Bệnh nhân sốt xuất huyết tại khu vực Tây Nguyên giảm mạnh

Ngày 19-9, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn khu vực Tây Nguyên đã phát hiện gần 4.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), giảm tám lần so với cùng kỳ năm 2016, không có trường hợp tử vong do SXH.

Trong đó, tỉnh Gia Lai có số bệnh nhân cao nhất với 1.717 trường hợp, kế đến là tỉnh Đác Lắc có gần 1.500 bệnh nhân, giảm gần chín lần so với cùng kỳ năm 2016; số bệnh nhân tập trung chủ yếu tại TP Buôn Ma Thuột và các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Kar, Lắc... Theo điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đác Lắc, tại những địa phương này, tỷ lệ vật dụng chứa nước và đồ phế thải có chứa lăng quăng nhiều nhất là chum, vại và lốp xe hỏng.

Tại Hội nghị cộng đồng trách nhiệm, chủ động phòng chống SXH Dengue khu vực Tây Nguyên năm 2017, do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tổ chức tại Đác Lắc mới đây, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên nhận định, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh SXH tại khu vực Tây Nguyên không nóng như nhiều khu vực khác và giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, bệnh sẽ có khả năng diễn biến phức tạp vào những tháng cuối năm. Bên cạnh yếu tố thời tiết bất lợi thì sự lơ là, chủ quan của các đơn vị chức năng và người dân tại một số địa phương sẽ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh SXH tiếp tục lây lan nhanh. Do đó, Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên yêu cầu Sở Y tế các tỉnh trong khu vực cần huy động sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, trong đó sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của người dân giữ vai trò chủ đạo, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch SXH.

Đối với tỉnh Đác Lắc, nhằm ngăn chặn dịch bệnh SXH bùng phát trong những tháng cuối năm 2017, mới đây UBND tỉnh Đác Lắc đã ban hành Kế hoạch số 7078/KH-UBND về phòng chống bệnh SXH những tháng cuối năm 2017 trên địa bàn tỉnh.

Người dân thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đác Lắc tìm hiểu các biện pháp phòng, chống SXH thông qua các tờ rơi phòng chống SXH của ngành y tế.

Theo đó, UBND tỉnh Đác Lắc đề ra năm mục tiêu cụ thể phòng chống SXH từ nay đến cuối năm là: phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng; khoanh vùng và xử lý triệt để 100% ổ dịch SXH; 100% thôn, buôn có thành lập các tổ xung kích diệt bọ gậy và triển khai hoạt động; hơn 90% hộ gia đình kiểm tra không có bọ gậy trong dụng cụ chứa nước; chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra dịch SXH.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên, UBND tỉnh Đác Lắc yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh các cấp tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát; các sở, ban, ngành và UBND các cấp chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch SXH trên địa bàn; tăng cường truyền thông, phổ biến các kiến thức và biện pháp phòng chống dịch SXH đến người dân; giám sát phát hiện, xử lý các ca bệnh, ổ dịch, khoanh vùng và xử lý kịp thời; tổ chức diệt lăng quăng, bọ gậy; kiểm tra, giám sát phòng chống dịch tại các địa phương; thiết lập đường dây nóng tại Sở Y tế và tại tất cả các đơn vị y tế từ tỉnh đến cơ sở để báo cáo diễn biến dịch bệnh, tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến dịch bệnh một cách kịp thời và hiệu quả nhất…

NGUYỄN CÔNG LÝ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/34136102-benh-nhan-sot-xuat-huyet-tai-khu-vuc-tay-nguyen-giam-manh.html