“Bệnh thích dự án” ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế đất nước

QĐND Online - Sáng 28-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2008. Những vấn đề, bất cập về quyết toán ngân sách được các đại biểu bàn bạc kỹ nhằm mục tiêu chung, rút ra những kinh nghiệm quý cho quản lý thu, chi NSNN…

Quản lý thu, chi chưa chặt Thu, chi NSNN là vấn đề phức tạp, việc xử lý, quản lý sao cho tốt luôn là vấn đề khó đặt ra với tất cả các nước. Nợ NSNN, bội chi NSNN là những vấn đề mà các nước trên thế giới đều phải đối mặt. Tuy nhiên, ứng xử như thế nào và hiểu như thế nào cho đúng thì cần phải phân tích rõ từ điều kiện, hoàn cảnh thế giới đến điều kiện hoàn cảnh nội tại của mỗi quốc gia. Báo cáo về quyết toán NSNN của ta hằng năm đều cho thấy sự vượt chi cao, nợ ngân sách lớn khiến không ít đại biểu băn khoăn, nhân dân lo lắng. Nghiên cứu và phân tích kỹ quyết toán ngân sách cùng với nhìn nhận vào thực tế, một số đại biểu cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này có phần không nhỏ từ việc quản lý thu, chi chưa chặt. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho rằng: Hiện chúng ta làm công tác rút kinh nghiệm về quyết toán ngân sách chưa tốt nên hằng năm vẫn luôn lặp lại tình trạng thu không chắc mà chi thì dàn trải, chi không hiệu quả. Việc quản lý chi chưa được nghiêm nên chưa tạo được trách nhiệm trong việc chi sai, chi kém hiệu quả. Thực tế cho thấy, thời gian gần đây có nhiều vấn đề trong xây dựng cơ bản như sập cầu, xây dựng chất lượng kém nhưng không thấy ai bị xử lý, kỷ luật gì và cũng chẳng thấy ai đứng ra xin lỗi nhân dân. Chúng ta có thể coi đây là những căn bệnh trong quản lý thu, chi NSNN. Ngoài bệnh thu, chi chưa nghiêm còn có “bệnh chi hoành tráng”. Chúng ta hiện nay cái gì cũng thích nhất: to nhất, dài nhất… trong khi điều kiện kinh tế nước ta còn hạn hẹp. Trên thực tế, có căn bệnh đã bắt đầu cách đây hơn chục năm, nhưng bây giờ mới đặt được tên đó là “bệnh thích dự án”. Căn bệnh này làm ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển kinh tế của đất nước. Đi đâu cũng thấy dự án, cái gì cũng thấy dự án mà chưa tính hết hiệu quả của nó. Thậm chí, vỉa hè đang đẹp cũng bóc đi làm mới, cực kỳ tốn kém. Đại biểu Thuyết nhấn mạnh: “Đã nói đến vay nợ thì ai cũng sợ. Nhưng không phải vì thế mà không dám vay. Cái chính là mục đích của nó để làm gì. Nếu vay để sản xuất thì phải làm, nhưng vay để “hoành tráng” thì không nên”. Đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) cùng chung quan điểm với đại biểu Thuyết, giải thích thêm: Hiện việc quản lý NSNN của ta chưa chặt và hiệu quả. Qua nghiên cứu thấy số tiền để ngoài thu, chi NSNN ở địa phương là rất lớn và lớn dần qua các năm. Nếu chúng ta cứ để như vậy sẽ tạo ra những lỗ hổng vì Quốc hội không nắm vững và như vậy không thể kiểm soát được. Nếu đã quy định cụ thể về phần để ngoài này, thì cũng phải có bản thuyết trình đầy đủ để Quốc hội xem, biết. Như vậy, vừa đảm bảo được tính công khai minh bạch, vừa đảm bảo được Quốc hội luôn quản lý tốt NSNN. Nâng cao vai trò của kiểm toán Một số đại biểu cho rằng, hiện nay cử tri và thậm chí không ít các đại biểu Quốc hội còn hiểu mù mờ về thu, chi NSNN. Vì thực tế, với những tập báo cáo dày với chi chít con số, nếu không có trình độ chuyên môn sẽ khó có thể hiểu hết chứ chưa nói đưa ra những đóng góp cụ thể. Để đảm bảo tính chính xác, nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này, nhiều đại biểu kiến nghị cần nâng cao vai trò của kiểm toán Nhà nước. Đại biểu Trần Đình Long (đoàn Đắc Lắc) băn khoăn: Liệu việc quyết toán ngân sách ở địa phương có được kiểm toán tốt hay không? Với điều kiện, nhân lực cũng như quy định hiện nay, có thể đánh giá cao sự cố gắng của kiểm toán. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ thì kiểm toán chưa thực hiện được là bao. Đây là điều Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu để khắc phục. Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) bức xúc: Thực tế, còn nhiều tồn tại như hoàn thuế sai, nợ đọng... Qua kiểm toán, các doanh nghiệp cho thấy rõ vấn đề này. Đây là một trong những nguyên nhân thất thu NSNN, nhưng chúng ta vẫn cứ để tồn tại năm này qua năm khác. Thực tế này đòi hỏi chúng ta cần phải sớm xem xét rõ, xem xem đây là do tiêu cực hay do năng lực quản lý, kiểm soát kém để đưa ra giải pháp cụ thể. Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (đoàn Tây Ninh) đề nghị: Đã kiểm toán phát hiện ra sai phạm thì chúng ta phải xử lý chứ không chỉ thu hồi lại như hiện nay. Chúng ta cứ mãi hô hào mà không xử lý nghiêm sẽ không quản lý tốt được ngân sách, làm mất tính nghiêm minh của pháp luật. Ngoài ra, Quốc hội, Chính phủ cần xem xét, đáp ứng tốt kiến nghị của kiểm toán Nhà nước. Trong thời gian vừa qua, kiểm toán đã đưa ra một số danh mục ở ngành, địa phương cần loại bỏ vì đã quá cũ, không phù hợp. Tuy nhiên, việc thay đổi chưa được nhiều làm ảnh hưởng không nhỏ đến thu, chi NSNN. Ngoài ra, có nhiều đại biểu đề cập đến việc quyết toán chậm. Thực tế, có những công trình dự án đã đưa vào sử dụng, thậm chí sửa lại nhiều lần đến nay vẫn chưa được quyết toán. Đây là vấn đề Quốc hội cần sớm xem xét, giải quyết gỡ cho các ngành, địa phương. Một số đại biểu kiến nghị nên sửa đổi lại Luật Ngân sách sao cho phù hợp với điều kiện quốc tế cũng như trong nước hiện nay. Xuân Dũng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/10/50/50/113463/Default.aspx