Bệnh đau mắt đỏ và sốt xuất huyết tràn lan

SGTT - Chiều 15.10, mặc dù đã 16g nhưng các phòng khám mắt ở bệnh viện Mắt TP.HCM vẫn còn đông kín bệnh nhân. Các bác sĩ khám không nghỉ tay. Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, quận Bình Thạnh mang con đi khám mắt, cho biết lớp của con chị có tới 1/3 số học sinh nghỉ học vì bệnh đau mắt đỏ. Đầu tiên, cháu bị lây từ bạn ở lớp, sau đó về lây sang cho bà nội, rồi đến ba, bây giờ đang có dấu hiệu lan sang mẹ, cả nhà đau mắt đỏ.

Theo bệnh viện Mắt TP.HCM, trong bốn tuần gần đây, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám lên tới 15.503 ca, chiếm 30% tổng số bệnh nhân đến khám tại phòng khám. Một bác sĩ chuyên khoa giác mạc cho biết dịch viêm kết mạc (đau mắt đỏ) năm nay nặng hơn năm trước, bệnh nhân có biểu hiện mắt sưng nhiều. Nguyên nhân do gió bụi, nhiễm vi trùng hoặc siêu vi trùng, dị ứng thuốc, côn trùng. Dấu hiệu bệnh: mắt có ghèn, ghèn dính lông mi khi sáng ngủ dậy, mắt đỏ, sưng mí mắt, thường nổi hạch trước tai. Khi có biểu hiện bệnh cần nhỏ mắt bằng dung dịch kháng sinh như Cloraxin 0,4%. Tobramycin 6 – 8 lần/ngày. Sau ba ngày nếu không giảm, bệnh nhân nên đến các cơ sở chuyên khoa mắt để khám. Tuyệt đối không sử dụng những thuốc nhỏ mắt có chứa Corticoid nếu không có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, dịch sốt xuất huyết (SXH) cũng sắp vào mùa đỉnh dịch. Theo trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, riêng trong tháng 9 đã có 1.574 ca bệnh, tử vong hai ca, chín tháng đầu năm tử vong sáu ca, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, từ đầu tháng 10 đến 13.10 thêm một ca tử vong. Ông Nguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc trung tâm Y tế dự phòng, cho biết phần lớn bệnh nhân tập trung ở các quận ngoại thành phía tây bắc thành phố. Tại Hà Nội, mặc dù tháng 11 tới mới là thời điểm đỉnh của SXH nhưng hiện nay số ca mắc đã tăng 14,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh nhân mắc SXH hiện đã có mặt ở 73% số xã, phường trên toàn thành phố Hà Nội; 75% bệnh nhân tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành và hai huyện ngoại thành đang đô thị hóa cao là Từ Liêm và Thanh Trì. Tại viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, có 49 giường bệnh dành điều trị các bệnh truyền nhiễm thì có quá nửa là bệnh nhân SXH. Viện trưởng Nguyễn Văn Kính cho biết mấy tháng nay các bác sĩ trong viện quay như “bi” với dịch bệnh. Dịch này chưa hết dịch khác đã bùng phát. Nhiều ca SXH nhập viện trong tình trạng bệnh rất nặng do nhập viện muộn. Theo TS Lý Ngọc Kính, cục trưởng cục Khám chữa bệnh (bộ Y tế), đây là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nên người mắc không được chủ quan, không tự điều trị tại nhà. Hoàng Nhung – Lệ Hà

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail29.aspx?columnid=29&fld=htmg/2009/1015/58250&newsid=58250