiệm vụ đón tiếp, chăm sóc đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại bến Sầm Sơn. Chuyến tàu đầu tiên cập bến là người Pháp trao trả những chiến sĩ của ta bị bắt, hàng ngàn người dân đứng hai bên đường chào đón những chiến sĩ thân yêu của mình trở về. Các tù binh Pháp cũng được đưa xuống tàu để trở về đất Pháp. Tất cả có tới 7 lần người dân huy động thuyền ra chở và đón tiếp 1.869 thương binh, bệnh binh, 47.346 cán bộ, 5.922 học sinh, 1.443 gia đình cán bộ là con em miền Nam ruột thịt cập bến Sầm Sơn. Ông Trần Trí Hợi, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Tiến lúc bấy giờ, đồng thời là người lãnh đạo, tổ chức cho nhân dân đón đồng bào miền Nam cập bến Sầm Sơn để tập kết ra Bắc, kể lại: Hồi đó, thực hiện chủ trương của Đảng, Bác Hồ, các tổ chức đảng ở Sầm Sơn và nhân dân đã khẩn trương xây dựng khu lán A dài 500 m, rộng 30 m dọc bến xóm Toàn đến Thành Lập; khu lán B ở phía Tây xóm Phúc, để đón đồng bào miền Nam, do các chuyến tàu chuyên chở quá lớn nên phải đậu cách xa đất liền vài cây số. Vì vậy, người dân phải huy động thuyền nhỏ chèo bằng tay để ra đưa đồng bào miền Nam vào bờ an toàn. "Bến Sầm Sơn là điểm đầu tiên đồng bào miền Nam dừng chân, sau đó hầu hết các đồng bào được di chuyển, phân công đến các địa phương ở miền Bắc công tác, học tập và xây dựng kinh tế", ông Hợi nói. Ký ức của một người thầy Ông Đàm Lê Cẩn, 76 tuổi, nguyên là giáo viên dạy các em học sinh của đồng bào miền Nam gửi ra Bắc, kể lại, khoảng tháng 6/1954, thầy được Ty giáo dục (nay là Sở Giáo dục & Đào tạo Thanh Hóa) điều động về trường cấp 2 ở đây dạy chữ cho con em đồng bào miền Nam. Ngày đó, bố mẹ các em, sau khi cập bến Sầm Sơn phải tập kết ra Bắc để công tác. Các em học hồi đó có độ tuổi từ 9 đến 16, được lên xe tải đưa về trường, bố trí nơi ăn, ở rất chu đáo, được lắp cả máy phát điện phục vụ sinh hoạt, học hành. Ngày đó, mỗi học sinh được phát một chiếc áo len, một đôi dép cao su, sách, vở để đi học. Mặc dù rất khó khăn, nhưng chế độ ăn uống cho các em rất chu đáo, một tuần ăn thịt bò 3 ngày, thịt lợn 3 ngày, mỗi tháng được cấp thêm 1 hộp sữa, 1kg đường. Trường có khoảng 6 giáo viên, thầy Cẩn được phân công dạy các môn văn hóa. Trong các giờ học, các em học sinh miền Nam đều nghe giảng và tiếp thu bài rất nhiệt tình. Ngoài các buổi học ở lớp, ban đêm thầy Cẩn còn tập hát, tập múa cho các em. "Người dân Sầm Sơn rất quý học sinh miền Nam, dù đói nhưng có củ khoai, củ sắn đều nhường cho các em. Tết đến các gia đình đều mời các em đến ăn Tết rất vui vẻ và đầm ấm", thầy Cẩn cho biết. Mặc dù ở và học với nhau chỉ trong một thời gian ngắn, khi các em học sinh miền Nam lên xe ra Bắc cùng với gia đình, thầy trò ai nấy đều bịn rịn chia tay. Sau này, nhiều học sinh liên tục viết thư cho thầy Cẩn, hỏi thăm sức khỏe, công tác và nhắc lại những kỷ niệm khó quên của một thời học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Ông Hoàng Văn Truyền, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sầm Sơn cho biết, sau 55 năm năm xây dựng, nay bến Sầm Sơn nay đã phát triển thành cảng cá Lạch Hới lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, với sức chứa gần 500 tàu, thuyền các loại. Tại đây, Ủy ban Nhân dân thị xã đã cho dựng một tấm bia ghi dòng chữ: "Nơi đây, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sầm Sơn đã đón đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc theo hiệp định Giơnevơ về Việt Nam. "Người dân thị xã Sầm Sơn mong muốn địa danh bến Sầm Sơn sớm được công nhận di tích xứng tầm, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp trẻ, đồng thời là điểm tham quan mỗi khi du khách đến Sầm Sơn", ông Truyền nói.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/congdongviet/Ben-Sam-Son--diem-dau-tien-don-dong-bao-mien-Nam-ra-Bac/200910/63628.datviet